1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đội quân "bóng hồng" đằng sau nút bấm hạt nhân của ông Trump

(Dân trí) - Không quân Mỹ đã đào tạo gần 250 nữ quân nhân nhận nhiệm vụ điều hành hệ thống tên lửa và hỏa lực Mỹ, nhằm bảo đảm sự an toàn cho lãnh thổ và người dân Mỹ khi có bất cứ mối đe dọa nào từ bên ngoài.

Đội quân "bóng hồng" đằng sau nút bấm hạt nhân của ông Trump

Một nữ quân nhân điều khiển tên lửa thuộc Không quân Mỹ. (Ảnh: NBC News)
Một nữ quân nhân điều khiển tên lửa thuộc Không quân Mỹ. (Ảnh: NBC News)

Tại căn cứ nằm sâu 18m dưới chân núi North Dakota, hai nữ quân nhân ngồi trước bảng điều khiển, thiết bị chuyển mạch và một bảng mã tín hiệu phân loại. Trong vòng 24 giờ, họ sẽ học hỏi nâng cao kiến thức, uống trà, nói chuyện và thay ca lẫn nhau nhằm trực theo dõi hệ thống.

Tuy nhiên, nếu nhận được lệnh khai hỏa tên lửa, những quân nhân này luôn sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ. “Nếu tôi nhận được lệnh tấn công, điều đó có nghĩa là một thế lực nào đó đang muốn phá hoại cuộc sống của người dân Mỹ. Vì thế tôi sẽ cố hết sức để làm tròn bổn phận của mình. Tôi sẽ làm mọi việc để bảo đảm cuộc sống của người Mỹ không bị ảnh hưởng”, đại úy Không quân Erika Weitgenant chia sẻ.

Weitgenant và đồng đội của cô, Marian Dinkha là những quân nhân điều khiển tên lửa. Các cô được mọi người gọi với tên “người phóng tên lửa”. Họ đang bình tĩnh ngồi tại vị trí, nhận nhiệm vụ chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài nước Mỹ bằng kho vũ khí gồm 450 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạt nhân của Washington.

24 giờ đồng hồ trên 7 ngày, dưới những căn cứ chống cháy nổ chôn sâu dưới lòng đất, có khoảng 90 quân nhân điều hành tên lửa ở xung quanh căn cứ của Weitgenant. Những tên lửa này được bố trí ở những vùng dân cư thưa thớt nằm ở phía tây nước Mỹ.

Lực lượng quân nhân tên lửa đã bắt đầu hoạt động trong biên chế quân đội Mỹ từ năm 1970. Trong khi phụ nữ vẫn chỉ chiếm số ít trong quân đội, tỉ lệ nữ giới trong Không quân Mỹ là 20%, cao nhất trong toàn bộ các lực lượng. Cứ 5 người điều khiển tên lửa thì có 4 người là nam giới, tuy nhiên Không quân Mỹ đã đào tạo được 247 nữ quân nhận nhận nhiệm vụ quan trọng này.

Cuộc sống của những “người phóng tên lửa”

Khóa phóng tên lửa hạt nhân. (Ảnh: NBC News)
Khóa phóng tên lửa hạt nhân. (Ảnh: NBC News)

Để trở thành quân nhân điều hành tên lửa, các ứng viên phải trải qua những khóa huấn luyện khắc nghiệt và phải học thuộc lòng quy trình phóng tên lửa. Những quân nhân này phải trải qua những ca trực kéo dài. Họ tác nghiệp mỗi ngày dưới lòng đất, dưới những cánh cửa nặng 4,5 tấn, 24 giờ một ca làm việc và mỗi ca chỉ có 2 người. Họ buộc phải ghi nhớ những quy tắc phức tạp và chuẩn bị tinh thần hành động bất cứ khi nào được yêu cầu.

Nữ đại úy Dinkha, thành thạo vài ngoại ngữ, từng ước mơ được trở thành một chuyên gia ngôn ngữ hoặc đặc vụ tình báo Không quân Mỹ. Khi được chỉ định công việc điều khiển tên lửa, cô đã bật khóc.

“Chân thành mà nói đây không phải là công việc tôi mơ ước”, cô chia sẻ, đồng thời cho biết bản thân phải buộc tự thích nghi với vị trí này vì cô muốn được phục vụ đất nước.

Đại úy Amber Moore làm việc tại căn cứ gần Minot, North Dakota cho biết người chồng và con trai đã giúp đỡ cô rất nhiều để cô có thể yên tâm làm việc. Cô cho biết gia đình là lý do khiến cô muốn làm công việc bảo vệ nước Mỹ.

Vì đây là công việc căng thẳng, nên các nữ quân nhân được phép nghỉ ngơi xả hơi giữa những ngày không phải làm việc. Cô Moore chọn câu lạc bộ cưỡi ngựa thuộc căn cứ để làm nơi giải khuây. Những nữ quân nhân khác yêu thích xem phim, mua sắm, chăm sóc gia đình.

Dù căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi các bên đe dọa sẽ sử dụng tới lá bài hạt nhân để đối phó lẫn nhau, công việc của cô Dinkha vẫn diễn ra bình thường. Họ đã được rèn luyện trong nhiều năm qua và hàng ngày vẫn bền bỉ ngồi theo dõi tình hình và thực hiện yêu cầu khi được lệnh.

Quy trình phóng tên lửa khá phức tạp. Mỗi khi các quân nhân điều khiển tên lửa nhận được mã hạt nhân bí mật từ Nhà Trắng, họ sẽ bước vào quy trình mang tên “kiểm soát bằng 2 người”. Quy trình này nhằm đảm bảo một cá nhân không thể tự ý phóng tên lửa bằng cách giao cho mỗi người quản lý một ổ khóa. Họ chỉ có quyền kích hoạt ổ khóa của họ và không được tiếp cận ổ khóa của người còn lại. Nếu đoạn mật mã gửi xuống hoàn toàn trùng khớp, 2 người điều khiển sẽ mở khóa 1 lúc và tên lửa sẽ được phóng ra.

Đức Hoàng

Theo NBC News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm