1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Dấu hiệu Trung Quốc đẩy mạnh hiện diện ở Trung Á

Thanh Thành

(Dân trí) - Trung Quốc được cho là có thể tài trợ 8,5 triệu USD để xây dựng một căn cứ cảnh sát ở Tajikistan ngay gần biên giới Afghanistan.

Dấu hiệu Trung Quốc đẩy mạnh hiện diện ở Trung Á - 1

Thị trấn Khorog, thủ phủ của khu tự trị Gorno-Badakhshan, Tajikistan (Ảnh: Reuters).

Nếu thông tin trên là đúng, việc xây dựng căn cứ cảnh sát tại Tajikistan cho thấy mối quan hệ hợp tác an ninh sâu sắc hơn giữa quốc gia Trung Á và Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh được cho là sẽ duy trì một căn cứ khác ở phía đông nam quốc gia thuộc Liên Xô cũ này.

Một phát ngôn viên giấu tên của quốc hội Tajikistan nói rằng, hạ viện nước này đã thông qua kế hoạch xây dựng căn cứ cảnh sát mới tại huyện Ishkashim của tỉnh miền núi Gorno-Badakhshan.

"Trung Quốc tài trợ hoàn toàn việc xây dựng này. Sau khi hoàn thành, căn cứ sẽ được chuyển giao cho (cảnh sát) Tajikistan", phát ngôn viên trên nói với AFP. Ông cho biết thêm, số tiền Bắc Kinh hỗ trợ là 8,5 triệu USD.

Reuters cũng dẫn lời người phát ngôn này nói rằng, sẽ không có bất kỳ binh sĩ Trung Quốc nào đồn trú ở đây.

Tuy nhiên, khi được đề nghị bình luận về thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với các phóng viên: "Tôi không biết về vấn đề mà các bạn đề cập đến".

Trung Quốc đã để ngỏ xây dựng quan hệ hữu nghị với Taliban sau khi nhóm này lên nắm quyền ở Afghanistan, nhưng đã kêu gọi Taliban ngăn chặn các phần tử ly khai người Duy Ngô Nhĩ đang tìm cách xâm nhập vào khu vực biên giới nhạy cảm của nước này ở Tân Cương.

Trong khi các quốc gia Trung Á khác đã thiết lập quan hệ làm việc với chế độ mới ở Afghanistan, Tajikistan lại phản đối và tránh các cuộc đàm phán trực tiếp.

Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon đã nêu lo ngại về điều mà ông gọi là "các nhóm khủng bố" ở các địa điểm dọc theo đường biên giới dài hơn 1.300 km giữa Afghanistan và Tajikistan. Theo truyền thông Nga, Taliban đã liên minh với một nhóm chiến binh dân tộc Tajikistan có trụ sở ở miền bắc Afghanistan nhằm tìm cách lật đổ chính phủ của Tổng thống Rahmon.

Tajikistan, quốc gia 9,5 triệu dân, đã nhận được hỗ trợ tài chính từ cả Trung Quốc và Mỹ để xây dựng và củng cố các đồn biên phòng và là nơi đóng quân của một căn cứ quân sự lớn của Nga.

Trung Quốc cũng được cho là sẽ duy trì một cơ sở quân sự chung với Tajikistan ở Gorno-Badakhshan, giáp Tân Cương.

Bắc Kinh không lên tiếng về tiền đồn trên, nhưng tổ chức Khủng hoảng Quốc tế hồi năm 2018 cho biết, cơ sở này cho thấy "sự hiện diện an ninh ngày càng tăng" của Trung Quốc ở Trung Á.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm