1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điều khiến Mỹ lo ngại ở nội các của Taliban

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ lo ngại về thành phần nội các của Taliban vừa lập ra ở Afghanistan, nhưng cho biết sẽ đánh giá Taliban qua hành động.

Điều khiến Mỹ lo ngại ở nội các của Taliban - 1

Đại diện Taliban công bố nội các mới ở Afghanistan hôm 7/9 (Ảnh: NYTimes).

"Chúng tôi lưu ý danh sách nội các này chỉ gồm các thành viên của Taliban hoặc đồng minh thân cận của họ, không có phụ nữ. Chúng tôi cũng lo ngại về xuất thân, tiểu sử của một số thành viên", AFP dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/9.

Người phát ngôn này bình luận thêm: "Chúng tôi biết Taliban mới chỉ coi đây là nội các lâm thời. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đánh giá Taliban bằng hành động, chứ không phải lời nói". Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa kêu gọi Taliban tạo điều kiện để công dân Mỹ cũng như công dân Afghanistan có nhu cầu được sơ tán an toàn.

Đây là những bình luận đầu tiên của Washington sau khi Taliban công bố nội các mới ở Afghanistan. Tại cuộc họp báo ngày 7/9, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết, thành viên cấp cao Taliban Mullah Mohammad Hasan Akhund sẽ đứng đầu nội các lâm thời, tương đương chức thủ tướng. Phó thủ lĩnh và là đồng sáng lập Taliban Abdul Ghani Baradar sẽ đảm nhiệm vị trí quyền lực thứ 2 trong chính phủ, hay tương đương vị trí phó thủ tướng.

Akhund là một nhân vật trong danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Akhund bị Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Anh coi là phần tử khủng bố. Trong khi đó, Baradar từng bị Mỹ truy lùng trước khi bị Pakistan bắt giam 8 năm.

Ngoài Akhund và Baradar, vị trí khác đáng chú ý trong nội các lâm thời của Taliban còn có Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani - nhân vật bị Mỹ coi là phần tử khủng bố quốc tế. Cục điều tra liên bang Mỹ thậm chí treo thưởng 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ Haqqani. Haqqani bị truy nã vì liên quan đến một vụ tấn công khách sạn ở Kabul năm 2008 khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có một công dân Mỹ. Haqqani cũng bị cáo buộc tham gia vào các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào lực lượng của Mỹ và liên quân ở Afghanistan.

Các vị trí như bộ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng cũng đều là những thủ lĩnh gắn bó lâu năm với Taliban. Phát ngôn viên Mujahid cho biết: "Nội các hiện tại chưa hoàn thiện, mới chỉ là chính phủ lâm thời. Chúng tôi sẽ cố gắng bổ nhiệm những người các khu vực khác của đất nước". Thủ lĩnh tối cao Taliban Hibatullah Akhundzada hôm qua cũng tuyên bố: "Tôi đảm bảo với tất cả người dân rằng những người được bổ nhiệm trong chính phủ sẽ làm việc chăm chỉ để duy trì các quy tắc Hồi giáo và luật Sharia trong nước".

Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15/8. Nhiều nước cho biết chỉ cân nhắc công nhận chính quyền do Taliban lập ra ở Afghanistan với điều kiện tổ chức này phải lập ra một chính phủ toàn diện gồm nhiều thành phần ở Afghanistan và phải đảm bảo các quyền cơ bản của người dân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi đã thể hiện rõ quan điểm rằng, người dân Afghanistan cần có một chính phủ toàn diện".