1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dọa hủy hội nghị thượng đỉnh: Chiêu bài “nắn gân” của lãnh đạo Mỹ - Triều

(Dân trí) - Cả Mỹ và Triều Tiên đều để ngỏ khả năng hủy cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng sau. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là những tuyên bố ngoài miệng và không phản ánh mong muốn thực sự của các bên.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump ngày 22/5 cảnh báo hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ không xảy ra. Không chỉ ông chủ Nhà Trắng, giới chức Triều Tiên cũng để ngỏ khả năng hủy cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.

Như vậy, chưa có gì để đảm bảo chắc chắn 100% rằng cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ diễn ra. Điều này cũng đặt ra hai câu hỏi quan trọng: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hội nghị thượng đỉnh không được tổ chức? Hoặc nếu sự kiện này được tiến hành theo đúng kế hoạch, chuyện gì sẽ xảy ra khi cả hai bên rời bàn đàm phán nhưng không giải quyết được sự bế tắc trong vấn đề hạt nhân, vốn kéo dài suốt hàng chục năm qua?

Trong cuộc phỏng vấn với Vox, Vipin Narang, giáo sư chính trị chuyên nghiên cứu về hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, đã dự đoán 4 kịch bản có thể xảy ra, từ tồi tệ nhất cho tới ổn thỏa nhất, trong quan hệ Mỹ - Triều từ nay cho tới ngày 12/6.

Kịch bản đầu tiên là cả Mỹ và Triều Tiên đều sẽ hoãn cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vì nhận ra lập trường khác biệt trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, do hai bên vẫn chưa muốn bỏ cuộc nên Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các cấp dưới của ông sẽ nỗ lực nhiều hơn để thu hẹp khoảng cách ngày càng rộng giữa Washington và Bình Nhưỡng. Rốt cuộc, nếu hai nước có thể tìm được tiếng nói chung và hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng, điều đó sẽ chứng minh tính hiệu quả của chính sách ngoại giao.

Đối với kịch bản thứ hai, cả Mỹ và Triều Tiên không chỉ hoãn hội nghị thượng đỉnh mà còn không cho thấy bất kỳ tiến triển nào trong việc đạt được thỏa thuận chung vì lập trường của hai nước quá khác xa nhau trong việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo kịch bản này, mọi thứ vẫn được giữ nguyên, nhưng quan hệ song phương sẽ có chiều hướng tốt hơn so với giai đoạn hàng chục năm vừa qua vì cả Mỹ và Triều Tiên đều đang có các cuộc tiếp xúc trực tiếp.

Quân đội Triều Tiên duyệt binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Quân đội Triều Tiên duyệt binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Kịch bản thứ ba là bầu không khí căng thẳng “tăng nhiệt” nhanh chóng và quan hệ song phương sẽ quay trở lại thời điểm như năm 2017. Điều đó đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ tái diễn các vụ thử tên lửa còn Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt. Năm ngoái, Tổng thống Trump từng dọa sẽ trút “lửa và thịnh nộ” xuống Triều Tiên khi Bình Nhưỡng đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Washington và các đồng minh. Đáp lại, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng dọa “chế ngự ông già Mỹ lẩm cẩm bằng hỏa lực” vì dám công khai tuyên bố hủy diệt Triều Tiên.

kịch bản thứ 4, cũng là kịch bản khủng khiếp nhất, là khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên biến những tuyên bố “hét ra lửa” trước đây của họ thành hiện thực, đẩy hai nước vào một cuộc chiến tranh. Theo Giáo sư Narang, chính quyền Trump có thể sẽ theo đuổi cách “phi hạt nhân hóa bằng vũ lực”, sử dụng chính hội nghị thượng đỉnh thất bại làm cái cớ để chứng minh rằng chính sách ngoại giao thực sự không hiệu quả và Washington phải dùng tới cách khác. Tuy nhiên, ông Narang cũng lưu ý rằng lựa chọn phương án này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ đối đầu với một cường quốc hạt nhân.

Giáo sư Narang nhận định kịch bản thứ hai là dễ xảy ra nhất, còn kịch bản thứ 4 có tỷ lệ xảy ra thấp nhất. Chuyên gia về hạt nhân tin rằng một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Triều Tiên khó có khả năng nổ ra, một phần vì Bình Nhưỡng đã có trong tay vũ khí hạt nhân. Theo đó, nếu căng thẳng dâng cao, Triều Tiên hoàn toàn có thể dùng vũ khí hạt nhân để tấn công Mỹ hoặc các đồng minh của Washington như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mong muốn thực sự của Mỹ - Triều

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tuyên bố muốn tập trung phát triển kinh tế của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tuyên bố muốn tập trung phát triển kinh tế của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)

Theo nghị sĩ Park Byeong-seug từ đảng Dân chủ Hàn Quốc cầm quyền, cả Mỹ và Triều Tiên đều mong muốn hội nghị thượng đỉnh song phương diễn ra thành công để đáp ứng các mục tiêu và lợi ích chính trị của mỗi bên. Do vậy, nhiều khả năng hai nước sẽ không hủy sự kiện quan trọng này.

“Chính quyền Trump cần đàm phán với Triều Tiên để đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới. Trong khi đó, Triều Tiên cần tận dụng cơ hội này để hòa nhập vào cộng đồng quốc tế và tập trung phát triển kinh tế. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, sẽ càng khó khăn hơn cho Triều Tiên để đạt được động lực phát triển kinh tế”, nghị sĩ Park nhận định.

Trước đó, trong một tuyên bố gây bất ngờ hồi tháng trước, ông Kim Jong-un nói với các quan chức cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên rằng, ông sẽ thay thế chiến lược byungjin, trong đó đặt mục tiêu phát triển đồng thời cả vũ khí hạt nhân và kinh tế, bằng chiến lược tập trung nguồn lực để tái thiết nền kinh tế Triều Tiên.

Theo nghị sĩ Hàn Quốc Lee Seok-hyun, Mỹ và Triều Tiên thực sự “khao khát” thành công của hội nghị thượng đỉnh và việc hai nước sử dụng những lời lẽ cứng rắn trước thềm sự kiện trong những ngày vừa qua chỉ là cách để “che giấu” lập trường của mỗi bên.

“Ông Trump là một doanh nhân và ông ấy không muốn đặt mình vào thế yếu hơn trước thềm hội nghị. Ông ấy cũng phải đưa ra tuyên bố tương tự để đáp trả lời đe dọa hủy hội nghị thượng đỉnh của Triều Tiên. Hội nghị thượng đỉnh này sẽ không bị hoãn”, nghị sĩ Lee phỏng đoán.

Chuyên gia Zhao Tong tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua cho rằng kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều quan trọng hơn việc khi nào hội nghị này diễn ra. Do vậy, Tổng thống Trump có thể đang tìm kế “hoãn binh” trước khi đạt được mục tiêu cuối cùng.

“Đối với Mỹ, kết quả lý tưởng của hội nghị thượng đỉnh là Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Và ông Trump sẽ không ngại hoãn cuộc đàm phán này cho tới khi đạt được mục tiêu cuối cùng. Thời điểm gặp mặt có thể thay đổi phụ thuộc vào ông Trump, song kết quả của hội nghị thượng đỉnh khó có thể thay đổi, đó là Triều Tiên sẽ vẫn giữ năng lực răn đe hạt nhân. Đó là thực tế”, chuyên gia Zhao cho biết.

Theo Ko Yu-hwan, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul, tuyên bố có thể hoãn gặp mặt của Tổng thống Trump thực chất là chiến thuật ngoại giao.

“Ông Trump không thể chấp nhận một hội nghị thất bại, vì vậy ông ấy sử dụng những ngôn từ cứng rắn để lái cuộc đàm phán theo hướng của ông ấy”, Giáo sư Ko nói.

Trong khi đó, Ted Lieu, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho rằng Triều Tiên thực sự muốn bước vào bàn hội nghị với Mỹ.

“Cả Mỹ và Triều Tiên đều có thể tuyên bố chiến thắng và bước vào tiến trình kéo dài để đạt được thỏa thuận cuối cùng. 3 nước Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đều có động lực mạnh mẽ để thúc mong muốn hội nghị thượng đỉnh diễn ra”, ông Lieu nhận định.

Thành Đạt

Theo Vox, SCMP