1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đền của người Maya bị hủy hoại do “cơn bão” du khách “ngày tận thế”

(Dân trí) - Những đám đông khách du lịch đổ tới Guatemala để chứng kiến “ngày tận thế” đã phá hỏng một ngôi đền cổ bằng đá ở Tikal, khu khảo cổ lớn nhất và là trung tâm thành thị của nền văn minh Maya.

 

 

Người dân

Người dân Guatemala và du khách tham gia một lễ hội vào đêm 21/12/2012 ở khu khảo cổ Tikal.

 

“Thật đáng buồn, rất nhiều du khách khi đến đây đã trèo cả lên đền Temple II và khiến ngôi đền bị hư hại”, Osvaldo Gomez, một cố vấn kỹ thuật làm việc tại khu vực khảo cổ này nói. Khu vực này nằm cách thủ đô Guatemala City của đất nước Trung Mỹ này khoảng 550km về phía bắc.

 

“Chúng tôi vui mừng vì thấy đông du khách đổ về đây tham gia những lễ hội của người Maya, nhưng các du khách cũng nên có ý thức vì đây là một di sản thế giới đã được UNESCO công nhận”, ông Gomez nói với báo chí địa phương.

 

Ông Gomez không cho biết cụ thể ngôi đền đã bị hư hại như thế nào, nhưng nhấn mạnh rằng việc trèo lên các bậc thang tại địa điểm này là bị cấm và những hư hỏng đó không thể sửa chữa được.

 

Ngôi đền Temple II, có chiều cao khoảng 38m và quay mặt ra quảng trường trung tâm Tikal, một trong những cấu trúc nổi tiếng nhất tại địa điểm này.

 

Theo lịch của người Maya, ngày 21/12 vừa qua là ngày kết thúc kỷ nguyên kéo dài hơn 5.200 năm. Tuy nhiên, nhiều người trên thế giới tin rằng ngày đó đánh dấu sự kết thúc của Trái Đất như được báo trước bởi những mật mã của người Maya.

 

Hơn 7.000 lượt khách du lịch đã đến thăm khu Tikal vào hôm Thứ Sáu tuần trước (ngày 21/12) để được chứng kiến các thày tu người Maya bản địa tổ chức lễ hội đầy màu sắc và đốt những đống lửa đón Mặt Trời mọc lên vào sáng hôm sau, đánh dấu cho một kỷ nguyên mới bắt đầu.

 

Những người chỉ trích cho rằng việc tung ra những lời đồn đại về “ngày tận thế” như vậy chỉ nhằm thu hút khách du lịch chứ không có ích gì mấy cho những người Maya. Khoảng 42% trong tổng số 14,3 triệu dân của Guatemala là người gốc Maya, và phần lớn sống trong nghèo khổ và phải chịu đựng sự phân biệt đối xử.

 

Người Maya cổ xưa từng đạt đến đỉnh cao quyền lực của họ ở Trung Mỹ là từ năm 900 đến 250 trước công nguyên. UNESCO đã công nhận khu Tikal là di sản thế giới vào năm 1979.

 

Lê Minh

Theo AFP