1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dấu ấn khác lạ của ông Donald Trump trong năm đầu tiên “chèo lái” nước Mỹ

(Dân trí) - Trở thành Tổng thống Mỹ khi chưa có kinh nghiệm chính trường, ông Donald Trump trong năm đầu nhiệm kỳ đã để lại dấu ấn với phong cách chính trị khác xa so với những tiêu chuẩn truyền thống. Những thành tựu, hạn chế đều mang đậm dấu ấn của ông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: GOP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: GOP)

Quan điểm và chính sách “khác lạ”

Với tính cách khó đoán định, ông Trump không giống bất cứ tổng thống tiền nhiệm nào của Mỹ. Điểm chung trong việc ban hành chính sách của ông xuyên suốt năm qua là nỗ lực xóa bỏ những di sản của các đời Tổng thống tiền nhiệm hay nói chính xác hơn, những gì họ không làm hoặc chưa làm thì ông sẽ làm.

Theo đuổi quan điểm “Nước Mỹ là trên hết”, ông Trump đã thực hiện chính sách nhập cư có phần cực đoan, đề xuất giảm tới 41% số người nhập cư ngay trong năm đầu tiên. Ông còn đề xuất chi 33 tỷ USD để xây bức tường ngăn biên giới với Mexico nhằm đối phó với làn sóng nhập cư trái phép vào Mỹ.

Ông đã ký ban hành Luật cải cách thuế được cho là phục vụ lợi ích các tập đoàn quy mô lớn và ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm tàng. Ông cũng đề xuất bãi bỏ Đạo luật Obamacare có khả năng gánh chi phí bảo hiểm y tế cho nhiều người Mỹ thu nhập thấp. Ông Trump đã rút Mỹ khỏi TPP, UNESCO và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, hành động mà giới quan sát cho rằng đang đi ngược xu thế toàn cầu hóa.

Ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters)
Ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters)

Đối với các đồng minh quân sự, ông Trump có những chính sách khác biệt khi yêu cầu các đồng minh NATO, cũng như các đồng minh Ả-rập Xê-út, Qatar đến Nhật Bản, Hàn Quốc… phải đóng góp “sòng phẳng” và nhiều hơn mức hiện tại.

Ông Trump tuyên bố kết thúc chính sách “kiên nhẫn chiến lược” đối với Triều Tiên, chuyển sang chính sách “bên miệng hố chiến tranh”, gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên, nhưng lại muốn thay đổi cách tiếp cận với Bình Nhưỡng và sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Dưới thời ông Trump, Mỹ dương như gia tăng các hoạt động quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương. Ông đồng thời đưa ra chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương” thay cho chiến lược của người tiền nhiệm.

Mỹ dưới sự “chèo lái” của ông Trump cam kết tiêu diệt khủng bố IS ở Syria, ủng hộ Nga trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng lại bị cáo buộc tiếp tay cho các phần tử của tổ chức này dưới danh nghĩa nhóm đối lập “ôn hòa”, cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd (SDF) ở Syria, đào tạo đội quân đóng tại khu vực dọc biên giới Syria.

Tổng thống Trump còn đòi rút khỏi JCPOA vào ngày 12/5/2018, nếu Thỏa thuận không được sửa đổi theo yêu cầu của Mỹ và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Ông cũng đưa ra quyết định gây tranh cãi khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Theo ông Trump, Nga và Trung Quốc là đối thủ chính, là trọng tâm cần phải đối phó của Mỹ.

Thành công và những “ẩn số”


Ông Trump trong triển lãm kêu gọi người dân Mỹ dùng hàng Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Ông Trump trong triển lãm kêu gọi người dân Mỹ dùng hàng Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Chính quyền ông Trump đã ban hành các chính sách cụ thể như chú trọng đầu tư trong nước, cắt giảm thâm hụt thương mại, đơn giản hóa các quy định, quy tắc thương mại quốc. Những nỗ lực này phần nào giúp cho môi trường kinh doanh tại Mỹ được giải phóng, kinh tế Mỹ tăng trưởng đáng kể trong năm qua.

Theo tờ Thời báo Phố Wall, chứng khoán Mỹ đã liên tục đạt các mốc kỷ lục mới. Tổng thống Trump được cho là đã tạo ra 1,84 triệu việc làm mới. Đây cũng là mức cao hàng đầu trong các đời Tổng thống. Việc cắt giảm thuế thu nhập, các thủ tục phiền hà đã mang về khoảng 1,5 nghìn tỷ USD cho các doanh nghiệp Mỹ, khiến các doanh nghiệp lớn của Mỹ hứa hẹn sẽ chuyển lợi nhuận từ nước ngoài về đầu tư trong nước tạo công ăn việc làm cho người Mỹ như mong muốn của Tổng thống Trump.

Theo cuộc thăm dò ​​của NPR/PBS/Marist, 44% người Mỹ cho rằng nền kinh tế đã được cải thiện kể từ khi ông Trump lên nắm quyền và chỉ có 18% cho rằng tình hình tồi tệ hơn. Cuộc thăm dò của CBS cũng cho thấy 67% người được hỏi cho rằng nền kinh tế đang trong tình hình tốt.

Theo giới quan sát, cho dù nền kinh tế Mỹ đang đi lên, nhưng ông Trump vẫn vấp phải nhiều chỉ trích liên quan vấn đề đối nội, đối ngoại. Theo đó, tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Trump sau 1 năm cầm quyền là rất thấp. Trong cuộc thăm dò ​​của CBS News, ông chỉ nhận 37% ủng hộ, còn 58% không hài lòng. Theo cuộc thăm dò của NPR/PBS/Marist, 53% cho rằng ông Trump đã không thành công.

Ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa, một bộ phận nghị sĩ đã tạo dựng phe phái và bất đồng gay gắt với nhau về phương hướng mà đảng sẽ đi theo trong tương lai. 38 nghị sĩ đã tuyên bố về hưu trước thời điểm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Phe Dân chủ hiện chỉ cần thêm 24 ghế để chiếm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ.

Theo giới quan sát, nước Mỹ dưới thời ông Trump đang lún sâu hơn vào chia rẽ. Không chỉ về thu nhập, giàu nghèo, văn hóa, ý thức hệ, nước Mỹ còn đang chứng kiến sự chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc, giới tính khi tâm lý thù địch, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, phân biệt chủng tộc… có xu hướng gia tăng.

Chủ nghĩa bảo hộ mà ông Trump theo đuổi, có thể khiến Mỹ đứng ngoài cuộc chơi thương mại toàn cầu. Việc rút khỏi TPP trong khi tiến trình đàm phán TAFTA với EU vẫn chưa kết thúc, việc EU và Nhật Bản ký thỏa thuận mậu dịch tự do sẽ gây thiệt hại cho các sản phẩm xuất khẩu từ Mỹ.

Chính những quan điểm cứng rắn và cách tiếp cận “khác lạ” của ông Trump đã đẩy vấn đề hạt nhân Triều Tiên bên miệng hố chiến tranh. Hành động “ăn miếng trả miếng” trên cả bình diện quân sự lẫn ngoại giao đã “châm ngòi” căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Giới quan sát nhận định đây có thể được coi là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ trước tới nay.

Ông Trump công bố Chiến lược an ninh mới của Mỹ. (Ảnh: National Interest)
Ông Trump công bố Chiến lược an ninh mới của Mỹ. (Ảnh: National Interest)

Việc ông Trump công bố Nga và Trung Quốc là địch thủ làm cho khả năng các cường quốc cùng hợp tác, chung tay giải quyết các điểm nóng và các vấn đề trên thế giới bị hạn chế.

Mặc dù ông Trump tuyên bố tiếp tục duy trì vị thế toàn cầu, nhưng nhiều chuyên gia Mỹ lại cho rằng thế và lực của Washington ngày càng giảm sút. Tại châu Á, Trung Quốc ngày một lớn mạnh, mở rộng quỹ đạo ảnh hưởng. Tại Trung Đông, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm ưu thế. Tại châu Âu, mối liên kết giữa Mỹ với NATO cũng như các đồng minh chủ chốt được cho là đang trong tình trạng lỏng lẻo nhất so với nhiều thập kỷ qua.

Theo kết quả thăm dò của CBS hồi giữa tháng 1/2018, có tới 49% cho rằng ông Trump đã làm suy yếu vị thế của nước Mỹ trên thế giới, 55% cho rằng chính sách của ông Trump đã làm Mỹ “mất đi phần lớn” những thứ mà họ cố gắng theo đuổi những năm trước đây.

Ông Trump thăm Bức tường Than Khóc ở Israel. (Ảnh: Getty)
Ông Trump thăm Bức tường Than Khóc ở Israel. (Ảnh: Getty)

Về kinh tế, tuy được coi là một năm thành công của ông Trump, nhưng theo giới phân tích, các quyết sách của ông chỉ giúp cho nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trong ngắn hạn. Trong xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa tiếp tục gia tăng, nền kinh tế Mỹ vốn đã hội nhập sâu, rộng với kinh tế toàn cầu thì việc sử dụng các biện pháp đơn phương, thậm chí bỏ qua các quy định thương mại quốc tế rất có thể sẽ mang đến các hậu quả tiêu cực khó lường.

Như vậy, với chính sách “khác lạ” mà ông Trump đã, đang và sẽ vận hành, khiến không ít chuyên gia dự báo về một nước Mỹ tuy đã phục hồi, nhưng vẫn chưa thể định hình phát triển; về đối ngoại quân sự vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng bất ổn, nhất là trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Trung Đông.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, năm 2018 là năm bản lề để ông Trump đưa nước Mỹ vào một thời kỳ phát triển mới, nhưng sự tốt lên hay xấu đi như thế nào phụ thuộc rất lớn vào những động thái chiến lược mà ông Trump sẽ thể hiện trong năm thứ 2 của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ.

Những quyết sách ghi dấu ấn của ông Trump sau một năm cầm quyền

Nguyễn Nhâm