1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đệ nhất phu nhân Laura: "Tài sản ngoại giao" của Tổng thống Bush

(Dân trí) - Vào ngày 20/10, một máy bay quân sự mang mật mã “Ngôi sao sáng” sẽ cất cánh từ căn cứ không quân Andrews tại bang Maryland trong một sứ mệnh ngoại giao tới Trung Đông. Nhân vật chính trên máy bay là một phái viên Nhà Trắng quyền lực: bà Laura Bush, đệ nhất phu nhân của nước Mỹ.

Nhà Trắng cho biết, bà Laura sẽ tới thăm Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Ảrập Xê-út, Cô-oét, Gióc-đan từ ngày 20-26/10 và sẽ gặp gỡ với Quốc vương Abdullah của Ảrập Xê-út và Gióc-đan.

 

Mặc dù mục đích chính của chuyến đi nhằm nâng cao ý thức về căn bệnh ung thư vú, trong đó sẽ có các điểm dừng chân tại trung tâm chụp ung thư của Ảrập Xê-út và trung tâm ung thư của Quốc vương Hussein tại Gióc-đan, nhưng việc bà Bush tới Trung Đông lại diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang muốn tăng cường ảnh hưởng của nước này trong thế giới Ảrập.

 

Chuyến đi diễn ra ngay trước một hội nghị quốc tế tổ chức gần Washington vào tháng tới để thúc đẩy tiến trình tái hoà giải Israel-Palestine vốn bị trình đệ một thời gian dài. Chính quyền Tổng thống Bush hi vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Ảrập Xê-út.

 

Thái độ chống Mỹ đã ăn sâu tại Trung Đông đặc biệt là do sự phản đối của công chúng với cuộc chiến Iraq. Các quan chức cấp cao của Mỹ gần đây cũng có các chuyến thăm tới khu vực nhằm tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ cho các kế hoạch của Washington tại Iraq và nỗ lực ngăn cản Tehran sản xuất vũ khí hạt nhân.

 

Đệ nhất phu nhân Laura: "Tài sản ngoại giao" của Tổng thống Bush - 1

 Bà Laura trong một chuyến thăm châu Phi năm 2005 để tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS.

 

Đệ nhất phu nhân Laura gần đây trở nên nổi tiếng bằng những cuộc diễn thuyết khắp nơi về các vấn đề quốc tế. Trong khi đó, sự ủng hộ của công chúng dành cho ông Bush giảm dần vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ tổng thống thứ 2. Sự kiện đáng chú ý gần đây nhất là việc bà Laura đã đích thân gặp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bàn về tình hình chính trị tại Myanmar.

 

Đây là lần thứ 14 bà Laura ra nước ngoài một mình và là lần thứ 3 trong năm nay. Hành động của bà Laura khiến người ta liên tưởng tới một nhân vật khác cũng từng là đệ nhất phu nhân: Hillary Clinton. Bà Clinton đã nói với các phóng viên rằng bà không phải là người chỉ ở nhà và nội trợ.

 

Bà Bush không phải là bà Clinton. Đệ nhất phu nhân Laura không nêu ra các sáng kiến chính sách độc lập, không thích ngồi trong dinh thự của tổng thống (phòng Cánh Tây), không tranh cử thượng viện và đặc biệt là chức tổng thống thì lại càng không. Nhưng ở vào tuổi 60, bà Laura lại miệt mài với công việc trở thành người của công chúng, không giống các đệ nhất phu phân truyền thống của Mỹ.

 

Được đánh giá là một trong những nhân vật được yêu thích nhất trong chính quyền gây ranh cãi hiện tại của Mỹ, bà Laura là một gương mặt mềm mại và ít bất đồng với công chúng. Điều này có thể giúp mang lại sự ủng hộ dành cho đệ nhất phu nhân trong những chủ đề bà diễn thuyết.

 

Nancy Soderberg, một nhà ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton và hiện đang công tác tại Đại học Bắc California, nói: “Laura là một trong số ít nhân vật trong chính quyền Bush duy trì được sự tín nhiệm và ủng hộ ở cả trong và ngoài nước. Vì thế mà khi đề cập tới một vấn đề gì đó bà ấy đều tạo ra sự ảnh hưởng và trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của tất cả mọi người”.

 

Tại nước Mỹ, bà Laura đang tham gia nhiều hơn và có tiếng nói các vấn đề mà bà quan tâm. Mọi người đều biết, bà Laura là người ủng hộ chương trình giáo dục No Child Left Behind (Tạm dịch: Không một đứa trẻ nào bị bỏ rơi), một trọng tâm trong chính sách đối nội nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Bush nhằm cải thiện hệ thống giáo dục Mỹ. Nhưng ít người biết được rằng chính bà Laura đã âm thầm vận động tranh cử thuyết phục Quốc hội phê chuẩn đạo luật này bằng việc mời các nghị sĩ có tiếng nói tới Nhà Trắng để uống cà phê - cùng với bà chứ không phải tổng thống.

 

Michael Green, một chuyên gia châu Á chuyên cung cấp thông tin báo chí cho bà Laura khi ông phục vụ tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới quyền của ông Bush, nói: “Rất dễ nhận thấy sự thay đổi trong vai trò của đệ nhất phu nhân. Bà ấy ngày càng trở thành nhân vật của công chúng”.

 

Hầu hết các đệ nhất phu nhân Mỹ đều dành sự quan tâm đặc biệt tới một vấn đề xã hội nào đó. Bà Nancy Reagan kêu gọi mọi người hãy nói không với ma tuý trong khi cựu đệ nhất phu nhân Betty Ford thường kể về cuộc chiến của bà với bệnh ung thư vú. Ngược lại, bà Laura Bush đã mở rộng tầm với chính trị khi tham vào một loạt các hoạt động, từ dạy học, bảo tồn lịch sử cho tới phòng phống AIDS tại châu Phi và cảm thông với sự cực khổ của phụ nữ tại Afghanistan. (Bà đã có chuyến thăm tới đây năm 2005).

 

Hồi tháng 11/2001, Karen Hughe, khi đó là cố vấn về truyền thông và diễn văn cho Tổng thống Bush, đã đề nghị vợ chồng ông Bush tham gia trong một buổi nói chuyện trên đài phát thanh chủ đề về những nỗi thống khổ của phụ nữ Taliban. Ông Hughes kể lại: “Tổng thống đã nhìn thẳng vào tôi và hỏi “Anh cần tôi để làm gì?”.

 

Cũng tại Mỹ, tỉ lệ ủng hộ dành cho bà Bush đã tăng gấp đôi so với chồng trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ hồi năm ngoái. Còn Stephen Hadley, một cố vấn an ninh quốc gia của ông Bush, đã gọi bà Laura là “tài sản chính sách ngoại giao của Tổng thống Bush”.

 

VTH

Theo New York Times