1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đằng sau cọ xát Mỹ - Trung về Viện Khổng tử

Có lẽ sự "cọ xát" giữa hai cường quốc Mỹ-Trung đã đụng chạm đến điều thuộc về bản chất: văn hóa. Trong một động thái có liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa yêu cầu hàng chục giảng viên thuộc Viện Khổng tử Trung Quốc tại Mỹ phải về nước không muộn hơn ngày 30/6 năm nay.

 
Chưa được "thẩm định chất lượng"

Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuyển đề nghị này đến các trường đại học Mỹ nơi có Viện Khổng tử hoạt động. Theo tường thuật của tờ China Daily, phía Mỹ cho rằng những giảng viên Trung Quốc đến Mỹ dưới dạng thị thực trao đổi học thuật (J-1) để dạy cho học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở đã vi phạm quy định của luật di trú Mỹ. Nếu các giáo viên này muốn tiếp tục dạy học tại Mỹ họ phải về nước và nộp đơn xin một loại thị thực khác.

Theo đề nghị có phần bất ngờ này, 51 trong số khoảng 600 giảng viên Trung Quốc đang làm việc cho nhiều Viện Khổng tử tại Mỹ phải về nước trong tháng 6. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết hai bên Mỹ-Trung đang trao đổi và tham vấn với nhau về vấn đề này. Hội sở của Viện Khổng tử tại Trung Quốc cho rằng những giáo viên này đều được lựa chọn kỹ lưỡng bởi cả hai bên và họ đều đã trải qua quá trình đào tạo "đặc biệt".

Một đại diện của Hội sở Viện bày tỏ cảm giác bị sốc bởi quy định mới của phía Mỹ. Người này cho rằng những giảng viên Trung Quốc đã đến Mỹ với "tình cảm hữu nghị" nhưng giờ đây họ đang cảm thấy "không được hoan nghênh", và điều này chắc chắn sẽ gây tổn hại đến tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và nhân dân Mỹ.

Điều thực sự "khó hiểu", theo nhiều người Trung Quốc, là chính Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý cấp những thị thực này nhưng rồi đột ngột thay đổi chính sách. Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng cần có sự "thẩm định" trước đối với chất lượng của các Viện Khồng tử và giáo viên Trung Quốc và do vậy cần phải có điều chỉnh.

"Xung đột văn minh" hay "lợi ích"?

Có lẽ nhận định của Samuel Huntington trên một phương diện nào đó đã ám ảnh các nhà hoạch định chính sách đối ngoại trên thế giới. Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia đại diện cho các nền văn hóa tiêu biểu của phương Tây và phương Đông, giữa Thiên Chúa-Do Thái giáo với Khổng giáo. Giờ đây hai quốc gia này còn là nền kinh tế số 1 và số 2 trên thế giới với sức mạnh tổng hợp khổng lồ. Mối quan hệ giữa họ vẫn thường xuyên tiềm ẩn những xung đột lớn song hành với những nỗ lực hợp tác.

Khoảng 5 năm lại đây, Trung Quốc thúc đẩy phổ biến văn hóa và ngôn ngữ Hán một cách mạnh mẽ ra toàn thế giới. Thông qua hàng trăm Viện Khổng tử toàn cầu, trong đó có 81 Viện tại Mỹ, Trung Quốc muốn sự hiện diện về văn hóa và ngôn ngữ cần phải tương xứng với sức mạnh chính trị và kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Nhà nghiên cứu Joshua Kurlanzick gọi hiện tượng này là sự "tấn công duyên dáng" của sức mạnh mềm Trung Quốc.

Đằng sau cọ xát Mỹ - Trung về Viện Khổng tử - 1

Tuy nhiên một số nước đã xem xét ý tưởng của Trung Quốc với sự thận trọng nhất định, trong đó có Mỹ. Một số bày tỏ sự lo ngại về ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc và điều này có thể đã chi phối nhiều quyết định tại các thủ đô. Thành thật mà nói, văn hóa và ngôn ngữ của Trung Quốc có sức hấp dẫn lớn đối với một bộ phận không nhỏ cư dân toàn cầu. Người ta không ngạc nhiên khi thấy học sinh tiểu học ở Mỹ đang học tiếng Hán ngày càng nhiều.

Có lẽ mhằm giảm thiểu sự lo ngại này, tờ China Daily đã đưa ra những con số để chứng minh hành động của Mỹ là "tự thua": số sinh viên Trung Quốc sang Mỹ du học gấp 10 lần số sinh viên Mỹ sang Trung Quốc và số lượng sinh viên Trung Quốc học tiếng Anh là gấp 600 lần số sinh viên Mỹ học tiếng Hán. Tuy nhiên trong cùng một số báo của tờ China Daily, con số lại không được thống nhất, giữa một bài cho rằng có 81 Viện Khổng tử ở Mỹ và một bài cho rằng chỉ có 64 Viện.

Theo nhiều nhà quan sát, sự lớn mạnh của Trung Quốc và đi xuống tương đối của Mỹ sẽ còn dẫn tới nhiều chính sách có tính chất "va chạm" tương tự. Xét cho cùng, lập luận xung đột văn hóa của Huntington cũng khó tránh khỏi sự tham chiếu tới sự xung đột lợi ích giữa hai cường quốc. Trên thực tế Mỹ chưa từng bày tỏ sự lo ngại về ảnh hưởng văn hóa của các quốc gia nhỏ và yếu hơn tại Mỹ và trước khi bùng nổ về kinh tế, Trung Quốc có lẽ cũng chưa thể đưa ra được một đề án Viện Khồng tử quy mô đến thế. Dĩ nhiên, ngày nay sự phụ thuộc giữa hai bên đã lớn đến mức sự va chạm này khó có thể phá vỡ cục diện vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa hai nước.
 
Theo Thạch Linh
Tuanvietnam