1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Đau đầu" vấn nạn tin giả giữa lúc dịch viêm phổi Vũ Hán hoành hành

(Dân trí) - Chính quyền nhiều nước, vùng lãnh thổ cũng như các mạng xã hội và “ông lớn” công nghệ đang đau đầu tìm cách xử lý vấn nạn tin giả giữa lúc dịch viêm phổi gây ra bởi virus corona chủng mới đang hoành hành.

Bức ảnh “thổi bùng căng thẳng” ở Hàn Quốc

Đau đầu vấn nạn tin giả giữa lúc dịch viêm phổi Vũ Hán hoành hành - 1

Bức ảnh người đàn ông Trung Quốc gục ngã ở tàu điện ngầm đã gây "bão" mạng Hàn Quốc với những tin đồn thất thiệt (Ảnh: SCMP)

Bức ảnh đăng hồi tuần này ghi lại cảnh một người đàn ông Trung Quốc ngã gục ở ga tàu điện ngầm Seoul và được nhóm người Hàn Quốc đỡ dậy đã khiến mạng xã hội nước này “dậy sóng”.

“Tôi về nhà cùng với bạn bè và tôi thấy một người đàn ông gã gục xuống sàn. Tôi nín thở chạy về nhà. Những người sống gần đại học Konkuk, hãy cẩn thận”, một người dùng viết khi đăng tải bức ảnh lên một diễn đàn trực tuyến.

Rất nhiều người dùng mạng đã kết luận rằng người đàn ông Trung Quốc bị nhiễm virus corona chủng mới. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Người này chỉ đơn giản là bị say rượu, đại diện của ga tàu điện ngầm cho hay.

Theo SCMP, bức ảnh trên chỉ là một trong hàng loạt tin đồn giả mạo lan truyền trên khắp mạng internet Hàn Quốc, trong bối cảnh virus viêm phổi Vũ Hán đã khiến 170 người thiệt mạng ở Trung Quốc đại lục và lây lan ra hàng nghìn người khác trên toàn cầu.

Giáo sư Oh Myoung-don ở đại học quốc gia Seoul cho rằng bản năng sinh tồn của con người chính là nguyên nhân khiến họ dễ trở nên sợ hãi khi đọc thông tin về đại dịch tràn lên trên mạng xã hội.

“Ngay cả khi cơ hội nhiễm virus rất thấp, phần bản năng trong não sẽ hoạt động nhanh hơn phần suy nghĩ logic. Cuối cùng, công chúng thường sẽ bị ám ảnh bởi dịch bệnh”, ông Oh lý giải.  

Giáo sư này cũng cảnh báo rằng những nỗi sợ hãi như vậy “có thể gây thiệt hại lớn tới xã hội và nền kinh tế một quốc gia”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 29/1 kêu gọi công chúng bình tĩnh và cam đoan với người dân rằng quốc gia Đông Á đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết ngăn virus lây lan. Ông cũng lên án sự lan truyền của tin đồn và tin giả.

“Virus không phải là thứ duy nhất chúng ta phải đối diện. Chúng ta phải chống lại sự lo lắng quá mức cần thiết và những nỗi sợ hãi mơ hồ. Vũ khí để bảo vệ chúng ta khỏi loại virus corona mới không phải là sự sợ hãi mà là tin tưởng và hợp tác”, ông Moon nói.

Châu Á đối phó với nạn tin giả

Đau đầu vấn nạn tin giả giữa lúc dịch viêm phổi Vũ Hán hoành hành - 2

Nhân viên một hãng hàng không Thái Lan khử trùng máy bay (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo trang tin NHK, chính quyền các quốc gia châu Á đang phải đối phó với vấn nạn tin giả và tin đồn thất thiệt về virus corona chủng mới lan truyền trên mạng xã hội.

Cuối tuần qua, dư luận Singapore xôn xao về một bài báo đăng tải trên một trang tin tức lớn có tựa đề: “Ca tử vong đầu tiên ở Singapore vì virus mới”. Chính quyền Singapore sau đó đã lên tiếng khẳng định chưa có bất cứ thông tin nào xác minh tin tức này và yêu cầu trang tin phải thừa nhận đã đưa tin sai.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore S Iswaran cho biết chính phủ cần “có hành động nhanh chóng chống lại những sự sai lệch, bằng không sẽ có mối đe dọa nghiêm trọng rằng tin giả sẽ lan truyền và gây hoảng loạn trong công chúng”.

Tại Malaysia, thông tin về cái chết của một tù nhân nhiễm virus corona đã được lan truyền "chóng mặt" trên mạng xã hội. Kuala Lumpur đã nhanh chóng bác bỏ thông tin trên.

Malaysia ngày 29/1 đã bắt 4 người vì nghi ngờ cố tình tung thông tin sai lệch về virus viêm phổi Vũ Hán trên mạng xã hội. 4 đối tượng tuổi từ 24-49, bị bắt ở Malacca, Kedah và Pahang. Theo CNA, những người bị xác định là mắc tội lan truyền tin giả sẽ bị phạt tối đa 12.230 USD và đi tù 1 năm. Trước đó, Malaysia cũng bắt 1 người đàn ông 34 tuổi ở Selangor vì tung tin sai sự thật về dịch bệnh.

Đau đầu vấn nạn tin giả giữa lúc dịch viêm phổi Vũ Hán hoành hành - 3

(Ảnh minh họa: SCMP)

Thái Lan ngày 29/1 đã bắt 2 người vì tung tin giả lên mạng xã hội. Trung tâm chống tin giả Bộ Kinh tế và xã hội số hóa Thái Lan đã hợp tác với cảnh sát thực hiện vụ bắt giữ sau khi một đối tượng phát đi thông tin rằng một người nhiễm virus corona chủng mới đã chết ở Pattaya.

Trong khi đó, nghi phạm còn lại, Ritthisak Wongthonglueang, thừa nhận đã đăng tải một đoạn video người đàn ông ngã gục không có liên quan tới virus corona để tung tin đồn thất thiệt. Nếu bị tuyên có tội, 2 nghi phạm có thể bị phạt tù 5 năm.

Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 29/1 cũng lên án vấn nạn tin giả và cảnh báo điều này có thể gây ảnh hưởng tới nỗ lực ngăn chặn bệnh dịch của chính quyền hòn đảo, theo Asia One

Các “ông lớn” công nghệ tham gia cuộc chiến chống tin giả

Facebook, Google, Twitter đang nỗ lực trong việc ngừng việc phát tán tin giả tràn lan trên các nền tảng này, theo Dailymail.

Washington Post nói rằng, các tin tức đồn đoán thất thiệt ngập tràn trên các mạng xã hội đang gây tâm lý hoang mang cho dư luận và cung cấp những thông tin sai lệch có thể gây ra hậu quả cho xã hội.

Facebook cho biết đang hợp tác với các đối tác để xác minh và truyền đi các thông tin chính xác về dịch viêm phổi Vũ Hán. Trong khi đó, Twitter kêu gọi người dùng không tin vào những bài viết có nội dung thiếu cơ sở, có thể gây nguy hại, không có nguồn tin chính thống.

Đức Hoàng

Tổng hợp