1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Dầu mỏ - con bài mặc cả hạt nhân của Iran

(Dân trí) - Mỹ đang ráo riết vận động lệnh trừng phạt mới với Iran về vấn đề hạt nhân, nhưng dư luận cho rằng các bên sẽ chưa chính trị hóa tình hình một cách không cần thiết vì mấu chốt thực chất đang nằm ở vấn đề rất kinh tế - đó là dầu mỏ.

Tại sao là dầu mỏ?

Dầu mỏ đã là con bài chính của Iran trong suốt cuộc mặc cả hạt nhân kéo dài nhiều năm qua. Quan chức hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran đã từng tuyên bố “rất không may” là những nước có quan hệ kinh tế với Iran, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ, đến nay vẫn chưa phản đối quyền về hạt nhân của nước này. Phát ngôn này hơi hài hước, nhưng rõ ràng là lời cảnh báo rất nghiêm túc về những hậu quả kinh tế mà những nước ủng hộ chính sách của Mỹ với Iran phải gánh chịu. Phía các nước là vì những hợp đồng dầu mỏ, trong khi phía Iran tự tin rằng Mỹ sẽ không dám “hành động mạnh” cũng chính là nhờ những mỏ dầu. Dầu mỏ là tấm chắn mà Iran tự tin là cực kỳ hữu dụng đối với nước này trong cuộc mặc cả hạt nhân với Mỹ và các nước châu Âu.

Dầu mỏ - con bài mặc cả hạt nhân của Iran - 1

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad chọn một nhà máy lọc hóa dầu làm phông trong cho lần phát biểu đầu tiên sau khi ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2009

Iran là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và là quốc gia sở hữu trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Iran có khả năng hủy bỏ những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD vẫn đang được thực hiện với các công ty năng lượng của châu Âu. Trong khi đó, các nước châu Á cũng ngày càng để ý đến các nguồn dầu lửa ở Iran nên họ cũng tìm cách chống lại âm mưu áp dụng các biện pháp trừng phạt Tehran của Mỹ và phương Tây. Vì vậy, đằng sau những lời đe dọa về kinh tế, Tehran rất hy vọng rằng các công ty năng lượng lớn của châu Âu sẽ vận động chính phủ của họ và yêu cầu có chính sách ngoại giao ít đối đầu hơn khi xúc tiến giải quyết vấn đề Iran.

Có những đồn đoán răng Mỹ đang “đọn dường dư luận” để tấn công Iran, nhưng tấn công quân sự chỉ có thể làm cho chương trình phát triển hạt nhân của Iran chậm lại vài năm trong khi nó lại gây ra những hậu quả khôn lường về chính trị. Có ý kiến còn đưa ra kịch bản: Khi chiến tranh xảy ra, Chính phủ Iran sẽ tài trợ và xúi giục bạo loạn ở Afghanistan, Iraq và khắp vùng Vịnh. Giá dầu sẽ tăng cao và điều này sẽ giúp Tehran tăng thêm nguồn thu nhập để trang trải cho mọi hoạt động.

Khi nhậm chức, Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ Barack Obama ý thức rõ ràng rằng liên minh mà Mỹ muốn lập với Tehran là điều sống còn đối với tương lai của Oasinhtơn. Một khi liên minh được với Iran, Mỹ không chỉ xâm nhập được vào khu vực Trung Á, mà còn kiểm soát được người Hồi giáo ở khu vực này. Bên cạnh đó, sự thâu tóm này còn cho phép Mỹ kiểm soát các nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt của Iran, Trung Á, Trung Quốc, Cápcadơ và kể cả của Iraq, Arập Xêút, châu Phi hay Cata. Lúc đó, Mỹ sẽ trở thành siêu cường hàng đầu về quân sự, nắm giữ đa số tuyệt đối các nguồn dự trữ dầu khí của thế giới. Vì những được mất khác nhau (dầu lửa, chiến lược hay tôn giáo), một cuộc xung đột vũ trang với Iran giống như một cuộc xung đột với cả thế giới.
 
Dầu mỏ - con bài mặc cả hạt nhân của Iran - 2

Hồi cuối tháng 2, quan ngại về vấn đề hạt nhân của Iran lập tức đẩy giá dầu mỏ lên mức 80USD/thùng

Trừng phạt hay không?

Iran vừa tuyên bố tiếp tục làm giàu urani tới mức 20%, ngay sau khi đồng ý chuyển phần lớn urani làm giàu ở cấp độ thấp sang Thổ Nhĩ Kỳ (khi đã có urani 20% có nghĩa là đã đi được 90% chặng đường và gần như sắp kết thúc quá trình có nhiên liệu hạt nhân ở cấp độ vũ khí). Không phải đợi đến tuyên bố vừa đưa ra của Iran, nhiều tháng nay, Mỹ đã ráo riết tìm kiếm sự nhất trí của các cường quốc với việc trừng phạt Iran vì “tham vọng hạt nhân đáng ngờ” của nước này. Kết quả là một dự thảo trừng phạt vừa được gửi tới các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 18/5.

Nội dung chính của dự thảo bao gồm một loạt hạn chế với Iran liên quan đến cả hoạt động vũ khí lẫn tài chính. Dư luận quốc tế cho rằng những lời đe dọa vẫn sẽ chỉ dừng lại ở lời đe dọa. Theo một nguồn thạo tin ngoại giao tại Liên Hợp Quốc, dự thảo nghị quyết vòng trừng phạt thứ tư này không đồng nghĩa với việc chấm dứt các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề hạt nhân của Tehran.

Tại Liên Hợp Quốc, Nga và Trung Quốc đã cùng phương Tây thông qua ba đợt trừng phạt, chủ yếu là thương mại. Nhưng những biện pháp này đã không ngăn cản được chính quyền Iran vốn không muốn ngừng chương trình làm giàu urani của mình.
 
Dầu mỏ - con bài mặc cả hạt nhân của Iran - 3

Lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ tại Bushehr mà Nga đầu tư xây dựng

Bốn năm qua, 40% như cầu dầu mỏ trên toàn cầu bắt nguồn từ khu vực Đông Á, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc. Trong vấn đề hạt nhân, Trung Quốc không muốn áp dụng lệnh trừng phạt. Theo nước này, các biện pháp như vậy sẽ khiến cho việc đối thoại với Iran không thể thành công. Về thực chất, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đều nhằm phục vụ nhu cầu kinh tế và năng lượng. Hơn bao giờ hết, Trung Quốc cần dầu khí. Trao đổi thương mại Trung Quốc-Iran lên tới 25 tỷ USD trong năm 2009 và Iran cung cấp 13% dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc. Còn Nga – nước đầu tư gần 1 tỷ USD vào việc xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ tại Bushehr – có thể kiếm được nhiểu nghìn tỷ USD nữa trong các hợp đồng mới, nếu Iran tiếp tục xây dựng thêm các nhà máy chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đó là lý do khiến Nga phải nương nhẹ Iran. Trường hợp của Trung Quốc cũng rất rõ ràng.

Đối tác thương mại lớn của Iran còn có châu Âu, với hai quốc gia hàng đầu là Đức và Italia. Không quan tâm đến mối đe dọa hạt nhân, nhiều công ty châu Âu - chủ yếu là của Đức và Italia - đã tìm cách luồn lách qua các biện pháp trừng phạt.

Trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Brazilmuốn khuyến khích đối thoại chứ không phải là gây áp lực chống Iran. Ngoài Brazil, còn có Thổ Nhĩ Kỳ và Libăng (quốc gia Arập duy nhất hiện có chân trong Hội đồng Bảo an) có cùng quan điểm này. Ngần ấy yếu tố khiến cho phương Tây khó nhận được sự đồng thuận rộng rãi ở Liên Hợp Quốc để áp dụng các biện pháp trừng phạt mới.

Những sự kiện liên quan đến vấn đề vũ khí hạt nhân của Iran từ năm 2003:

- Từ đầu năm 2003, các hoạt động làm giàu hạt nhân của Iran đều nằm dưới sự kiểm soát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

- Tháng 8/2005: Iran khôi phục các hoạt động hạt nhân tại nhà máy làm giàu urani ở Isfahan thuộc miền Trung, từng bị đình chỉ từ tháng 11/2004. Phương Tây cho rằng mục đích của Iran là sản xuất bom hạt nhân.

- Tháng 12/2006 : Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc quyết định cấm vận thương mại có giới hạn để trừng phạt Iran.

- Tháng 3/2008: Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt thứ ba đổi với Iran.

- Tháng 4/2009: Iran khánh thành Nhà máy sản xuất nhiên liệu hạt nhân đầu tiên ở Isfahan và tuyên bố đã thử nghiệm hai loại máy ly tâm có công suất cao. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Iran là nước “bảo trợ hàng đầu cho chủ nghĩa khủng bố”.

- Tháng 5/2009: Iran ngừng các cuộc đàm phán hạt nhân với nhóm các nước P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ với Đức).

- Tháng 10/2009: Iran nối lại đàm phán với P5+1.

- Tháng 11/2009: Iran tuyên bố sẽ tự sản xuất 20% urani đã được làm giàu và có kế hoạch xây dựng thêm 10 cơ sở làm giàu urani.

Việt Hà