1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Đối thoại Shangri-la 14: “Miệng lưỡi chiến quần hùng”

Theo nhận định của ông John Chipman, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Đối thoại Shangri-la lần thứ 14 ở Singapore năm nay có nhiều tuyên bố thẳng thắn từ đại diện các quốc gia tham dự, cũng như các tổ chức quốc tế; trong đó có nhiều thảo luận, ý kiến về Biển Đông.

Đây là sự cấp thiết để có thể sớm hoàn tất và tiến tới ký Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Và Đối thoại Shangri-la lần thứ 14 đã kết thúc (31/5) với thông điệp “đối thoại để xây dựng lòng tin và sự minh bạch”.

Nói một đàng, làm một nẻo

Ngày 31/5, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, khi phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la lần thứ 14 đã cho rằng, quyết định thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông phụ thuộc vào việc liệu có mối đe dọa đến an ninh hàng hải và hàng không của Bắc Kinh hay không. Đồng thời tuyên bố, Trung Quốc sẽ không ngừng cải tạo đảo trên Biển Đông bởi “đó là hành động thực thi chủ quyền chính đáng!?”.

Trước đó (27-5), Cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề Hải dương Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tĩnh cũng nêu khả năng lập ADIZ tại Biển Đông. Theo nhận định của Giáo sư Rory Medcalf đến từ Đại học Quốc gia Australia, việc nêu lại khả năng thiết lập ADIZ ở Biển Đông là một tín hiệu có tính toán kỹ lưỡng của Bắc Kinh. Theo tờ Financial Times, đây không phải lần đầu tiên quan chức Trung Quốc đề cập đến chủ đề ADIZ, nhưng tuyên bố hôm 27-5 của Cục trưởng Âu Dương Ngọc Tĩnh lại mang một tín hiệu khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews phát biểu hôm 31/5
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews phát biểu hôm 31/5

Những học giả và các chuyên gia có mặt tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 14 đã vô cùng thất vọng sau khi Đô đốc Tôn Kiến Quốc đã bỏ qua tới 13/15 câu hỏi mà họ đặt ra xung quanh Biển Đông. Thay vì trả lời những câu hỏi kể trên, ông Tôn Kiến Quốc chỉ “nhai lại” một số quan điểm mà Bắc Kinh từng tuyên truyền về cái gọi là “chủ quyền bất khả xâm phạm của Trung Quốc”. Đồng thời cho rằng, tình hình nhìn chung ở Biển Đông là hoà bình và ổn định, chưa bao giờ có vấn đề gì về an toàn hàng hải, mọi người không nên đẩy vấn đề lên!

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng vì một cơ hội nữa lại bị bỏ qua. Chuyên gia Bonnie Glaser còn tâm sự: tôi đã dự 9 Đối thoại Shangri-la và mỗi lần Trung Quốc đều có chiến lược riêng, nhưng lần nào họ cũng thất bại. Dư luận cho rằng, tại Đối thoại Shangri-la năm nay, Bắc Kinh đã hạ giọng nhiều so với những lần trước và đây có thể là chiến thuật mới của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng chú ý của dư luận.

Ngày 28/5, tờ National Interest đăng bài “Cẩn thận với chiến thuật nói một đàng, làm một nẻo của Trung Quốc” của tác giả Van Jackson. Bởi tuy luôn tuyên bố “sẽ không bao giờ bành trướng”, nhưng trong Sách Trắng quốc phòng 2015, Bắc Kinh lại mô tả tham vọng triển khai sức mạnh quân sự trên toàn cầu. Tiến sĩ Van Jackson còn cảnh báo các nước châu Á phải cẩn trọng với chiến lược mập mờ của Trung Quốc. Và nhiều quốc gia đã cực lực lên án hành động đơn phương gây căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Cũng đề cập tới Sách Trắng quốc phòng 2015, tờ Washington Times dẫn lời ông Patrick Cronin, người đứng đầu Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ - Trung Quốc đang theo đuổi bước đi bá quyền dần dần trên Biển Đông. Và nếu được phép làm như vậy, Bắc Kinh sẽ tiếp tục củng cố vị thế của mình ở khu vực Đông Nam Á. Tờ Washington Times còn dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, Sách Trắng quốc phòng 2015 là tài liệu quân sự quyết đoán nhất từ trước đến nay của Bắc Kinh.

Không bất ngờ

Cũng trên tờ National Interest, chuyên gia John Hemmings đến từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, Bắc Kinh đã vi phạm trắng trợn các quy tắc của quốc tế và thách thức thế giới trên Biển Đông. Và đã đến lúc Mỹ cùng các đồng minh phải hành động mạnh mẽ hơn để chặn đà độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Theo ông John Hemmings, hành động của Trung Quốc là “một sự vi phạm rõ ràng các hệ thống quy tắc được cả thế giới thông qua, và là một thách thức lớn đối với trật tự toàn cầu”, đặc biệt là khi nó diễn ra tại khu vực có nhiều tuyến hàng hải trọng yếu nhất của thế giới.

Chuyên gia John Hemmings còn cho rằng, kiểm soát một trong những tuyến hàng hải thương mại sôi động nhất thế giới là bước đầu tiên trong chiến lược 3 bước đang được Bắc Kinh thực hiện nhằm độc chiếm Biển Đông. Sau đó, Trung Quốc sẽ tận dụng quyền kiểm soát này để phát triển một hệ thống mới xoanh quanh Trung Quốc tại Đông Nam Á, buộc các nước thành viên ASEAN phải thuận theo chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Cuối cùng, sử dụng ảnh hưởng và quyền kiểm soát này để gây áp lực đối với Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines và Tokyo - 4 đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter
 
Ngày 30/5, Tân Hoa xã đăng bài "Hải quân Đông Nam Á đổi mới không ngừng chính là vì Biển Đông?", trong đó đề cập tới việc các nước Đông Nam Á bắt đầu nâng cấp trang bị hải quân - từ tàu chiến đến tàu ngầm. Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế châu Á Tim Huxley cho rằng, tàu chiến tương tự như tàu đổ bộ lớp Endurance đang được hải quân Đông Nam Á quan tâm.
 
Trước đó, Tân Hoa xã cũng dẫn thông báo của quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã quyết định điều các hệ thống vũ khí, trong đó có mẫu máy bay chiến đấu thế hệ mới J-10, tàu chiến WZ-10, xe tăng Type 63A, xe chở tên lửa chống tăng và xe bọc thép chỉ huy tới đảo Hải Nam. Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu tuyên bố, Trung Quốc sẵn sàng chiến tranh nếu Mỹ và các quốc gia khẳng định chủ quyền ở Biển Đông tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh phải chấm dứt các hoạt động cải tạo đất phi pháp tại khu vực này.
 
Ngày 29/5, tờ Wall Street Journal dẫn tuyên bố của quan chức Mỹ cho biết, theo hình ảnh do thám của Mỹ cho thấy, khoảng một tháng trước Trung Quốc đã bố trí vũ khí trên một đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây trái phép ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby từ chối bình luận về hình ảnh do thám của Mỹ cho thấy Trung Quốc đã bố trí 2 khẩu pháo, nhưng cũng cho biết, Washington phản đối nâng cấp hoặc quân sự hóa các tiền đồn ở những khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
 
Có tin nói rằng, sau khi bị chỉ trích dữ dội, Trung Quốc đã rút số vũ khí kể trên. Tờ Wall Street Journal còn đăng bài "Trung Quốc biến thành nước lớn kiểu khác", với cảnh báo: Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây căng thẳng nhằm thúc đẩy thay đổi hệ thống quốc tế hiện nay.

Đạo đức giả

Ngày 31/5, tờ South China Morning Post và Đa Chiều cho rằng, bài phát biểu sáng 31/5 của Đô đốc Tôn Kiến Quốc là màn sử dụng “miệng lưỡi chiến quần hùng", giống như chuyện Gia Cát Lượng du thuyết Đông Ngô, thuyết phục Tôn Quyền đánh Tào Tháo. Tuy nhiên, ông Tôn Kiến Quốc đã hạ giọng nhiều so với người tiền nhiệm từng phát biểu tại Đối thoại Shangri-la; đồng thời không chỉ đích danh Mỹ và chỉ nói chung chung.
 
Việc lần đầu tiên cử Đô đốc hải quân tới đăng đàn tại Đối thoại Shangri-la cho thấy, Bắc Kinh đã chuẩn bị rất kỹ cho lần du thuyết này. Trung Quốc bắt đầu cử đại diện tham dự Đối thoại Shangri-la từ năm 2007 và năm ngoái là Thượng tướng Vương Quán Trung, Phó tổng tham mưu trưởng, đã có những phát biểu gây tranh cãi kịch liệt tại diễn đàn kể trên.
 
Tướng Tôn Kiến Quốc phát biểu tại Shangri-la
Tướng Tôn Kiến Quốc phát biểu tại Shangri-la
 
Vì là tướng hải quân đầu tiên của Trung Quốc dẫn đoàn đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-la, hơn nữa lại là người đứng đầu trong số các Phó Tổng tham mưu trưởng với quân hàm Thượng tướng, kiêm Hội trưởng Hội Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Trung Quốc, nên sự xuất hiện cùng những tuyên bố của Đô đốc Tôn Kiến Quốc được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm.
 
Theo nhận định của chuyên gia phân tích khủng hoảng quốc tế tại Seoul Daniel Pinkston, Trung Quốc có thể bị buộc tội "đạo đức giả" khi lúc nào cũng nói một đằng, làm một nẻo.
 
Ngày 31/5, hãng Bloomberg cho rằng, Trung Quốc sẽ không từ bỏ cái gọi là lợi ích quốc gia ngay cả khi ông Tôn Kiến Quốc vẽ ra bức tranh "sẵn sàng hợp tác" trong vấn đề Biển Đông tại Đối thoại Shangri-la. Mặc dù Đô đốc Tôn Kiến Quốc tự giới thiệu Trung Quốc là "người bạn đáng tin cậy và đối tác chân thành" của các nước, nhưng chẳng ai tin vào những lời hoa mỹ này. Bởi Đại tá Triệu Hiểu Trác, thành viên trong đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-la cho rằng, Bắc Kinh là nạn nhân, không phải kẻ bắt nạt ở Biển Đông!?
 
Nhật-Mỹ và nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương không công nhận những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Và nhiều sáng kiến nhằm tăng cường an ninh Biển Đông đã được Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia và một số nước khác đưa ra khi tham dự Đối thoại Shangri-la lần thứ 14.
 
Ngày 28/5, tờ Deutsche Welle đăng bài "Tình hình an ninh Đông Á và Đông Nam Á", trong đó cảnh báo an ninh biển ở Đông Nam Á đang đối diện với nhiều thách thức. Đồng thời cho biết, việc Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tham dự Đối thoại Shangri-la năm nay (hội nghị an ninh châu Á-Thái Bình Dương, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tổ chức từ năm 2002) cho thấy, Đức ngày càng quan tâm tới tình hình khu vực có nhiều diễn biến căng thẳng trên biển thời gian gần đây.

Khi dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm của Thụy Điển, tác giả bài viết kể trên nhấn mạnh, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng tới 170% trong giai đoạn 2002-2013. Cũng trong ngày 28-5, tờ Le Monde đăng bài "Hải quân, công cụ cho tham vọng toàn cầu của Trung Quốc" của tác giả Brice Pedroletti, phóng viên thường trú của Le Monde tại Bắc Kinh.

 
Theo Hồng Thất Công
PetroTimes