1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đời gái bán hoa Iraq ở nước ngoài

(Dân trí) - Một số phụ nữ Iraq nhảy lên sân khấu của câu lạc bộ al-Rawabi, mái tóc dài đen nhánh của họ lúc lắc, gương mặt trẻ măng của họ trát bự phấn. Nhạc nổi lên và họ lắc lư theo, dưới ánh đèn nhấp nháy.

Gần đó, một phụ nữ có tên gọi At'outa đang tiếp các “tình nhân”, những người đàn ông trả 90 USD cho một đêm bầu bạn và “vui chơi”.

 

Bán thân - Cuộc khủng hoảng của người tị nạn Iraq

 

Câu lạc bộ nằm ở tây bắc Damascus, Syria, này cho thấy một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong cuộc khủng hoảng  người tị nạn Iraq: phụ nữ và các cô gái tự biến mình thành gái mại dâm để có thể sống sót được tại những nước đã cho phép họ vào tị nạn, nhưng lại không cho họ, hay gia đình họ công việc khác để làm.

 

Không ai biết có bao phụ nữ Iraq hành nghề mại dâm ở các nước này, nhưng có một sự thật là trong những tháng gần đây, người ta thấy họ xuất hiện ngày càng nhiều ở trong những câu lạc bộ, trên đường phố Damascus, Amman và những thành phố khác.

 

Hầu hết những gái bán hoa ở câu lạc bộ al-Rawabi có vẻ như đều ở độ tuổi trên dưới 20. Một số già hơn. Khi một số nhảy lên sân khấu nhảy nhót, khoảng nửa tá người khác lượn quanh các bàn, mỉm cười với cánh đàn ông, và mời chào họ để được ngồi xuống uống cùng.

 

Ayman al-Halaqi, người quản lý của câu lạc bộ ở đây cho biết các gái nhảy người Iraq được trả rẻ hơn người Syria. Ấy vậy mà ở quê nhà, họ chỉ cần đung đưa trong bộ quần áo thiếu vải cũng bị coi là điều đáng sỉ nhục. Nhưng như vậy, họ có thể kiếm được gấp 10 lần một phụ nữ làm “ôsin” trong suốt cả ngày.

 

Tại câu lạc bộ al-Rawabi, khách quen thường là cánh đàn ông Iraq hoặc Syria. Vào mùa hè có thêm khách du lịch từ các quốc gia trong vùng Vịnh Ba Tư và Ả rập Xê-út tới. Một tối Bassam Abdul-Wahid, một doanh nhân người Iraq 27 tuổi làm ăn tại Damascus, đến câu lạc bộ cùng với ba người bạn khác. Đeo ba chiếc nhẫn vàng và một chiếc vòng vàng trên tay, anh ra hiệu lấy thêm rượu, trong khi đó hai phụ nữ Iraq trẻ, thon thả, đùi chật căng trong chiếc quần jeans, luồn vào bàn của họ.

 

Abdul-Wahid, một khách quen của câu lạc bộ al-Rawabi, đùa rằng anh thích chiếc bàn của anh, bởi nó là “một ví dụ cho sự hào phóng của người Iraq”. Khi rượu được rót ra, hai cô gái cười và cụng ly với những người đàn ông.

 

Cao ủy người tị nạn LHQ ước tính có khoảng 2 triệu người Iraq đã trốn sang các nước láng giềng kể từ năm 2003, khi Mỹ phát động cuộc chiến ở Iraq.

 

Tại Jordan và Syria, họ vật lộn để sống. “Đàn ông và các bé trai là những người có nguy cơ bị trục xuất nhiều nhất. Vì vậy đôi khi phụ nữ phải làm việc một cách bất hợp pháp. Nhưng họ không được bảo vệ, bị chủ lạm dụng”, Ủy ban bảo trợ phụ nữ và trẻ em tị nạn ở New York cho biết trong một báo cáo gần đây. Sau một chuyến đến Jordan tìm hiểu, Ủy ban này cũng cho biết họ đã nghe nói đến rất nhiều phụ nữ và các bé gái phải đi bán thân kiếm sống.

 

Ở những vùng có đông người Iraq đến tị nạn như Jaramaneh và Sit Zeinab, ngay trên phố phụ nữ Iraq thường tiến đến đàn ông và hỏi liệu họ “có một nơi nào đó” hay “muốn vui vẻ một chút” hay không.

 

Còn ở Amman, Jordan, nhiều người tị nạn Iraq đổ về các quận Shemisani và Rabai bởi ở đây các câu lạc bộ thường có những vũ công múa bụng và các nữ tiếp viên. Cánh khách đàn ông thường bị những phụ nữ ở đây sau đó gọi điện hỏi liệu họ có thể gặp nhau hay không.

 

Bassam al-Kadi, một quan chức thuộc một nhóm nhân quyền của Syria cho biết: “Những người phụ nữ này bị bỏ lại, không có ai nương tựa, sống dưới nhiều áp lực và điều khiện khắc nghiệt. Vì vậy họ buộc phải bán thân, để mang bánh mì về cho gia đình”.

 

Câu chuyện của “Con mèo nhỏ”

 

At'outa, theo tiếng Ả rập là “con mèo nhỏ” đã ở độ tuổi cuối 30. Cô đồng ý kể chuyện về mình nhưng từ chối cho biết tên thật do lo sợ những người hàng xóm hoặc con cái của cô có thể biết việc cô đang làm.

 

Năm ngoái, cô đã rời bỏ Iraq cùng con trai và hai con gái, tất cả đều còn ở độ tuổi “teen”, sau khi chồng cô bị các chiến binh bắn chết tại Baghdad.

 

Sau vài tháng trụ ở Syria, những đồng tiết kiệm cuối cùng của người chồng quá cố đã hết. Cô cố gắng làm thợ may, rồi “ôsin”, nhưng không đủ. Sau đó, một người đàn ông đề nghị sẽ hủy 250USD tiền nợ để được quan hệ với cô. Kể từ đó, cô thường xuyên gặp những người “bạn tình” khác ở câu lạc bộ al-Rawabi, nơi cô có thể bán thân và kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống.

 

At'outa cho biết cô nói với mọi người rằng bà con họ hàng của cô ở nước ngoài hàng tháng trả 250 USD tiền thuê căn hộ cho gia đình cô. Cô ngủ chung phòng với hai cô con gái, còn cậu con trai ngủ trên ghế sôfa trong phòng khách. Vừa thổn thức, At'outa vừa nói cô không bao giờ có thể trở lại Iraq nữa và muốn gia đình được định cư ở trời Tây. Nhưng mong muốn của cô khó mà thành hiện thực.

 

Laurens Jolles, thuộc văn phòng người tị nạn LHQ ở Damascus, cho biết cơ quan của ông muốn tái định cư cho khoảng 20.000 người tị nạn gặp khó khăn nhất vào cuối năm nay. Hồi giữa tháng hai, Mỹ tuyên bố sẽ cho khoảng 7.000 người Iraq vào nước này. Thụy Điển cũng đã chấp nhận cho hơn 18.000 người vào tị nạn kể từ năm 2006. Đây là số người tị nạn lớn nhất được vào một nước châu Âu. Nhưng hiện Thụy Điển cho biết sẽ thắt chặt luật tị nạn.

 

Còn At'outa chỉ là một trong số ước tính khoảng 1,5 triệu người tị nạn Iraq chỉ ở riêng Syria. “Mỗi ngày tôi đều tự hỏi mình, tôi đã làm gì để thoát khỏi cuộc sống này? Không gia đình, không nhà cửa, không danh dự. Tội lỗi đang băm vằm thân thể tôi ra thành nhiều mảnh”,  At'outa bộc bạch.

 

Nguyên Hạ
Theo AP