1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đằng sau quyết định khôi phục Hạm đội 4 của Mỹ

(Dân trí) - Lo ngại sự trỗi dậy mạnh mẽ của các chính phủ cánh tả tại sân sau Mỹ Latinh, ngày 24/4, Hải quân Mỹ quyết định tái thành lập Hạm đội 4.

Lầu Năm Góc quyết định khôi phục lại Hạm đội 4 với nhiệm vụ tuần tra trong vùng biển Mỹ Latinh và quần đảo Caribe. Được thành lập năm 1943, Hạm đội 4 thực thi sứ mạng bố ráp, phong tỏa bằng không quân và chống phá tàu ngầm của đối phương, là trung tâm chỉ huy quan trọng của Hải quân Mỹ tại phía Nam Đại Tây Dương trong Thế chiến thứ 2. Khi bị giải thể vào năm 1950, mọi nhiệm vụ của Hạm đội 4 được giao lại cho Hạm đội 2, vốn chịu trách nhiệm toàn vùng Đại Tây Dương.

 

Đô đốc Gary Roughead, chỉ huy trưởng chiến dịch hải quân của Lầu Năm Góc tuyên bố: “Với việc tái thành lập Hạm đội 4, chung tôi thừa nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh hàng hải trong vùng này”.

 

Hạm đội 4 sẽ đóng tại căn cứ Mayport, bang Florida, dưới sự giám sát của Hải quân Mỹ và Trung tâm các lực lượng phía Nam của Hải quân Mỹ (NAVSO). Phó đô đốc Joseph Kernan được chỉ định làm chỉ huy trưởng và đơn vị này sẽ được trang bị tàu sân bay hạt nhân John Fitzgerald Kennedy.

 

Theo ông Alejandro Sanchez, chuyên gia của Hội đồng các vấn đề về tây bán cầu (Council on Hemispheric Affairs), việc khôi phục lại Hạm đội 4 là một hành động chính trị hơn là quân sự, nhằm đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của các chính phủ thuộc phe cánh tả trong vùng. Lầu Năm Góc cũng không hề che giấu ý định của mình. “Thông điệp được đưa ra rất rõ ràng, dù chính phủ các nước trong khu vực có hài lòng hay không trước hành động trên, nước Mỹ sẽ trở lại sân sau sau khi kết thúc cuộc chiến Iraq”, ông Sanchez giải thích.

 

Ngoài Hạm đội 4, hiện nước Mỹ có 5 hạm đội khác. Hạm đội 2 phụ trách khu vực Đại Tây Dương, Hạm đội 3: vùng Đông và Bắc Thái Bình Dương, Hạm đội 5: vùng Vịnh Persic, Hạm đội 6: khu vực Địa Trung Hải và Hạm đội 7: vùng Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

 

Ảnh hưởng quân sự của Mỹ tại Mỹ Latinh suy giảm đáng kể sau các vụ tấn công ngày 11/9/2001 và việc Tổng thống Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố. Tập trung vào cuộc khủng hoảng Trung Đông, Lầu Năm Góc lơ là trước các thay đổi chính trị tại Mỹ Latinh, khu vực vẫn được coi là là sân sau của nước Mỹ.

 

Các chính phủ cánh tả đang chiếm đang số tại khu vực này đã lên tiếng chỉ trích sự ủng hộ của Washington với các chế độ độc tại trước đây cùng những chính sách tự do thái quá mà Mỹ đang theo đuổi. Trong khi Washington khẳng định lợi ích duy nhất mà Mỹ quan tâm trong vùng là chiến đấu chống lại các “nguy cơ mới” như chủ nghĩa khủng bố, buôn bán ma tuý, các băng nhóm tội phạm của Trung Mỹ, người dân Mỹ Latinh lại cho rằng, Mỹ đang theo đuổi các lợi ích của“chủ nghĩa đế quốc” do sức ép của nhu cầu năng lượng quốc gia. Điều này giải thích cho các quan hệ căng thẳng giữa Washington và tổng thống cấp tiến của các nước sản cuất dầu lửa chính trong khu vực như Venezuela, Ecuador và Bolivia.

 

Một dấu hiệu của sự ngờ vực là tất cả các nước Mỹ Latinh đã từ chối ký Hiệp định American Serviceman Protection Act, ngăn cản việc truy tố các binh sĩ Mỹ phạm tội tại nước ngoài. Dự án xây dựng một căn cứ quân sự ở Paraguay, gần khu vực có mỏ khí đốt của Bolivia vấp phải sự chỉ trích của Brazil và Argentina. Tiếp đó, chính phủ Ecuador tuyên bố sẽ không gia hạn thời gian hiện diện của căn cứ quân sự Mỹ ở Manta sau khi hết hợp đồng vào năm 2009. Tồi tệ hơn, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã đưa ra ý tưởng thành lập một Hội đồng quốc phòng khu vực Bắc Mỹ, một tổ chức không có bất kỳ can thiệp nào của Mỹ.

 

Việc gạt bỏ Washington diễn ra trong bối cảnh nổi lên các xung đột trong khu vực như xung đột giữa một bên là Colombia và một bên là Ecuador-Venezuela, hay giữa Bolivia và Chilê trong vấn đề biển. Cuộc chạy đua vũ trang tiếp diễn trong vùng, các nước đang tận dụng sự phục hồi của nền kinh tế để tái trang bị quân đội, vốn bị xao nhãng trong thập niên 70. Các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ không còn chiếm vị trí độc tôn tại thị trường Mỹ Latinh. Một số nước châu Âu, đặc biệt là Trung Quốc, Nga và Iran đang tìm các thâm nhập thị trường hấp dẫn, khu vực giàu có nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng.

 

Ngọc Nhàn

Theo Le Figaro