1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Đằng sau màn khói mờ của ngân sách quốc phòng Trung Quốc"

(Dân trí) -Trong bài viết mang tựa đề: “Đằng sau màn khói mờ của ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2013”, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post vào ngày 6/3, nhận định, số liệu công bố chính thức thấp hơn nhiều so với chi tiêu thực tế Trung Quốc dành cho quân đội.

Tàu sân bay Liêu Ninh.

Chi phí phát triển vũ khí, ví dụ như tàu sân bay Liêu Ninh, được cho là không nằm trong ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. 

Con số thực gấp đôi số được công bố

 

Ngày 5/3 Bắc Kinh chính thức loan báo là ngân sách quốc phòng cho năm 2013 là 720 tỷ nhân dân tệ (hơn 115 tỷ đô la), tăng 10,7% so với năm 2012. Theo tờ South China Morning Post, mặc dù con số này có vẻ như là một mức tăng lớn, nhưng nó hoàn toàn không có giá trị. Theo tờ báo, xét về bề ngoài, con số 10,7% cho chi tiêu quân đội vượt cả mục tiêu tăng trưởng GDP mà chính phủ Trung Quốc đặt ra trong năm nay, 7,5%. Nhưng mục tiêu GDP là con số thực, trong khi mức tăng cho quân sự thì không. Nhân tố trong lạm phát trong mức mà chính phủ Trung Quốc đề ra 3,5% và mức tăng cho quân sự phải song hành cùng với tăng trưởng GDP.
 
Tờ báo cũng cho rằng Trung Quốc chắc chắn không thể trấn an các nước láng giềng, bởi thứ nhất họ đã là nước chi tiêu cho quân sự lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ và quan trọng hơn ngân sách quốc phòng thực thụ của Bắc Kinh còn cao hơn rất nhiều nếu tính đến những chi tiêu quân sự khác được ngụy trang dưới những danh xưng khác.

 

Tờ báo đưa ra ba khoản để chứng minh ngân sách quân sự chính thức không phản ánh hết được con số chi tiêu thực sự cho các lực lượng vũ trang của Trung Quốc.

 

Thứ nhất chi phí cho vũ khí nhập khẩu, phần lớn là vũ khí công nghệ cao mua của Nga, không được thể hiện trong ngân sách quân sự. Thứ hai giới phân tích cho rằng vũ khí do Trung Quốc tự nghiên cứu và phát triển lại được hỗ trợ bằng một khoản ngân sách riêng khác nằm dưới chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

“Theo lẽ thường, phát triển vũ trụ và phát triển vũ khí không nằm trong chi tiêu quốc phòng ở Trung Quốc. Thậm chí nếu Trung Quốc có chi nhiều cho các chương trình không gian (liên quan đến quân sự) họ sẽ không công bố”, Toshiyuki Shikata, giáo sư tại Đại học Teikyo, Nhật Bản, đồng thời là một tướng về hưu nhận định.

 

Thứ ba cũng hoàn toàn không rõ chi phí quân sự, ví dụ cho các đơn vị địa phương, được các chính quyền các tỉnh tự chi từ nguồn ngân sách của họ là bao nhiêu.  

 

Năm ngoái, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London đã tìm hiểu con số chi tiêu cho ngân sách quốc phòng thực sự của Trung Quốc và kết luận con số thực phải cao hơn khoảng 40% con số được công bố.

 

Tuy nhiên, nếu đúng vậy, thì chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc cũng không quá lớn. Giả sử ước đoán của Viện tại London là đúng, thì tổng chi tiêu cho quân sự của Bắc Kinh trong năm nay vẫn chưa bằng 2% GDP, chỉ thay đổi chút ít so với 10 năm trước. Mặc dù con số này cao hơn gấp hai lần chi tiêu quân sự của Nhật, nhưng vẫn kém hơn rất nhiều so với Mỹ, hiện đã ở mức hơn 600 tỷ USD.
 
Đối với nhà bình luận báo South China Morning Post, còn có một yếu tố khác khiến cho chi phí quân sự của Trung Quốc được đánh giá là đáng ngại hơn rất nhiều so ngân sách quốc phòng được loan báo: Sức mua mà ngân sách này sản sinh ra. Nếu chỉ căn cứ vào các con số, thì sự so sánh trở nên hết sức khập khiễng, vì sức mua của một đô la ở Mỹ chẳng là bao so với mãi lực của một đồng đô la tại Trung Quốc, đặc biệt trong địa hạt vũ khí, khi việc buôn bán không hề được tự do, và giá cả có thể thay đổi tùy theo quốc gia đặt mua.Ví dụ với một tỷ đô la bỏ ra tại Trung Quốc, người ta có thể thu hoạch rất nhiều, trong khi cũng số tiền ấy chi ra tại Mỹ thì những gì mua được ít hơn nhiều.

Do vậy, khi so sánh các ngân sách quốc phòng phải tính đến sự khác biệt trong sức mua tại từng nước. Có điều là trên thế giới hiện nay, không có một chỉ số giá cả đáng tin cậy nào được áp dụng cho các chi phí quân sự.

Và nếu áp dụng khái niệm sức mua PPP (Purchasing Power Parity) được dùng trong kinh tế, và tỷ lệ hối đoái tính theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thì giá trị của ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2013 tăng lên gần 50%. Nếu tính thêm các yếu tố bị che giấu, thì giá trị thực sự của ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được ước tính cao hơn gấp đôi con số chính thức đã được công bố.

Với tình hình căng thẳng lên cao ở cả biển Hoa Đông lẫn Biển Đông, cũng dễ hiểu là việc Bắc Kinh gia tăng ngân sách quân sự luôn luôn làm cho các láng giềng lo ngại.

Trung Quốc cũng tập trung củng cố an ninh nội địa

 

Ngoài tăng chi tiêu cho Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ngân sách cho an ninh nội địa của Trung Quốc tăng với con số dù thấp hơn đôi chút, 8,7%, nhưng tổng số cuối cùng lại là 769,1 tỷ Tệ, cao hơn tổng ngân sách được công bố cho quân đội.

 

Con số trên cho thấy quan tâm của Trung Quốc không chỉ tập trung ở tranh chấp lãnh thổ với Nhật, Đông Nam Á và “trục xoay” của Mỹ tới khu vực, mà còn ở những bất ổn bên trong nước này, như tham nhũng, ô nhiễm, lạm dùng quyền lực, mặc dù kinh tế vẫn tăng trưởng và thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện.

 

Theo nhiều nghiên cứu được chính phủ Trung Quốc ủng hộ, số các vụ bạo động của dân chúng tăng từ 8.700 năm 1993 lên khoảng 90.000 vào năm 2010. Một số ước tính con số này còn cao hơn, và chính phủ không công bố con số chính thức trong những năm gần đây.

 

“Điều này cho thấy Trung Quốc quan tâm tới những nguy cơ bất ổn tiềm tàng xuất phát từ bên trong đất nước này hơn là bên ngoài đất nước. Nó cũng cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc đã kém tự tin hơn”, Nicholas Bequelin, nhà nghiên cứu tại Human Rights Watch cho biết. “Một chính phủ tự tin không cần phải có ngân sách cho an ninh nội địa vượt chi tiêu quốc phòng”, ông cho hay.

 

Chính vì vậy trong bài phát biểu trước cả nước trong phiên khai mạc quốc hội vào tuần này, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã liệt kê duy trì xã hội hài hòa và ổn định là một trong những ưu tiên của chính phủ trong năm nay.

 

Mỹ lại lo ngại về hành động quyết đoán của Bắc Kinh

 

Ngay sau khi Bắc Kinh loan báo tăng ngân sách quốc phòng, Hoa Kỳ liên tiếp lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

 

Khi được hỏi về việc ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng hơn 10%, phát ngôn viên Nhà Trắng Mỹ Jay Carney vào ngày 6/3, đã tái khẳng định tư thế cường quốc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và có lợi ích đáng kể trong khu vực.

 

Tuyên bố của phát ngôn viên Nhà Trắng được đưa ra vài giờ sau khi Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố lo ngại trước việc Trung Quốc tăng cường tiềm năng quân sự và liên tiếp có những hành động quyết đoán tại vùng Biển Đông và biển Hoa Đông.

 

Theo Đô đốc Samuel J Locklear, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương, thì “nỗ lực của Trung Quốc tập trung chế tạo, thử nghiệm, và đưa vào hoạt động các loại máy bay, chiến hạm, vũ khí và hệ thống hỗ trợ mới đang làm gia tăng tâm lý quan ngại trong vùng. Nhiều nước châu Á lo ngại trước ý đồ của của Trung Quốc hiện nay và trong tương lai. Nhiều quốc gia đang tự hỏi là phải chăng ý đồ của Trung Quốc sẽ thay đổi với đà tăng cường của tiềm lực quân sự của họ”.

 

Đô đốc Locklear nêu rõ một loạt hành động của Bắc Kinh tại các vùng biển bao quanh Trung Quốc . “Tàu Hải quân và các cơ quan thi hành luật biển Trung Quốc đã không ngừng hoạt động trong những năm gần đây nhằm cố gắng áp đặt các đòi hỏi chủ quyền biển đảo của Trung Quốc ở vùng Biển Đông và Hoa Đông”.

 

Đô đốc Locklear còn tố cáo Trung Quốc “sử dụng các công cụ kinh tế và ngoại giao” nhằm gây sức ép buộc các nước phải chấp nhận yêu sách của Trung Quốc.

 

Mối quan ngại cụ thể của Tư lệnh Thái Bình Dương là nguy cơ tính toán sai lầm là nổ ra xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại Senkaku/Điếu Ngư. Bên cạnh đó, tại vùng Biển Đông, các vụ đối đầu định kỳ giữa tàu Trung Quốc với tàu các nước và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây sức ép lên các công ty quốc tế để không thăm dò dầu khí cũng làm tăng thêm căng thẳng.

Vũ Quý

Tổng hợp

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm