1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung 2013: Mỹ đã ở vị thế khác

(Dân trí) - Sau 5 năm, Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung đã có sự đổi chiều ngoạn mục. Từ chỗ ở “thế trên về kinh tế và thế dưới về an ninh mạng”, giờ đây Trung Quốc đang hoán đổi vị thế này cho Mỹ, nước đang có nền kinh tế phục hồi mạnh nhưng chìm trong bê bối gián điệp.

Các quan chức Mỹ tham gia Dối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung.
Các quan chức Mỹ tham gia Dối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung.

Vòng Đối thoại chiến lược - kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 5 diễn ra trong hai ngày 10-11/7 tại thủ đô Washington của Mỹ. Với thành phần tham dự đông đủ gồm quan chức kinh tế, ngoại giao cấp cao hai nước, Đối thoại Mỹ - Trung luôn được xem là diễn đàn thường xuyên và toàn diện để thảo luận các vấn đề quan hệ hai nước.
 
Tuy nhiên, bối cảnh của Đối thoại lần này khác xa so với trước, nhất là so với cuộc Đối thoại đầu tiên năm 2009, khi Trung Quốc đang ở thế thượng phong về phát triển kinh tế, còn Mỹ đang phải chật vật vùng vẫy trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930 - 1933. Sau 5 năm, dù tốc độ phục hồi còn chậm nhưng kinh tế Mỹ đã có bước tiến vững chắc, trong khi Trung Quốc đang có dấu hiệu tuột dốc, khiến Mỹ và Trung Quốc bước vào Đối thoại với vị thế hoàn toàn khác.
 
Nhớ lại, khi cuộc Đối thoại đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng nghiêm trọng, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng cơ hội đề cao mô hình tăng trưởng kinh tế của mình và chỉ trích mô hình của phương Tây đang trên đà suy giảm, mục nát. Khi ấy, dù không được đề cập trực tiếp trong Đối thoại, song đã có nhiều đồn đoán về khả năng phương Tây phải chấp nhận mô hình hợp tác G2 (gồm Mỹ và Trung Quốc), theo đó sẽ nâng lên đáng kể vị thế của Bắc Kinh, cho phép nền kinh tế thứ hai thế giới này có tầm ảnh hưởng gần như ngang bằng Mỹ trên trường quốc tế. Thậm chí về kinh tế còn có phần vượt trội.

Tuy nhiên, vị thế thượng phong đó của Trung Quốc không duy trì được lâu, khi những thành tựu phục hồi kinh tế đang đều đặn gõ cửa nước Mỹ, còn kinh tế Trung Quốc lại bộc lộ nhiều hạn chế. Vị thế của Mỹ và Trung Quốc tại vòng Đối thoại 2013 đã bị đảo ngược khi Trung Quốc không những không thể lớn giọng chỉ trích Mỹ về sự yếu kém trong hoạt động giám sát hệ thống tài chính và các tập đoàn lớn, mà còn bị chính Washington nhắc nhở về việc cần phải thay đổi các chính sách phát triển.

Ngay trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã mở màn thế trận mới bằng việc khẳng định kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 40 tháng liên tiếp và đang được củng cố vững chắc. Ngược lại, kinh tế Trung Quốc đang trải qua sự chuyển đổi mang tính hệ thống và có nguy cơ sụp đổ. Vì vậy mà ông Jacob Lew đã liệt kê một loạt lĩnh vực Trung Quốc cần cải thiện hoặc thay đổi: từ tài chính, an ninh mạng đến quyền sở hữu trí tuệ.

Tất nhiên do nhận biết thế yếu của mình hiện nay trong vấn đề kinh tế, nên trước khi vòng đối thoại diễn ra, Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội đề cập vấn đề an ninh mạng để lấy lại thế cân bằng. Truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt đăng chuỗi bài bình luận về những tiết lộ tối mật của Edward Snowden hòng chỉ trích việc Mỹ sử dụng "tiêu chuẩn kép" trong vấn đề gián điệp mạng. Tuy nhiên, ở trên bàn đàm phán, vẫn với phong cách hành xử khôn ngoan như trong suốt thời gian Snowden ở Đặc khu hành chính Hồng Kông, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì chỉ khéo léo nhắc nhở Washington, và cố gắng không làm mếch lòng giới chức Mỹ về vụ bê bối do thám toàn cầu mang tính thế kỷ.

Truớc đó, hai ông Uông Dương và Dương Khiết Trì cũng đã có các bài viết đăng trên tờ Wall Street Washington Post để kêu gọi tăng cường hơn nữa hợp tác Trung - Mỹ, ca ngợi các nỗ lực cải cách của Trung Quốc, tiềm năng đầu tư hấp dẫn và thị trường rộng lớn cho hàng hóa Mỹ.

Rõ ràng, dù không bên nào nói ra nhưng sự chú ý của Mỹ đối với vấn đề kinh tế và sự quan tâm của Trung Quốc trong vấn đề an ninh mạng tại cuộc Đối thoại lần này cho thấy hai bên đã hoán đổi vị trí so với vòng đối thoại đầu tiên cách đây 5 năm.

Sự hoán đổi đó không chỉ mang lại yếu tố mới mẻ cho vòng Đối thoại, mà còn giúp hai bên có những lá bài mặc cả mới cho các vấn đề khu vực và toàn cầu, cho dù ý tưởng về một G2 chưa bao giờ được đánh giá có triển vọng trở thành hiện thực.

Đức Vũ