1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Điểm khác thường trong vụ Trung Quốc kết án tử hình công dân Canada

(Dân trí) - Quan hệ Trung Quốc và Canada tiếp tục những diễn biến căng thẳng sau khi Bắc Kinh kết án tử hình một công dân Canada bị buộc tội buôn lậu ma túy trong bối cảnh hai bên vốn "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" sau các vụ bắt giữ công dân của nhau gần đây.

Điểm khác thường trong vụ Trung Quốc kết án tử hình công dân Canada - Ảnh 1.

Công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg bị kết án tử hình tại Trung Quốc. (Ảnh: PA)

Khi Trung Quốc trong tuần này tuyên án tử hình đối với Robert Lloyd Schellenberg, công dân Canada bị buộc tội buôn lậu ma túy, động thái này ngay lập tức đã gây sự chú ý của dư luận thế giới. Trung Quốc hiếm khi kết án tử hình công dân phương Tây. Gần đây nhất là vào năm 2009, Trung Quốc kết án tử hình công dân Anh Akmal Shaikh vì tàng trữ 4kg heroin khi đến sân bay Urumqi.

Giống việc kết án Robert Lloyd Schellenberg trong tuần này, phán quyết tử hình Shaikh đã gây phẫn nộ cho các nước phương Tây. Tuy nhiên, vụ án của Schellenberg dường như có nhiều điểm bất thường hơn.

Trong khi hạn chế kết án tử hình với công dân phương Tây, Trung Quốc đã tuyên án tử với hàng loạt công dân các nước khác vì tội buôn ma túy như công dân từ Uganda, Hàn Quốc, Nhật Bản, Kenya, Nigeria, thậm chí cả các nước có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc.

Phương Tây không còn là ngoại lệ?

Maya Wang, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức giám sát nhân quyền Trung Quốc, bình luận rõ ràng Bắc Kinh có quy định nghiêm khắc với tội danh buôn ma túy.

Tuy nhiên, trước kia, các công dân phương Tây mắc tội danh này dường như được Bắc Kinh "nương tay" hơn để củng cố quan hệ ngoại giao và tránh sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. "Trong vụ án này (vụ án của Schellenberg), một công dân phương Tây đã bị tuyên án tử hình ở Trung Quốc là điều hiếm thấy", bà Wang nhận xét.

Ban đầu, Schellenberg dường như cũng được hưởng sự "nương tay" vốn có của Trung Quốc với công dân phương Tây. Cụ thể là, hôm 20/11, công dân này chỉ bị kết án 15 năm tù với cáo buộc tiếp tay cho buôn ma túy. Tuy nhiên, trong phiên xét xử lại trong tuần này, chỉ hơn 1 tháng sau khi giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ ở Canada, Schellenberg lại bị cáo buộc đóng vai trò chính trong vụ buôn lậu này và phải nhận án tử hình.

Vụ việc làm dấy lên câu hỏi: Liệu vụ án liên quan đến Schellenberg là một ví dụ riêng rẽ về hành động trả đũa chính trị của Bắc Kinh hoặc cho thấy một cách đối xử mới của Trung Quốc đối với các tội phạm buôn ma túy phương Tây. CNN dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, khi Trung Quốc gia tăng sức mạnh về kinh tế, chính trị đồng nghĩa với việc thời kỳ "nương tay" với công dân phương Tây cũng không còn.

Phán quyết tử hình với Schellenberg được Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc và Canada leo thang căng thẳng vì hàng loạt vụ bắt giữ công dân của nhau gần đây. Ngay sau khi Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, Trung Quốc cũng bắt giữ một cựu quan chức ngoại giao và một doanh nhân của Canada.

Phản ứng với phán quyết của tòa án Trung Quốc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" và cáo buộc Bắc Kinh "tùy tiện" sử dụng án tử hình. Đáp lại chỉ trích này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói, bình luận của nhà lãnh đạo Canada là "thiếu tinh thần pháp trị" và "thiếu trách nhiệm".

Minh Phương

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm