1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Động thái của Mỹ - Nhật - Hàn sau vụ phóng vệ tinh do thám của Triều Tiên

Thành Đạt

(Dân trí) - Hàn Quốc đang đàm phán với Mỹ và Nhật Bản tổ chức tập trận hàng hải chung gần bán đảo Triều Tiên nhằm đáp trả việc Bình Nhưỡng tuyên bố phóng vệ tinh do thám thành công.

Động thái của Mỹ - Nhật - Hàn sau vụ phóng vệ tinh do thám của Triều Tiên - 1

Các tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tập trận chung hồi tháng 2 (Ảnh: Yonhap).

"Chúng tôi đang tham vấn để tiến hành các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc - Mỹ và Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản ở vùng biển phía nam bán đảo Triều Tiên vào cuối tuần này, khi tàu Carl Vinson chuẩn bị quay trở lại", một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc thông báo hôm 22/11.

Nhiều nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết, hải quân Hàn Quốc và Mỹ sẽ tham gia cùng Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản trong cuộc tập trận chung. USS Carl Vinson, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đang cập cảng Busan, tham gia cuộc tập trận.

Cuộc tập trận Hàn Quốc - Mỹ có thể sẽ diễn ra vào ngày 25/11 và cuộc tập trận 3 bên sẽ diễn ra vào ngày 26/11.

Tàu USS Carl Vinson đã đến căn cứ hải quân ở thành phố cảng phía đông nam Hàn Quốc hôm 20/11 trong một động thái nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Triều Tiên.

Triều Tiên hôm 22/11 thông báo nước này đã thành công trong việc đưa một vệ tinh do thám quân sự lên quỹ đạo sau 2 lần thất bại trước đó.

Mỹ nhanh chóng cáo buộc vụ phóng tên lửa là vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và cho rằng vụ việc này có thể gây bất ổn cho khu vực.

Trong khi đó, Hàn Quốc đã phản ứng bằng cách cho biết sẽ nối lại các hoạt động giám sát dọc biên giới với Triều Tiên vốn đã bị đình chỉ vào năm 2018 như một phần của thỏa thuận mà Seoul - Bình Nhưỡng ký nhằm giảm căng thẳng quân sự.

Những nỗ lực trước đây của Triều Tiên nhằm đưa vệ tinh do thám vào quỹ đạo vào tháng 5 và tháng 8 đều thất bại. Seoul, Tokyo và Washington đã nhiều lần cảnh báo Bình Nhưỡng không tiến hành vụ phóng tên lửa khác vì điều này sẽ vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Tên lửa phóng vệ tinh và tên lửa đạn đạo có một số điểm tương đồng về mặt kỹ thuật nhưng nghị quyết Liên hợp quốc đã cấm Triều Tiên không sử dụng công nghệ đạn đạo.

Theo Yonhap