1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đông Nam Á đối mặt với tình trạng đổi khí hậu

(Dân trí) - Ở các quốc gia Đông Nam Á, ngày càng nhiều khí thải nhà kính đổ vào không khí. Trong tương lai, vấn đề này có thể tác động xấu đến điều kiện môi trường và cảnh quan khí hậu khu vực.

Đông Nam Á có thể sẽ là một trong những khu vực dễ bị tác động nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu trái đất, do phần lớn trong số 500 triệu dân của khu vực sống trong các khu vực đồng bằng châu thổ hoặc các quần đảo có độ cao tương đối thấp so với mực nước biển. Những khu vực này rất dễ bị ngập nếu mực nước biển dâng lên do hiện tượng Trái đất nóng lên. Tuy nhiên, vấn đề này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của dư luận và chính quyền các nước.

 

Hiện nay, các nước trong khu vực, trừ Lào và Brunei, đã tham gia vào các hiệp định quốc tế về biến đổi khí hậu – trong đó có Nghị định thư Kyoto 1997 và Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu 1992.

 

Nhiều nước cũng nhấn mạnh mong muốn sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng. Tuy nhiên, việc hạn chế nguồn khí thải nhà kính vẫn chưa được cải thiện nhiều so với những năm 1990.

 

Theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu năng lượng châu Á-Thái Bình Dương (APERC), cơ quan do Diễn đàn APEC bảo trợ, từ năm 2002 tới 2030, lượng khí thải nhà kính tại Đông Nam Á có khả năng sẽ tăng gấp 4 lần - gấp đôi Nhật Bản và bằng khoảng 1/3 của Mỹ, 1/4 của Trung Quốc.

 

Nghiêm trọng hơn, mức độ hấp thụ tự nhiên các loại khí thải nhà kính tại Đông Nam Á đang có chiều hướng giảm do nạn phá rừng, đặc biệt tại các khu vực vốn có thảm thực vật bao phủ như đảo Kalimantan (Indonesia), bang Sarawak và Sabah trên đảo Borneo (Malaysia) và khu vực miền núi dọc theo sông Mekong tại Việt Nam, Lào, Campuchia, một số khu vực của Myanmar, Thái Lan.

 

Một số nước trong khu vực đang đẩy mạnh chiến lược sử dụng nhiên liệu sinh học, chủ yếu từ dầu cọ, do lo ngại biến động của giá dầu trên thị trường thế giới và sự phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu, nhưng chiến lược này kéo theo nguy cơ gia tăng phá rừng để mở rộng diện tích canh tác.

 

Trong khi đó, chiến lược chuyển đổi sang các loại nhiên liệu khác như khí hóa lỏng, thủy điện…của nhiều nước trên thực tế cũng không khắc phục được tình trạng phá hoại môi trường. Quá trình sản xuất khí gas bản thân nó đã gây ô nhiễm nặng, trong khi phát triển thủy điện sẽ kéo theo những tác động tiêu cực tới điều kiện tự nhiên. Thực tế các đập nước thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống của các cộng đồng dân cư ở hạ lưu, đặc biệt là tại Việt Nam. Ba mùa khô vừa qua, mực nước sông Mekong đã hạ xuống mức rất thấp do ảnh hưởng của các đập thủy điện ở phía Bắc.

 

Năng lượng hạt nhân cũng là một trong những chủ đề được nhiều nước chú ý. Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Myanmar đang có ý định xây dựng các nhà máy điện nguyên tử quy mô lớn, có thể hoàn thành vào cuối thập kỷ tới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa lường hết đối với loại hình năng lượng này.

 

Hầu hết các nước Đông Nam Á đều sử dụng phổ biến các phương tiện giao thông thế hệ cũ. Đây là nguồn khí thải rất độc hại, đặc biệt là từ hàng chục triệu xe máy đang lưu hành ở các nước. Do bình quân thu nhập đầu người trong khu vực còn thấp, tỷ lệ hộ gia đình có ô tô không cao, nhưng trong vài năm tới, số lượng ô tô sẽ tăng lên, trong khi các dự án giao thông công cộng mặc dù đang có kế hoạch triển khai, nhưng cũng phải mất nhiều năm nữa mới bắt đầu triển khai.

 

Nhiều người cho rằng tỷ trọng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Đông Nam Á thấp hơn nhiều so với các khu vực khác. Báo cáo của APERC dự tính tới năm 2030, bình quân mỗi người dân Đông Nam Á thải 4,2 tấn khí CO2, thấp hơn mức bình quân tại Trung Quốc (6,7 tấn), Nhật Bản (10,8 tấn), Ausstralia (21,9 tấn) và Mỹ (23 tấn). Thế nhưng, nếu so sánh các trung tâm đô thị lớn của Đông Nam Á như Bangkok, Jakarta, kể cả Singapore, với các thành phố lớn tại các nước đang phát triển có thể thấy bức tranh ô nhiễm môi trường tại Đông Nam Á không phải là thấp. Singapore là thành phố được đánh giá là xanh, sạch nhất Đông Nam Á, nhưng năm 2002, tỷ lệ thải khí CO2 trên đầu người của Singapore đạt 12,2 tấn, tới năm 2030, có thể lên tới 18,8 tấn, một con số khá cao so với nhiều nước.

 

Có một điều an ủi là bức tranh môi trường tại Đông Nam Á không phải tất cả đều ảm đạm. Chẳng hạn, Singapore từ vài thập kỷ trở lại đây đã rất quan tâm tới quy hoạch đô thị và phát triển giao thông công cộng, trong đó có việc mở rộng vành đai xanh và các vườn cây trong thành phố.

 

Thủ đô Bangkok của Thái Lan vốn nổi tiếng là thành phố ô nhiễm và ùn tắc giao thông, nay đã có nhiều thay đổi với việc đưa vào sử dụng hệ thống tàu điện ngầm và áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ kiểm soát chất lượng khí thải. Còn ở Việt Nam, hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM đang có kế hoạch xây dựng các hệ thống giao thông ngầm hiện đại, tuy nhiên, hiệu quả của những dự án này còn đang ở phía trước.

 

Các nước Đông Nam Á đã đạt được những tiến bộ lớn về phát triển kinh tế trong vài thập kỷ vừa qua, nhưng những thách thức về kinh tế-xã hội đặt ra cho khu vực cũng còn khá lớn. Có lẽ vì lý do đó nên vấn đề hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính chưa thu hút sự chú ý của dư luận và cả các chính phủ như tại các nước phát triển.

 

Ngọc Nhàn

Tổng hợp