Đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
(Dân trí) - Công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng của công tác đối ngoại.
Chiều ngày 29/6, tại Hà Nội, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới và Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 500 đại biểu thuộc các Ban, Bộ ngành, cơ quan trung ương; Đại diện các cơ quan, tổ chức trong nước; Đại diện Bộ Ngoại giao; Đại diện một số hội doanh nhân, trí thức kiều bào; các cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội. Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến tới nhiều điểm cầu, trong đó có 63 điểm cầu tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Hội nghị nhằm thông tin rộng rãi về ý nghĩa, tầm quan trọng và điểm mới của Kết luận 12; kết quả nổi bật đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 thời gian qua; đồng thời đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm triển khai Kết luận 12, Nghị quyết 16 và định hướng trọng tâm công tác thời gian tới.
Vai trò đặc biệt quan trọng của công tác người Việt Nam ở nước ngoài
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác Người Việt Nam ở nước ngoài.
"Công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Các chủ trương, chính sách đối với kiều bào ta ở nước ngoài là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Bộ trưởng nhắc lại thư chúc Tết gửi kiều bào đầu năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó Người khẳng định: "Tổ quốc và Chính phủ luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Ðó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà". Theo ông Bùi Thanh Sơn, "nhân tâm thiên lý" đó của Người tuy giản dị, nhưng có ý nghĩa rất sâu sắc, thấm đậm truyền thống đại đoàn kết và giàu lòng nhân ái của dân tộc ta, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, Ðảng và Nhà nước ta đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị khóa VII, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa IX, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị khóa XI và gần đây nhất là Kết luận 12 của Bộ Chính trị khóa XIII. Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để thể chế hóa; Chính phủ cũng ban hành nhiều chương trình hành động để thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị và Kết luận của Bộ Chính trị.
Tư tưởng nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nói trên là luôn xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các quốc gia, dân tộc trên thế giới; đồng thời, mong muốn, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để kiều bào phát huy tinh thần tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tham gia phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đáp ứng nguyện vọng của đồng bào ta cả trong nước cũng như ở nước ngoài, tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng, khích lệ kiều bào nỗ lực vươn lên. Nhờ đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng về địa bàn. Đến nay, 5,3 triệu người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, có cuộc sống ngày càng ổn định, hội nhập tích cực vào xã hội sở tại, gắn bó với quê hương và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Trong báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), đã nêu bật nhiều tiến bộ và kết quả quan trọng đã đạt được của công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ nhất, nhận thức của các ban, bộ, ngành ở trung ương, địa phương, các tổ
chức chính trị - xã hội và các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài về vai trò của cộng đồng NVNONN và công tác đối với NVNONN ngày càng được nâng cao.
Thứ hai, công tác tham mưu, kiến nghị, xây dựng chính sách liên quan đến
NVNONN được triển khai tương đối toàn diện.
Thứ ba, công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN hướng về quê hương đã đạt
được những bước đột phá quan trọng.
Thứ tư, công tác hỗ trợ NVNONN ngày càng được chú trọng hơn.
Thứ năm, công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thông tin đối với NVNONN tiếp tục được đổi mới, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu
của cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận, ông Phạm Quang Hiệu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cuộc sống của một bộ phận bà con tại một số địa bàn còn khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc; tình trạng vi phạm pháp luật của người Việt Nam tại một số địa bàn có xu hướng tăng về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng; một bộ phận nhỏ kiều bào còn định kiến về một số vấn đề của đất nước, cá biệt một số người còn có những hành động không phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc. Công tác NVNONN còn một số hạn chế như: có nơi, có lúc công tác này chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức. Công tác nắm tình hình cộng đồng, tham mưu, kiến nghị và phối hợp triển khai chủ trương, chính sách chưa sâu sát, chặt chẽ và kịp thời. Chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đồng bào ta ở nước ngoài.
Phải vận dụng chủ trương một cách linh hoạt, không rập khuôn
Hội nghị đặc biệt chú ý tới các nhóm nhiệm vụ lớn được nêu ra trong Kết luận 12 với những điểm mới nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và cộng đồng NVNONN có nhiều biến chuyển, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra, nhất là yêu cầu của Đại hội Đảng XIII về việc "triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác NVNONN".
Quán triệt tinh thần, chủ trương, định hướng lớn của Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ, trên cơ sở ý kiến trao đổi tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ một số vấn đề sau đây.
Một là, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt sâu rộng ở các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể về chủ trương, quan điểm, phương châm và các định hướng lớn đã đề ra trong Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị cũng như các nhiệm vụ Chính phủ đã giao trong Nghị quyết 169.
"Muốn thực hiện đúng đường lối, chủ trương, trước hết cần thống nhất nhận thức, bởi từ nhận thức đúng đắn mới chuyển hóa thành hành động đúng đắn. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục triển khai sâu rộng, thường xuyên, sáng tạo và hiệu quả để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài nhận thức đầy đủ, đúng đắn chủ trương, quan điểm, định hướng và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn phát triển mới của đất nước", ông Bùi Thanh Sơn nói.
Hai là, đẩy mạnh chuyển hóa chủ trương thành hành động thực tiễn để các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mang lại kết quả cụ thể và thiết thực cho đất nước và kiều bào ta. Quán triệt sâu sắc chủ trương rồi, nhưng phải vận dụng linh hoạt, không rập khuôn, cứng nhắc bởi mỗi ngành, mỗi địa phương và mỗi địa bàn có tính chất, đặc thù khác nhau.
Ba là, công tác người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Do vậy, việc tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, các địa phương và tổ chức đoàn thể có vai trò rất quan trọng để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ Ngoại giao mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và các địa phương để triển khai hiệu quả Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ.
Bốn là, công tác người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng của công tác đối ngoại.
"Tôi đề nghị các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những chiến sỹ "tiền phương" trên mặt trận đối ngoại, tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ trong đơn vị, cơ quan mình phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, cụ thể hóa bằng kế hoạch, đề án, chương trình và vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài tại địa bàn, góp phần thiết thực vào thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Mỗi Cơ quan đại diện phải luôn xứng đáng là mái nhà chung cho đồng bào ta ở nước ngoài, thấm đượm tình nghĩa đồng bào, "con Hồng, cháu Lạc, phải thương nhau cùng", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho hay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được nâng cao.
"Trong điều kiện đó, công tác thông tin đối ngoại tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cần sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc hơn. Trong đó, cần tập trung vào đổi mới nội dung, phương thức và tư duy", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Theo ông Lê Hải Bình, về tư duy, công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới cần đảm bảo tính chính xác, phù hợp, hấp dẫn trong nội dung, phong phú, đa dạng về hình thức, xác định phương châm mới là "Chủ động, kịp thời, thống nhất, sáng tạo, hiệu quả". Về nội dung, cần đa dạng, toàn diện, sâu sắc và thuyết phục cao. Về phương thức, cũng cần đổi mới hơn để nhanh hơn, đa dạng hơn và hiệu quả hơn, trong đó chú trọng chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông mới; tăng cường hơn nữa vai trò của hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, phát huy hơn nữa vai trò của các hội, đoàn, các phương tiện truyền thông của cộng đồng NVNONN.
Ông Lê Hải Bình cũng lưu ý về cơ chế phối hợp, lực lượng, công tác thông tin đối ngoại đối với cộng đồng NVNONN. Theo ông, cần tiếp tục thúc đẩy sự phối hợp triển khai toàn diện, kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa các kênh (đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân), các lĩnh vực (chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, văn hóa...) một cách toàn diện; sự phối hợp giữa các cơ quan trong nước với hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hệ thống các hội, đoàn của NVNONN, bảo đảm sự thông suốt giữa thông tin ở trong và ngoài nước.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng lắng nghe các tham luận của các tỉnh, thành, qua đó đóng góp các ý kiến tâm huyết góp phần thúc đẩy triển khai toàn diện, mạnh mẽ công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao; có vai trò và ảnh hưởng ở mức độ khác nhau tới quan hệ hữu nghị giữa các nước với Việt Nam và là đại diện văn hóa Việt Nam ở các nước, giới thiệu văn hóa, truyền thống, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả về nguồn lực kinh tế, tri thức và nguồn lực "mềm", đóng góp cho xây dựng thương hiệu quốc gia và là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
Về tri thức, có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức NVNONN, chiếm tỷ lệ 10% trong cộng đồng NVNONN, đang làm việc tại các cơ sở khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài.
Về kinh tế, nhiều doanh nhân kiều bào đã thành danh và góp mặt trong danh sách các tỷ phú thế giới.
Về chính trị, một số nhân vật gốc Việt đã tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau.
Về đầu tư trực tiếp, đến hết năm 2021, có 376 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD. Ngoài ra, có hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào.
Kiều hối tăng trưởng trung bình 6% hàng năm. Năm 2021, lượng kiều hối của Việt Nam ở mức 18,1 tỷ USD (theo Ngân hàng Thế giới), tương đương gần 5% tổng thu nhập quốc gia. Lượng kiều hối lũy kế từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 175 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Năm 2022, các hoạt động thường niên dành cho NVNONN được duy trì và tiếp tục tổ chức như: Xuân Quê hương; Đoàn kiều bào về dự Quốc giỗ vua Hùng; Đoàn kiều bào thăm Trường Sa, Trại hè Việt Nam… nhằm thực hiện hiệu quả Kết luận 12 và Nghị quyết 169.