Đánh bom tàu hoả - Xu thế khủng bố mới?
Hơn 10 năm qua khủng bố bằng xe ôtô cài bom là cách thức khủng bố phổ biến từ Trung Đông tới Nam Á. Ngày nay bọn khủng bố trên thế giới đã nghĩ ra một cách đánh bom tàn bạo hơn là nhằm vào các đoàn tàu đông người.
Các hình thức khủng bố đã biến đổi không lường, từ khủng bố hạt nhân, hoá học, sinh học tới các vụ khủng bố bằng máy bay như vụ 11/9 và gần đây luôn lặp lại là những vụ khủng bố trong hệ thống giao thông công cộng, cụ thể là đặt bom xe lửa hoặc tấn công tàu điện ngầm.
Các vụ khủng bố tại Ấn Độ đã một lần nữa nhắc lại mối nguy hiểm thường trực của chủ nghĩa khủng bố trong thời đại của chúng ta. Dù xảy ra ở châu lục nào và dưới bàn tay của các tổ chức nào với những lý do khác biệt, dấu ấn chung các vụ khủng bố là gieo rắc sự kinh hoàng và chết chóc cũng như sự hoảng loạn trong xã hội.
Chính mục tiêu này của chủ nghĩa khủng bố đã khiến hoạt động khủng bố đang đi vào các phương thức hành động ngày càng đẫm máu và tàn bạo hơn.
Hôm 11/7/2006, 7 quả bom liên tiếp phát nổ trong 10 phút trên các toa tàu hoả ở Mumbai, Ấn Độ làm gần 200 người chết và hơn 600 người bị thương. Đối tượng tình nghi hàng đầu là các phần tử khủng bố Hồi giáo chống lại chính quyền vì các mâu thuẫn tôn giáo giữa người Hồi giáo và người Hindu.
* Ngày 11/3/2004, 10 quả bom đã liên tục phát nổ trong 4 toa tàu ở ngoại ô Madrid, Tây Ban Nha làm 191 người chết và hơn 1.200 người bị thương. Tác giả của vụ khủng bố là mạng lưới khủng bố quốc tế Al Queda.
* Ngày 7/7/2005, vẫn dưới bàn tay Al Queda, 4 vụ nổ bom liên tiếp xảy ra trong ga tầu điện ngầm và xe bus London (Anh) làm 52 người chết và 740 người bị thương. |
Còn ở Ấn Độ, sau vụ khủng bố kinh hoàng hôm qua, thành phố tài chính Mumbai gần như tê liệt, dù đây không phải lần đầu khủng bố xảy ra ở đất nước đa tôn giáo này. Các nhà ga hỗn loạn tột độ vì người hủy các chuyến tàu, hệ thống điện thoại tắc nghẽn vì các tin nhắn sau các vụ nổ, y tế và giao thông chỉ đáp ứng 1 phần nhỏ việc cấp cứu.
Các vụ nổ quá tàn bạo đã xảy ra ở các toa tàu nơi thường xuyên có mật độ dân số quá lớn, nơi các đoàn tàu thường chở gấp 3 lần cho phép. Những điều kiện của 1 nước đang phát triển chưa cho phép xác định được ngay sức công phá của các quả bom nhưng nhiều giả thiết cho rằng số người bị chết do dẫm đạp lên nhau ở một chỗ đông đúc như vậy là không nhỏ.
Một lần nữa các vụ khủng bố đường sắt dù ở bất cứ lý do nào và bàn tay tội ác nào đã cho thấy sức huỷ diệt khủng khiếp của nó.
Theo Phương Hà
VTV