1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dân Mỹ giữa hai con đường

Buổi tranh luận thứ 3 (22/10) khép lại cũng là lúc cuộc đua vào Nhà Trắng đã dần đi đến hồi kết. Sau tất cả những gì hai ứng cử viên đã thể hiện, giờ đây là lúc nước Mỹ đưa ra lựa chọn cho tương lai của chính mình.

Obama hay Mitt Romney?

 

Những lá phiếu của các cử tri ngày 6/11 tới không không đơn giản chọn ra người ngồi vào chiếc ghế Tổng thống, mà còn quyết định "bộ mặt nước Mỹ" trong ít nhất 4 năm tới.

 

Với Barack Obama, chắc chắn 4 năm nhiệm kỳ mới sẽ là một sự nối dài từ những gì ông đã làm trong nhiệm kỳ cũ, điển hình là quan điểm sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết những bất ổn khu vực Trung Đông. Thời gian qua, các biện pháp ngoại giao này thường bị phía Đảng Cộng hòa phê phán là "mềm yếu" và "không hiệu quả". Thế nhưng những diến biến gần đây đang mở ra những ưu thế mới cho Đương kim Tổng thống. Đòn cấm vận kinh tế của chính quyền Obama vào Iran đã bắt đầu có hiệu lực, cùng với khả năng Teheran nối lại đàm phán hạt nhân với P5+1 (5 nước Hội đồng bảo an và Đức) vào tháng 11 tới. Bên cạnh đó, để đập tan cáo buộc "lơ là đồng minh" Israel trước nguy cơ tấn công hạt nhân từ Iran, Obama khẳng định sẽ luôn "sát cánh" cùng "người đồng minh quan trọng nhất khu vực". Cuộc tập trận chung phòng thủ tên lửa Mỹ - Israel ngày 21/10 vừa qua đã chứng minh thông điệp trên.

 

Đối với "cuộc chiến dài hơi" tại Afghanistan và Pakistan, Obama thể hiện quyết tâm rút quân đúng thời hạn đã định để "kết thúc cuộc chiến một cách có trách nhiệm", giảm tổn thất và tiêu hao cho Mỹ. Nếu tiếp tục lãnh đạo đất nước trong thời gian tới, hướng đi mà ông Obama vạch ra cho Mỹ là cân bằng quốc phòng ở khả năng phòng thủ và tăng cường quan hệ với các đối tác, đồng minh, liên minh quân sự để để đạt được những mục tiêu của mình.

 

Tất nhiên, những lập luận mà ứng viên Đảng Cộng hòa đưa ra khá đối lập và có phần thận trọng hơn so với những gì ông tuyên bố trong cuộc vận động. Liên minh Romney - Ryan mong muốn khôi phục một nước Mỹ cứng rắn đối với các vấn đề quốc tế, giữ vững vai trò lãnh đạo số một của mình. Do đó, vị thế Mỹ chắc chắn phải được thiết lập dựa trên ưu thế vượt trội về quân sự. Đây chính là lý do ông Romney phản đối kịch liệt việc cắt giảm quốc phòng của Đảng Dân chủ. Sức mạnh quân sự cũng được ông Romney chọn làm giải pháp cho hầu hết các vấn đề tranh luận: ủng hộ quan điểm "ranh giới đỏ" của Israel và dự định gia tăng trừng phạt để răn đe Iran; phản đối việc rút quân khỏi Iraq vào năm 2014 và chủ trương trang bị vũ khí hạng nặng cho quân nổi dậy để giải quyết vấn đề Syria.

 

Dân Mỹ giữa hai con đường


Một vấn đề cũng được quan tâm trong buổi tranh luận vừa qua chính là "sự trỗi dậy của Trung Quốc". Với các ứng cử viên, Trung Quốc đều được xem như một đối thủ - nhất là trong lĩnh vực thương mại. Nhưng cả hai đều hiểu rằng mạnh tay đối đầu với "con rồng châu Á" chắc chắn không phải một hành động khôn ngoan. Và mặc dù trong chính sách của mình, ông Romney đã hứa sẽ có những biện pháp cứng rắn buộc Trung Quốc phải chơi "đúng luật", thế nhưng trong lần tranh luận với Obama, vị cựu Thống đốc này lại mạnh mẽ đề cập đến việc "trở thành đối tác" với Trung Quốc, đặc biệt là trong các vấn đề kinh tế.

 

Điều dễ nhận thấy là những chính sách Đảng Cộng hòa đưa ra đang tạo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc. Theo nhà báo Shen Dingli bình luận trên tờ Foreign Policy, việc Đảng Cộng hòa chủ trương ủng hộ tự do thương mại, tự do kinh doanh, và ít các quy định hơn trong hợp tác kinh doanh so với Đảng Dân chủ đã là một điểm sáng cho mối quan hệ hợp tác lâu dài mà Trung Quốc luôn mong muốn. Không khẳng định quyết liệt như đối thủ của mình, ông Obama đã khéo léo tuyên bố: "Mỹ vẫn tôn trọng Trung Quốc với tư cách một đối tác, nhưng đồng thời sẽ gửi đi một tín hiệu nhắc nhở rằng Mỹ vẫn là một quyền lực tại Thái Bình Dương".

 

Bên cạnh đó, bất kỳ một sự thay đổi nào trên "chiếc ghế quyền lực" Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới quan hệ với các nước lớn. Thế giới liệu chăng sẽ cần một nước Mỹ với hình ảnh thiện chí - hợp tác của Obama, nhưng lại xa rời các đồng minh Trung Đông; hay một chính quyền Romney cứng rắn, tăng cường đảm bảo quyền lực và an ninh bằng quân sự trên chính trường quốc tế? Ngày 06/11 sắp đến, người Mỹ sẽ lựa chọn cho riêng mình một viễn cảnh chính trị quốc tế như thế nào?

 

Nước Mỹ đang hướng về ai?

 

Sau ba vòng tranh luận "rượt đuổi tỉ số" gay cấn, mỗi ứng cử viên cũng đã thuyết phục được một số lượng cử tri ủng hộ nhất định. Ở vòng thứ nhất, thái độ quá thận trọng đến mức không hề "phản pháo" của đương kim Tổng thống đã khiến người dân Mỹ thất vọng. Suy thoái kinh tế, nạn thất nghiệp cùng chính sách chăm sóc y tế là những vấn đề người Mỹ quan tâm nhất hiện nay và cũng là "gót chân Achilles" của Obama.

 

Ngược lại, sau những điểm trừ vì xem phần đông dân Mỹ là thành phần "ăn bám" chính phủ cũng như chưa có kinh nghiệm trên trường chính trị, nhưng sau vòng đấu đầu tiên, cựu Thống đốc bang Massachusetts đã ghi điểm không ít trong lòng người dân và bắt đầu thành công trong việc gieo vào tâm hồn họ những hạt giống cho một nước Mỹ có việc làm và kinh tế phát triển hơn. Theo khảo sát của CNN, con số ủng hộ Mitt Romney trong lần thứ nhất đã tăng vọt từ 30% lên đến 63%. Đáp án trên không khó giải thích vì quản lý kinh tế là thế mạnh của ông Romney - điều mà ông xem là "xương sống chiến lược" cho cuộc chạy đua vào nhà Trắng lần này.

 

Tuy nhiên tại trận đấu thứ 2 ở New York, người Mỹ đã được chứng kiến màn trình diễn đầy sức thuyết phục của Tổng thống Obama. Những câu hỏi liên tiếp dồn đối thủ vào tình thế khó xử đã giúp ông Obama lật ngược thế cờ chính trị cam go. Theo thăm dò của đài CNN tuy tỉ số ủng hộ 2 ứng viên lần này có phần "sát nút" nhưng vẫn mang lại chiến thắng cho ông Obama trước đối thủ Romney là 48% - 47%.

 

Và vừa rồi, tại trường Đại học Lynn tiểu bang Florida - cuộc tranh luận được xem như là cơ hội cuối cùng đến chiếc ghế Tổng thống Mỹ đã khép lại, với đa số sự ủng hộ của người dân dành cho ứng cử viên Đảng Dân chủ. Theo những cuộc thăm dò mới nhất, thần may mắn dường như đã mỉm cười với ông Obama khi 48% người dân cho rằng ông đã trình bày tốt hơn so với Romney ở mức bình chọn là 40%. Tại 24 bang bỏ phiếu sớm, ông Obama đang giành được ưu thế với 237 phiếu đại cử tri ủng hộ so với 191 phiếu thuộc về đối thủ Romney.

 

Tuy nhiên, cơ hội vẫn đang chia đều cho hai ứng cử viên. Trên thực tế, điều mà người Mỹ quan tâm nhất vẫn là kinh tế - xã hội. Trong cơ hội cuối cùng này, đại diện Đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng cố gắng thể hiện mối liên kết giữa chính sách đối ngoại của họ với các vấn đề kinh tế - xã hội. Ông Obama giải thích kế hoạch cắt giảm quân sự của mình sẽ chuyển hướng đầu tư công cho những mục tiêu thiết thực hơn: y tế, an sinh xã hội hay năng lượng mới,... trong khi ông Romney mong muốn phát triển kinh tế để tạo nền tảng cho sức mạnh Mỹ.

 

Nhìn chung, cả hai ứng cử viên đều đã thể hiện được những điểm mạnh riêng trong suốt chiến dịch tranh cử vừa qua. Chỉ còn lại hai tuần để người dân Mỹ đặt niềm tin cuối cùng vào những lá phiếu. Và dù chọn đi trên con đường nào, đó chính là quyết định từ trái tim những người dân Mỹ.

 

Theo Hoài Thương - Thủy Tâm

Tuần Việt Nam