1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Đồng minh châu Á hoài nghi tuyên bố dừng tập trận của Tổng thống Trump

(Dân trí) - Đối với cộng đồng quốc tế, kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore là tin vui sau thời gian dài căng thẳng. Còn đối với các đồng minh của Washington ở châu Á, họ có những nỗi lo riêng sau sự kiện lịch sử này.

Tổng thống Trump họp báo sau cuộc gặp với ông Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump họp báo sau cuộc gặp với ông Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Xét theo khía cạnh tích cực, các đồng minh của Mỹ ở châu Á không còn bị “mất ăn mất ngủ” vì nguy cơ cận kề chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sau khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký tuyên bố chung 4 điểm với nội dung cam kết phi hạt nhân hóa sau cuộc gặp lịch sử tại Singapore.

Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh được chờ đợi từ lâu giữa Mỹ và Triều Tiên cũng mang lại cho các đồng minh của Washington nhiều mối lo mới. Sự nhượng bộ của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên khiến nhiều nước càng thêm lo ngại về cam kết lâu dài của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho khu vực châu Á.

Tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Trump trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh rằng ông sẽ dừng các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời bày tỏ hy vọng về việc đưa 28.000 binh sĩ Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên, đã khiến các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại. Thậm chí, ngay cả Lầu Năm Góc cũng bị bất ngờ trước tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng.

Nhìn rộng ra, tuyên bố của Tổng thống Trump còn làm dấy lên hàng loạt nghi vấn về việc liệu cách tiếp cận của ông với Triều Tiên có phải là tín hiệu cho thấy Mỹ sẽ “rút chân” khỏi châu Á hay không.

Từ sau Thế chiến 2, Mỹ đã giữ vai trò lãnh đạo ở khu vực Đông Á, cung cấp sự hỗ trợ về an ninh cho các đồng minh. Tuy vậy, từ trước khi thỏa hiệp với Triều Tiên, Tổng thống Trump đã hoài nghi về sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ trong khu vực và cho rằng Washington đang phải chi trả quá nhiều để duy trì ô bảo hộ cho các nước đồng minh.

Sự nhượng bộ của Mỹ?

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều bắt tay sau khi ký tuyên bố chung tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều bắt tay sau khi ký tuyên bố chung tại Singapore (Ảnh: Reuters)

Dừng tập trận quân sự là bước nhượng bộ đáng kể của Mỹ đối với Triều Tiên, đặc biệt khi Tổng thống Trump mô tả các cuộc tập trận này là “các trò chơi chiến tranh” và là hành động “khiêu khích”, đúng như cách Triều Tiên từng chỉ trích trước đây. Dường như ông Trump đưa ra tuyên bố này khi chưa thông báo cho Lầu Năm Góc và cũng không hỏi ý kiến của các quan chức ở Tokyo hay Seoul. Điều này chắc chắc sẽ gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản đúng vào thời điểm Tổng thống Trump ngày càng tỏ rõ sự bất mãn với các đồng minh châu Á truyền thống.

“Điều này cho thấy khi tổng thống nổi hứng, ông ấy sẵn sàng đạt thỏa thuận với các đối thủ của chúng ta, liên quan tới cả lợi ích của các đồng minh” mà không hỏi ý kiến của họ, Michael J. Green, cựu cố vấn về châu Á dưới thời Tổng thống George W. Bush và hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nhận định.

Ở mức độ nào đó, các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc đã dần quen với cách ra quyết định bất chợt của Tổng thống Trump, và họ cũng hiểu rằng không phải tất cả những gì ông Trump tuyên bố đều có thể trở thành chính sách chính thức. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi Tổng thống Trump đang mâu thuẫn với các đồng minh trong vấn đề thương mại, mối lo lắng về dài hạn đó là mối liên kết lỏng lẻo giữa các nước có thể làm giảm dần vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực.

Một ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố dừng tập trận, các quan chức quốc phòng Mỹ vẫn mải miết xác định xem liệu họ có thể làm dịu bớt sức nóng của tuyên bố này hay không. Tuyên bố trên đã đi ngược lại hoàn toàn với những gì mà các tư lệnh quân sự của Mỹ từng đưa ra trước đó, rằng các cuộc tập trận không phải là hành động khiêu khích Triều Tiên.

“Chúng tôi vẫn đang làm việc để thực hiện chỉ đạo của tổng thống”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Christopher Logan, cho biết.

Trong khi đó, các quan chức khác nói rằng họ muốn nghe Nhà Trắng giải thích cụ thể về định nghĩa “trò chơi chiến tranh” như tuyên bố của Tổng thống Trump.

“Tập trận chung không phải là trò chơi chiến tranh”, Robert Daly, giám đốc Viện nghiên cứu Kissinger về Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung tâm Wilson ở Washington, nói.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry cho biết ông không thấy có vấn đề gì trong tuyên bố dừng các cuộc tập trận quy mô lớn của Tổng thống Trump, miễn là tuyên bố này giúp ích cho các cuộc đàm phán. Tuy vậy, ông Thornberry ủng hộ việc tiếp tục duy trì các cuộc huấn luyện thường kỳ.

Trung Quốc “hưởng lợi”, Nhật - Hàn hoài nghi

Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Theo cây bút Motoko Rich của New York Times, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ sự rút lui của Mỹ khỏi khu vực châu Á là Trung Quốc.

Việc Tổng thống Trump quá chú ý tới vấn đề Triều Tiên khiến Mỹ xao lãng các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngoài ra, việc Mỹ chấm dứt tập trận quân sự với Hàn Quốc cũng được xem là “món quà” với Trung Quốc. Bắc Kinh lâu nay vẫn ủng hộ lập trường “đóng băng kép”, trong đó Triều Tiên đóng băng các chương trình tên lửa và hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ đóng băng các cuộc tập trận với Hàn Quốc.

Đối với Trung Quốc, mục tiêu cuối cùng của nước này là giảm sự hiện diện của Mỹ trong khu vực để nước này có thể củng cố và mở rộng ảnh hưởng. Việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc như tuyên bố của Tổng thống Trump là mục tiêu đã được chờ đợi từ lâu của Bắc Kinh.

“Đây chính xác là những gì mà Trung Quốc muốn thấy, đó là Mỹ sẽ giảm bớt hiện diện quân sự tại Đông Bắc Á. Trung Quốc muốn chứng kiến cảnh Mỹ gieo rắc tâm lý hoài nghi vào tư tưởng của các đồng minh ở Nhật Bản, Hàn Quốc và những nơi khác”, Michael Fuchs, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ và từng là Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Barack Obama, nhận định.

Quân đội Mỹ - Hàn tập trận ở ngoài khơi bờ biển Pohang, Hàn Quốc năm 2017 (Ảnh: Reuters)
Quân đội Mỹ - Hàn tập trận ở ngoài khơi bờ biển Pohang, Hàn Quốc năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Tại Hàn Quốc, nơi chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang thúc đẩy sự hòa hoãn giữa Mỹ và Triều Tiên, các quan chức không phản đối công khai tuyên bố dừng tập trận của Tổng thống Trump. Nhưng tại Tokyo, các quan chức vẫn hoài nghi về cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và không mấy lạc quan về tuyên bố của ông Trump.

“Tập trận chung với các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng cho an ninh Đông Á”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói.

Nhiều người cho rằng mặc dù Tổng thống Trump muốn dừng tập trận quân sự vì xem đây là hành động thể hiện thiện chí trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên, song động cơ thực sự của nhà lãnh đạo Mỹ liên quan tới chi phí của các cuộc tập trận này.

“Chúng tôi sẽ dừng tập trận, điều đó sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm khoản tiền đáng kể”, ông Trump nói.

Một số nhà phân tích tại Nhật Bản nghi ngờ rằng chi phí tập trận mới là vấn đề cốt lõi dẫn tới quyết định của Tổng thống Trump, còn Triều Tiên chỉ là cái cớ để giúp ông Trump làm điều ông thực sự muốn làm.

“Đây là ý tưởng của riêng ông ấy được thể hiện từ chiến dịch tranh cử, chứ không phải là vấn đề thương lượng với Triều Tiên. Đây là ý tưởng yêu thích của ông ấy”, Fumiaki Kubo, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tokyo, cho biết.

Nỗi lo sợ lớn nhất của Nhật Bản là các cuộc đàm phán tương lai với Triều Tiên không những không dẫn tới việc phi hạt nhân hóa, mà còn khiến Tổng thống Trump rút dần lực lượng khỏi khu vực. Trong trường hợp này, Nhật Bản sẽ phải xem xét lại các chính sách quân sự của nước này. Thủ tướng Shinzo Abe từ lâu đã theo đuổi mục tiêu tăng cường năng lực quân sự của Nhật Bản, bao gồm việc thay đổi hiến pháp vốn đi theo đường lối hòa bình.

Nếu Triều Tiên tiếp tục duy trì kho vũ khí hạt nhân của nước này, trong khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng lực lượng quân sự, cả Hàn Quốc và Nhật Bản có thể nhận thấy sự cần thiết của việc tự trang bị năng lực hạt nhân cho riêng mình.

Thành Đạt

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm