1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đếm lùi ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (8-11-2016): Bang xanh, bang đỏ

Chỉ gần một tháng nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức được tổ chức nhưng các kết quả thăm dò đều không trùng khớp ở số bang mà mỗi ứng cử viên có thể giành được lá phiếu đại cử tri.

Nhìn chung, bà Hillary Clinton đang nhỉnh hơn ông Donald Trump. Trên bản đồ đại cử tri, bang được đánh dấu màu đỏ đại diện cho đảng Cộng hòa và bang xanh đại diện cho đảng Dân chủ. Số bang còn lại (không đỏ, không xanh) gọi là swing state (bang có khả năng thay đổi) hoặc battleground state (bang chiến địa), tức những bang chưa quyết định bỏ phiếu (đại cử tri) cho người nào. Đây mới chính là những bang tạo ra kịch tính vào phút chót…

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và tỷ phú bất động sản Donald Trump. (Nguồn: Reuters)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và tỷ phú bất động sản Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Bang chiến địa

Bang chiến địa luôn chứng kiến chiến dịch vận động ráo riết nhất trong mùa bầu cử tổng thống. Ứng cử viên hai đảng dồn tất cả chiến thuật tranh cử vào các bang này, nhằm giành sự ủng hộ từ những lá phiếu còn phân vân và lưỡng lự.

Lịch sử văn hóa - xã hội Mỹ cho thấy có một số bang gần như luôn có chính kiến Cộng hòa và một số bang có truyền thống Dân chủ. Do đó, ứng cử viên Cộng hòa gần như không cần đổ mồ hôi tại các bang trung thành Cộng hòa lâu năm như Texas và họ cùng lúc gần như nắm chắc thất bại tại Massachusetts, nơi vốn có “tinh thần” Dân chủ lâu đời (cũng có vài bang không tuân theo luật bất thành văn về truyền thống chính trị như nói ở trên, chẳng hạn Maine).

Những bang nổi tiếng thuộc nhóm bang chiến địa gồm Illinois, New York (hai bang từng đóng vai trò quyết định trong kết quả bầu cử 1888), Ohio và đặc biệt Missouri (liên tục thay đổi chính kiến từng mùa bầu cử); ngoài ra, còn có Oregon, New Mexico, Iowa, Minnesota, Wisconsin, New Hampshire, Florida, Pennsylvania, Iowa, Michigan, Nevada…

Các bang có khả năng theo Cộng hòa được tô màu đỏ và bang có khuynh hướng ngả theo Dân chủ được tô màu xanh. Thoạt đầu, việc tô màu được các hãng tin thực hiện nhằm giúp độc giả dễ quan sát và phân biệt rõ bang nào có khuynh hướng nghiêng theo đảng nào.

Hai màu này ban đầu được dùng luân phiên cho hai đảng trong mỗi mùa bầu cử. Mùa bầu cử năm 2000, đến lượt Cộng hòa sử dụng màu đỏ và Dân chủ màu xanh. Sau đó, người ta ấn định (không thay đổi) màu đỏ cho Cộng hòa và xanh cho Dân chủ.

Các bang đỏ thường tập trung ở phía Nam và Hạ Trung Tây trong khi bang xanh tập trung ở bờ biển Thái Bình Dương và Tây Bắc. Những bang “cực đỏ” là Alaska, Idaho, Indiana, Kansas, Nebraska, Oklahoma, South Dakota, Utah, Virginia và Wyoming (chưa từng bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên Dân chủ nào từ năm 1964 đến nay); những bang “rất đỏ” là Alabama, Mississippi, North Carolina, North Dakota, South Carolina và Texas (chưa từng bỏ phiếu cho Dân chủ từ năm 1976).

Các bang đỏ có vài yếu tố khác bang xanh. Họ có khuynh hướng theo chính kiến bảo thủ, sống bằng nông nghiệp, nghèo hơn và có ít con em tốt nghiệp đại học nhưng cung cấp đa số binh lính cho quân đội Mỹ. Bang đỏ cũng có khuynh hướng sùng đạo hơn (hầu hết theo Thiên chúa giáo).

Bà Hillary Clinton đang nhỉnh hơn ông Donald Trump sau cuộc tranh luận đầu tiên (hai cuộc tranh luận tiếp theo diễn ra vào ngày 9-10 và 19-10-2016).
Bà Hillary Clinton đang nhỉnh hơn ông Donald Trump sau cuộc tranh luận đầu tiên (hai cuộc tranh luận tiếp theo diễn ra vào ngày 9-10 và 19-10-2016).

Trong khi đó, các bang “cực xanh” là California, Washington, Oregon, Hawaii, New Jersey, New York, Maryland, Connecticut, Massachusetts, Wisconsin, Minnesota, Vermont… có khuynh hướng theo chính trị tự do (“liberal” – thuật từ được hiểu trong chính trị Mỹ ám chỉ thành phần chủ trương thiên tả). Hầu hết bang xanh là đô thị phát triển, có thu nhập bình quân đầu người cao và sinh hoạt văn hóa đa dạng.

Tổng các bang có 538 lá phiếu đại cử tri và ứng cử viên cần ít nhất 270 lá phiếu đại cử tri mới đắc cử. Cụ thể, California có 55 lá phiếu đại cử tri, Texas có 34, New York có 31, Pennsylvania có 21...

Dù kết quả không thống nhất nhưng ít nhất người ta cũng có thể thấy rõ bang nào hiện thuộc nhóm bang chiến địa. Xét đến lá phiếu phổ thông, cộng đồng dân gốc nước ngoài cũng đóng góp vào cục diện bang chiến địa mùa bầu cử năm nay. Theo Newsweek, thành phần chính không thể không xét là dân gốc Latin (cộng đồng dân thiểu số đông nhất Mỹ hiện nay).

Cùng bang chiến địa, dân Latin có thể làm tăng độ kịch tính cho kết quả bầu cử với tổng phiếu bầu lên đến gần 10 triệu, tập trung ở bốn bang chiến địa Florida, New Mexico, Nevada và Colorado.

Dù đa số theo Dân chủ nhưng dân Latin có khuynh hướng thay đổi chính kiến xoành xoạch. Trong mùa bầu cử năm 2000, thăm dò cho thấy có đến 62% dân Latin ủng hộ Al Gore và chỉ 35% cho Bush nhưng (kết quả) cuối cùng Bush đã giành được 65% lá phiếu Latin chỉ riêng tại Florida, chủ yếu từ thành phần dân Mỹ gốc Cuba, vốn ủng hộ chính sách cấm vận Cuba của Cộng hòa. Dù vậy, giới quan sát cũng chỉ tập trung mạnh vào diễn biến nóng hổi tại các bang chiến địa.

Cuộc chiến giành lá phiếu đại cử tri

Tờ Politico (3-10-2016) cho biết, sau chiến thắng thuyết phục tại cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên (26-9-2016), thăm dò cho thấy bà Hillary Clinton đang nhỉnh hơn ông Donald Trump tại 7 trong 11 bang chiến địa. Bà Hillary Clinton cũng được ủng hộ tại Colorado, Michigan, Nevada, New Hampshire, North Carolina và Virginia.

Cần nói thêm, khi thắng bang North Carolina năm 2008, ông Barack Obama là ứng cử viên Dân chủ đầu tiên làm được điều này kể từ thời Jimmy Carter. Lịch sử có thể lặp lại lần nữa đối với Dân chủ mùa năm nay.

Với kết quả thăm dò như vừa nói, nếu cuộc bầu cử được tổ chức ở thời điểm hiện tại, bà Hillary Clinton có thể dễ dàng giành 300 lá phiếu đại cử tri (so với 270 phiếu tối thiểu cần có). Nếu cộng thêm các bang mà ông Barack Obama thắng trong mùa bầu cử 2012 (trong đó có District of Columbia) thì bà Hillary Clinton có thể giành 302 phiếu đại cử tri so với 215 của ông Donald Trump.

Tờ Telegraph (3-10-2016) cho biết thêm, trong các mùa bầu cử gần đây, con đường vào Nhà Trắng thường được mở cho ứng cử viên nào thắng tại Florida và Ohio. Đó là lý do cả ông Trump và bà Clinton đều đang dồn hết “đạn” vào hai bang này. Do sự thay đổi dân số, cùng với hình ảnh tiêu cực của ông Trump, các bang từng trung thành với Cộng hòa bây giờ đang nằm trong tầm với của Dân chủ.

Cần nhắc lại, người dân Mỹ bỏ phiếu chọn tổng thống (vote for president) nhưng họ không thật sự bầu tổng thống (elect president). Năm 1787, những người soạn Hiến pháp cho rằng dân chúng không đủ khôn ngoan để đánh giá đức hạnh ứng cử viên tổng thống và họ cũng bác bỏ ý kiến cho rằng ghế tổng thống nên được Quốc hội quyết định.

Vì vậy, họ thành lập cử tri đoàn, như một cách dàn xếp giữa hai chọn lựa trên (để dân chúng bầu trực tiếp hay để Quốc hội quyết định). Chính các đại cử tri (elector) trong cử tri đoàn mới thật sự là những người quyết định ghế tổng thống chứ không phải cử tri phổ thông (voter).

Hiến pháp cho phép các bang chọn đại cử tri. Thoạt đầu, đại cử tri được chỉ định bởi các nhà làm luật tại bang và cuối cùng được chính thức chọn làm đại cử tri bởi sự ủng hộ của các nam công dân thuộc hàng có tên có tuổi của các bang khác.

Dần dần, các đảng phái ở từng bang tự đứng ra chọn đại cử tri. Tuy điều này dẫn đến tình trạng đại cử tri có thể thiên vị (từng bị báo chí phản đối nhiều) nhưng luật không cấm.

Những cử tri ủng hộ ông Donald Trump.
Những cử tri ủng hộ ông Donald Trump.

Lá phiếu phổ thông có ảnh hưởng đến lá phiếu đại cử tri? Hiện có 26 bang không yêu cầu đại cử tri phải bỏ phiếu cho tương ứng với lá phiếu phổ thông và có 19 bang (trong đó có khu vực Washington D.C.) buộc đại cử tri phải bỏ phiếu tương ứng với lá phiếu phổ thông. Tuy nhiên, không ai phạt vạ gì khi đại cử tri không tuân thủ điều trên.

Chỉ 5 bang có luật phạt đại cử tri không tuân thủ luật này nhưng mức phạt không đáng kể (Oklahoma chẳng hạn, mức phạt là 1.000 USD). Xin nói thêm, đại cử tri được chọn khi họ hứa bỏ phiếu ủng hộ cho một ứng cử viên. Một số bang đã ràng buộc đại cử tri phải tuân theo lời hứa này (Wisconsin, New Mexico và Oregon) nhưng vài bang thì không (Florida, Iowa và New Hampshire).

Trong thực tế, khi thất hứa, đại cử tri không hề bị truy tố. Trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, có 9 người trong khoảng 18.000 đại cử tri đã vi phạm lời hứa, trong đó có vụ năm 1988 khi một nữ đại cử tri thoạt đầu hứa bỏ phiếu cho Michael Dukakis nhưng sau đó chuyển cho ứng cử viên Lloyd Bentsen.

Mỗi bang có số đại cử tri tương đương số thượng nghị sĩ và dân biểu của bang mình trong Quốc hội. Tổng cộng, số đại cử tri được phân phối hiện nay là 538, vì Quốc hội có 435 dân biểu và 100 thượng nghị sĩ (ba đại cử tri cộng thêm thuộc khu vực Washington D.C., thêm vào theo Tu chính luật thứ 23 ra đời năm 1961).

Sự phân phối kiểu này (còn được gọi là “electoral map – bản đồ đại cử tri) quy định rằng bang California có 54 phiếu đại cử tri, Florida có 25, Washington có 11, Nevada có 4, Wisconsin có 11, New York có 33, Oklahoma có 8, Texas có 32, Utah có 5, Ohio có 21, Colorado có 8, Alaska có 3…

Nói cách khác, việc thành lập cử tri đoàn mang ý nghĩa: tạo công bằng cho các bang nhỏ ít dân (khiến lá phiếu phổ thông ít) ngang với các bang lớn đông dân, vì bang nào cũng có đại cử tri. Tuy nhiên, bang có dân số đông cũng có nhiều phiếu đại cử tri hơn. Vì vậy, các bang lớn luôn có tính quyết định cho cuộc chạy đua giành ghế tổng thống.

Năm 1888, ứng cử viên Dân chủ Grover Cleveland có 48,6% phiếu phổ thông trong khi đối thủ Cộng hòa Benjamin Harrison có 47,8% phiếu phổ thông nhưng cuối cùng ông Benjamin Harrison vẫn đắc cử vì có 233 phiếu đại cử tri so với 169 phiếu đại cử tri của Cleveland (một số nguồn khác ghi Cleveland có 168 phiếu đại cử tri).

Theo Cao Trí

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm