1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đình chiến thương mại Mỹ - Trung: Chiến thắng hay cái bẫy?

Tính toán chính trị dường như đã thúc đẩy hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung nhất trí một thỏa thuận “đình chiến” nhằm ngăn chặn xung đột thương mại leo thang.

Đình chiến thương mại Mỹ - Trung: Chiến thắng hay cái bẫy? - 1

Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20. (Ảnh: New York Times)

Khó khăn ông Trump phải đối mặt

Một ngày sau khi nhất trí nối lại đàm phán thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump và các cố vấn cấp cao của ông cho biết không có lịch trình cụ thể cho việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và hiện giờ hai bên vẫn còn nhiều bất đồng như thời điểm các cuộc đàm phán đổ vỡ vào tháng 5 vừa qua.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đồng ý nới lỏng các hạn chế đối với Trung Quốc, đưa 8 công ty Trung Quốc ra khỏi danh sách đen của Bộ Thương mại và thực hiện các biện pháp cho phép tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc được mua công nghệ của Mỹ.  

Những biện pháp nêu trên đã nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp Mỹ, nhưng lại khiến một số nhà lập pháp Mỹ lo ngại ông Trump đã cho đi quá nhiều để đổi lấy những cam kết mơ hồ từ Chủ tịch Tập Cận Bình về việc mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ. “Chúng tôi đang chuyển hướng sang một thỏa thuận tương hỗ, một thỏa thuận tốt, một thỏa thuận thương mại công bằng”, ông Trump nói về Trung Quốc trong chuyến thăm Hàn Quốc vào hôm 30/6.

Thỏa thuận “đình chiến thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản cuối tuần qua sẽ giúp ngăn chặn vòng trừng phạt mới về thuế quan mà Tổng thống Trump đe dọa áp đặt với gần như tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, thỏa thuận này không mấy hiệu quả khi giải quyết những lo ngại mà chính quyền ông Trump đang phải đối mặt, trong đó vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và những thay đổi trong luật thương mại của Trung Quốc.

Khả năng giải quyết những lo ngại kể trên, gồm cả những mối lo dẫn đến sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán thương mại, dự kiến sẽ trở nên khó khăn hơn khi Tổng thống Trump đẩy mạnh chiến dịch tái tranh cử còn Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt với sức ép vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm.

Theo giới quan sát, tính toán chính trị dường như đã thúc đẩy hai nhà lãnh đạo nhất trí về một thỏa thuận “đình chiến” nhằm ngăn chặn leo thang cuộc xung đột thương mại có thể gây bất ổn cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Larry Kudlow, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ (một cơ quan thuộc Nhà Trắng) cho biết, không có thời gian biểu cụ thể cho việc hoàn tất các cuộc đàm phán nhưng Mỹ đang hy vọng tận dụng những tiến bộ mà các bên đã tạo ra trong các cuộc đàm phán trước đó để tiến tới một thỏa thuận thương mại.

Tổng thống Trump hiện giờ phải đối mặt với nhiều áp lực trong nước khi các nỗ lực tái tranh cử của ông đang ở giai đoạn cao trào, còn nền kinh tế thì có dấu hiệu chững lại. Cần phải nhắc lại rằng, ông Trump đã khởi động chiến dịch tranh cử với một tâm thế tự tin vì nền kinh tế tăng trưởng mạnh, nhưng ông cũng đứng trước những rủi ro khi cuộc chiến thương mại bắt đầu gây tổn thương người nông dân, các nhà sản xuất và những doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với Trung Quốc.

Hai đảng đều quan ngại

Sau hai năm đàm phán, ông Trump- người từng coi Trung Quốc là “kẻ thù kinh tế” của Mỹ vẫn chưa đạt được kết quả như ý. Điều này khiến đảng Dân chủ tranh luận rằng chiến lược sử dụng thuế quan để gây sức ép của ông là một thất bại. Trong khi đó các nghị sỹ đảng Cộng hòa cũng tỏ ra không mặn mà với cuộc chiến thương mại vì cuộc chiến này đã làm tổn thương các doanh nghiệp tại những bang căn cứ địa của họ, khiến họ dễ bị yếu thế về mặt chính trị.

Không những vậy, họ cũng lo lắng Tổng thống Trump sẽ nhất trí với một thỏa thuận không có lợi cho nước Mỹ, cho rằng ông Trump đã đánh đổi quá nhiều khi đồng ý để các công ty Mỹ bán công nghệ và phụ kiện cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt Huawei vào danh sách đen vì lo ngại tập đoàn này đang gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ và có tham vọng chiếm lĩnh thị trường mạng 5G.

Vẫn chưa rõ những công nghệ nào của Mỹ mà Huawei sẽ được phép tiếp cận nhưng việc ông Trump sử dụng tập đoàn này như một con tốt trong đàm phán thương mại đã bị một số đồng minh lớn của ông tại Quốc hội chỉ trích. Thượng nghị sỹ Cộng hòa Marco Rubio viết trên trang cá nhân Twitter rằng, nới lỏng trừng phạt Huawei sẽ phá hủy độ tin cậy của những cảnh báo mà chính quyền ban bố về mối đe dọa do tập đoàn này gây ra và những cảnh báo như vậy sẽ không được xem xét một cách nghiêm túc.

Thượng nghị sỹ Lindsey Graham hôm 30/6 nhấn mạnh, mở cửa trở lại hoàn toàn cho Huawei là một ý tưởng tồi. Phát biểu với kênh truyền hình CBS, ông Graham nói: “Nếu đó chỉ là những ngoại lệ nhỏ dành cho Huawei thì không vấn đề gì nhưng nếu chúng ta bán cho Huawei những công nghệ chính thì đó sẽ là một sai lầm”.

Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu mối lo của các nghị sỹ Cộng hòa, ông Larry Kudlow nói rằng đây không phải là việc “ân xá hoàn toàn” cho Huawei và công ty này chỉ được phép tiến hành kinh doanh nếu không có rủi ro an ninh quốc gia. Để có được sự nhượng bộ đáng kể từ Tổng thống Trump, Trung Quốc sẽ phải đáp lại bằng cam kết mua một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp của Mỹ khi các cuộc đàm phán tiếp diễn.

Chia rẽ về kết quả đàm phán

Không chỉ Tổng thống Trump mà Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phải đối mặt với những vấn đề khiến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng khó giải quyết hơn. Nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng rất chậm, sản xuất công nghiệp chững lại. Việc thắt chặt dòng chảy lưu thông tiền tệ quốc tế đã khiến nhiều người Trung Quốc gặp khó khăn khi gửi tiền tiết kiệm đến những địa điểm an toàn hơn tại nước ngoài. Các chuyên gia tài chính Trung Quốc đã bị chia rẽ về kết quả cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh cuối tuần qua.

Một số người cho rằng Trung Quốc đã đạt được 3 mục tiêu chính: tránh bị áp thuế bổ sung, nới lỏng trừng phạt với Huawei và có được sự nhất trí nối lại đàm phán thương mại từ phía Mỹ. “Đây là một chiến thắng quan trọng với Chủ tịch Tập Cận Bình, có vẻ như Tổng thống Trump sẵn sàng nhượng bộ trên hầu hết các mặt trận”, ông Bo Zhiyue, Đại học Xi’an Jiaotong - Liverpool ở Trung Quốc nói.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đã đưa ra quan điểm trái ngược, cho rằng, thỏa thuận “đình chiến” vẫn cho phép Mỹ tiếp tục đánh thuế 25% với gần một nửa hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Còn Trung Quốc buộc phải đồng ý thu mua lượng lớn hàng nông sản Mỹ để tránh đòn thuế mới của ông Trump.

Trên thực tế, Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Ngoài Mỹ ra, rất ít thị trường khác sẵn sàng chấp nhận thặng dư thương mại lớn với Trung Quốc. Nền kinh tế của Châu Âu hiện giờ đang suy yếu. Nhiều nước đang phát triển thì đang lún sâu vào nợ nần, một phần là bởi chính sách cho vay của Trung Quốc liên quan đến chương trình phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu, chẳng hạn như Sáng kiến “Vành đai Con đường”. Với những lý do này, nhiều nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc tại Mỹ tin rằng Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đạt được thỏa thuận với Mỹ và Tổng thống Trump rất khôn ngoan khi chính ông đẩy cuộc chiến thương mại lên cao trào sau đó lại tìm cách hạ nhiệt và cuối cùng kiên nhẫn chờ đợi kết quả.

Theo Hồng Anh

VOV