Trước thềm Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung
Đôi bên cùng thay đổi chiến lược
(Dân trí) - Sau những ồn ào gần đây ở khu vực Đông Á, như tập trận hải quân Nga-Trung ở Hoàng Hải và tập trận “Vai kề vai” Mỹ-Philippines ở Biển Đông, trong tuần này, mọi con mắt lại đổ dồn về Bắc Kinh-nơi diễn ra Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên Mỹ-Trung.
Cuộc đối thoại diễn ra trong hai ngày 3 và 4/5, đề cập đến một loạt vấn đề liên quan đến lợi ích của hai bên, cũng như các vấn đề quốc tế quan trọng. Đây là một trong những cơ chế đối thoại thường niên quan trọng nhất trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay.
Tuy nhiên, khác với 3 lần trước, cuộc đối thoại lần này diễn ra trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều đang có những điều chỉnh đáng kể trong chiến lược toàn cầu của mình, với việc Washington đẩy mạnh hơn chính sách trở lại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc cũng đang hướng tới khu vực châu Âu – Đại Tây Dương nhằm tạo thế cân bằng với Mỹ.
Ba tuần “nóng bỏng” của ngoại giao Mỹ tại châu Á
Trong ba tuần qua, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có những động thái rõ ràng thể hiện sự tăng cường chiến lược tại châu Á, thông qua một loạt hoạt động ngoại giao mạnh mẽ nhằm nhen nhóm lại quan hệ thân thiết với Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines và đặc biệt là Trung Quốc.
Cụ thể, từ ngày 16-27/4, gần 7.000 binh sĩ Mỹ và Philippines đã tiến hành cuộc tập trận chung “Vai kề vai” ở vùng biển gần đảo Palawan của Philippines . Đây là cuộc tập trận thường niên lần thứ 28 của hai nước nhằm tăng cường liên minh quân sự, nâng cao khả năng bảo vệ các lợi ích an ninh hàng hải và các lợi ích khác.
Tiếp đó, ngày 30/4, Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, trong đó hai bên cam kết tiếp tục tăng cường liên minh vì hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương. Hai bên cũng nhất trí mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, không gian mạng và đất hiếm.
Trước chuyến thăm của Thủ tướng Noda - chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản kể từ khi đảng Dân chủ Nhật Bản lên nắm quyền tháng 9/2009, hai bên cũng đã đạt được thỏa thuận bước ngoặt về vấn đề gây trở ngại chính trong quan hệ song phương lâu nay là việc tái bố trí lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở tỉnh Okinawa của Nhật Bản. Theo đó, khoảng 9.000 lính Mỹ hiện đang đồn trú tại đây sẽ được chuyển đến các căn cứ quân sự khác bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, như 5.000 lính sẽ được chuyển tới Guam, số còn lại được điều tới Hawaii và Australia.
Bên cạnh đó, Washington, Tokyo và Manila cũng đang thảo luận về việc sử dụng chung các căn cứ quân sự của Philippines để tiến hành các hoạt động huấn luyện chung. Nếu được chính phủ 3 nước thông qua, đây sẽ là mô hình hợp tác quân sự mới nhất ở khu vực Đông Á với địa điểm lựa chọn lý tưởng là căn cứ hải quân và không quân của Philippines tại đảo Palaoan, hoặc căn cứ quân đội trên đảo chính Luzon.
Trên bình diện kinh tế và chính trị, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clintơn và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng đã có chuyến thăm chớp nhoáng Philippines, Bangladesh và Ấn Độ nhằm củng cố và định hình quan hệ với các nước này, trước khi tới Bắc Kinh tham dự Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ tư.
“Quan hệ Mỹ - Trung có ý nghĩa quan trọng không những cho chính phủ Mỹ, người dân Mỹ, cá nhân Tổng thống Obama và tôi, mà còn cho cả chính phủ và người dân Trung Quốc cũng như cho toàn thế giới. Chúng tôi đã nỗ lực xây dựng quan hệ hiệu quả, xây dựng, toàn diện để cho phép hai bên tìm ra các phương cách làm việc chung với nhau. Chúng ta chỉ có thể thành công trong việc xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, hòa bình nếu như chúng ta xây dựng mối quan hệ Mỹ - Trung thành công”, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định trước chuyến thăm.
Những chuyến đi nhiều mục đích của lãnh đạo Trung Quốc
Trong khi Mỹ đang tích cực đẩy mạnh hơn nữa chính sách trở lại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thì Trung Quốc cũng đang âm thầm chuyển hướng chiến lược phát triển sang khu vực châu Âu – Đại Tây Dương, với việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cấp tập đi thăm Nga và 7 nước châu Âu.
Động thái đầu tiên cần được nhắc tới là chuyến thăm 4 nước châu Âu (gồm Ailen, Đức, Thụy Điển và Ba Lan) của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Trong chuyến thăm này, người đứng đầu chính phủ Trung Quốc đã ký một loạt thỏa thuận quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó đáng chú ý là thỏa thuận cho phép Tập đoàn Volkswagen của Đức mở nhà máy chế tạo ô tô ở Tân Cương, hay cam kết tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương với Ba Lan trong vòng 5 năm, từ 19 tỷ USD năm 2011 lên 38 tỷ USD vào năm 2016.
Tại Ba Lan, ông Ôn Gia Bảo đã thông báo chiến lược đầu tư mới của Trung Quốc tại khu vực Trung và Nam Âu, nhân tham dự Diễn đàn Kinh tế Ba Lan – Trung Âu – Trung Quốc ở thủ đô Wassaw. Diễn đàn thu hút sự tham gia của 300 công ty nước chủ nhà, 300 doanh nghiệp Trung Quốc và 150 khách mời từ các nước Trung Âu
Trước đó, tại Iceland và Thụy Điển, ông Ôn Gia Bảo bày tỏ hứng thú trong vấn đề khai thác dầu lửa tại Bắc Cực và việc mở tuyến đường biển mới vận chuyển dầu thô từ Iceland về Trung Quốc với chi phí được cắt giảm đáng kể. Là nước tiêu thụ dầu lửa lớn nhất thế giới hiện nay, Bắc Kinh đang quyết tâm mở rộng hợp tác với các nước khai thác dầu lửa ở Bắc Cực, nhất là hợp tác với Iceland.
Chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo vừa khép lại, thì Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường – người được cho là sẽ kế nhiệm vị trí của ông Ôn Gia Bảo – cũng đã có chuyến thăm một tuần tới Nga, Hunggari và Bỉ. Trong 3 nước này, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, Bỉ là cửa ngõ cho các nhà đầu tư Trung Quốc vào châu Âu, còn Hungary là nước tiếp nhận nhiều nhất nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc ở khu vực Trung và Đông Âu.
Tại Nga, ông Lý Khắc Cường đã có cuộc gặp với cả Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin (người sẽ lên thay ông Medvedev vào ngày 7/5 tới) nhằm trao đổi cách thức thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược song phương, cũng như việc phối hợp hành động trong các tổ chức khu vực và quốc tế như G-20, BRICS và SCO. Hai bên cũng đã ký 27 thỏa thuận thương mại trị giá 15 tỷ USD và nhất trí thành lập quỹ đầu tư chung trị giá 4 tỷ USD.
Tại Bỉ, Phó Thủ tướng Trung Quốc đã trao đổi với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompoi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Baroso để thảo luận về giải pháp tăng cường đối tác chiến lược toàn diện EU – Trung Quốc cả về chiều rộng và chiều sâu trong giai đoạn mới.
Tại Hungary, ông Lý Khắc Cường đã ký 6 hiệp định hợp tác kinh tế, trong đó có văn kiện liên quan đến việc Bắc Kinh cấp cho Budapest 1 tỷ ơrô tín dụng nhằm góp phần phát triển kinh tế Hunggary.
Trước đó, hồi đầu tháng, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Trường Xuân cũng vừa kết thúc chuyến thăm Anh 4 ngày.
Có thể nói, sự có mặt của những quan chức hàng đầu Trung Quốc tại châu Âu trong tháng 4 này như một lời cam kết duy trì quan hệ chiến lược với các đối tác tại lục địa già, trong bối cảnh Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao lãnh đạo lịch sử. Những hoạt động này cũng cho thấy Trung Quốc giờ đã có một vị thế khác, vị thế của nước có quan hệ chặt chẽ với châu Âu và đang trên đường trở thành một cường quốc thực sự trong tương lai.
Vũ Anh