1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đàm phán Astana: Nga-Syria nhân nhượng đối lập để đánh khủng bố?

Đại diện phe đối lập đã buộc phải thừa nhận là Nga đang "biến chiến thắng quân sự ở Syria thành kết quả chính trị trên bàn đàm phán”, nhưng...

Phe đối lập thừa nhận ưu thế trên chiến trường của Nga-Syria

Ngày 24/1, ông Abdulrahman Mustafa, đại diện chính trị của sư đoàn Sultan Murad nằm trong thành phần Quân đội Syria Tự do (FSA) tuyên bố rằng, Nga đang cố gắng khuyếch trương thành công quân sự của mình để đạt mục tiêu chính trị tại Syria

Phát biểu trong buổi phỏng vấn của Sputnik, ông Abdulrahman Mustafa nhấn mạnh, Nga hiện nay đang cố gắng để chuyển đổi chiến thắng quân sự trước phe đối lập Syria thành thành công trên bình diện chính trị và cấp xung lực cho tiến trình hòa bình.

Trong tương quan này, yếu tố quan trọng đặc biệt là thực tế Nga đã chính thức mời các đại diện phe đối lập Syria ngồi vào bàn đàm phán và thể hiện mình trong vai trò nước bảo lãnh, trung gian trong quá trình thương lượng. Do đó, sáng kiến ​​của Nga có ý nghĩa rất to lớn.

Vị đại diện chính trị của lực lượng vũ trang đối lập lớn nhất Syria cũng phải thừa nhận rằng, hiện Nga là thế lực quan trọng ở Syria, mặc dù chỉ “can thiệp quân sự từ trên không” nhưng lại có ảnh hưởng lớn "trên mặt đất".

Ngoài ra, những hoạt động ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ trong sơ tán dân ở Aleppo, thỏa thuận về lệnh ngừng bắn và đứng ra làm trung gian tại Astana để chấm dứt đổ máu ở Syria đều đáng khen ngợi và lực lượng đối lập hoan nghênh những bước đi này.

Ông này cũng nhấn mạnh rằng, lực lượng vũ trang Quân đội Syria Tự do cũng đóng góp nỗ lực lớn để ngăn chặn đổ máu ở trên đất nước này. FSA là lực lượng vũ trang được Mỹ hậu thuẫn và cung cấp vũ khí, có quân số đông nhất trong phe đối lập ôn hòa (khoảng 30.000 quân).

Phe đối lập thừa nhận Nga và Quân đội Syria đang có lợi thế trên bàn đàm phán
Phe đối lập thừa nhận Nga và Quân đội Syria đang có lợi thế trên bàn đàm phán

Cuộc đàm phán ở Astana diễn ra trong bối cảnh Quân đội Syria (SAA) dưới sự yểm trợ của không quân Nga vừa giành được những chiến thắng hết sức ấn tượng trước các nhóm vũ trang đối lập, mà tiêu biểu là việc giải phóng thành phố Aleppo hồi tháng 12/2016.

Tuy nhiên, có 2 sự vắng mặt rất đáng tiếc trong cuộc hội đàm lần này là lực lượng vũ trang của người Kurd (nòng cốt là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd - YPG) và nhóm đối lập Ahrar al-Sam. Đây là 2 lực lượng vũ trang mạnh nhất nhì Syria hiện nay với tổng quân số lên tới gần 45.000 quân.

Lực lượng vũ trang của người Kurd hiện có khoảng 27.000 quân, là nòng cốt của Lực lượng Dân chủ Syria Kurd (SDF- Syrian Democratic Forces), là lực lượng chính trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, địa bàn đóng quân chủ yếu là ở al-Hasakah, al-Raqqa và Aleppo.

Vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã mời đại diện của KNC (Kurdish National Council - KNC, tức Hội đồng Quốc gia người Kurd, một bộ phận của SNC - Syrian opposition’s National Coalition, tức Liên minh đối lập quốc gia Syria) tham gia hội đàm ở Astana.

Tuy nhiên, đây chỉ là một đảng phái chính trị thuần túy, không có thực lực quân sự như YPG và cũng không có nhiều ảnh hưởng tới cộng đồng người Kurd ở Syria.

Còn Ahrar al-Sham, tên đầy đủ là Harakat Ahrar al-Sham al-Islamiyya có khoảng 80 nhóm chiến đấu, với tổng quân số vào khoảng 16.000 người. Lực lượng này đang hiện diện chủ yếu tại các tỉnh Aleppo, Damascus, Daraa, Idlib, Latakia, Hama và Homs.

Ahrar al-Sham được coi là một đồng minh của lực lượng khủng bố al-Nusra (đổi tên thành Fatah al-Sham hồi tháng 7/2016).

Nga cáo buộc có dấu hiệu “đánh tráo phe đối lập”

Cuộc hội đàm ở Astana là lần đầu tiên đại diện của chính quyền Damascus và “phe đối lập ôn hòa có vũ trang” chịu ngồi vào bàn đàm phán với nhau. Ở cuộc đàm phán hồi tháng 9/2016 ở Geneva, đại diện chính quyền và phe đối lập Syria đã “không thèm nhìn mặt nhau” và truyền đạt ý kiến thông qua đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria.

Đại diện của phe đối lập Syria tuyên bố rằng họ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với chính quyền Syria không qua trung gian, để đạt tới sự tin cậy lẫn nhau trong quá trình thương lượng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24/1 đã thông báo về những âm mưu “đánh tráo đối lập”, bằng cách dùng đại diện đối lập chính trị thuộc cộng đồng di cư (hoặc lưu vong) thế vào chỗ đoàn đại diện đối lập vũ trang Syria tại cuộc đàm phán ở Astana.

"Chúng tôi không nỗ lực xua đuổi phe đối lập chính trị khỏi quá trình, nhưng chúng tôi xuất phát từ thực tế Astana là để thỏa thuận về sự tham gia đầy đủ quyền lợi của các nhóm vũ trang vào quá trình này. Hiện nay đó là điều quan trọng nhất" - Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.

Ông nói thêm rằng, tại các vòng gặp gỡ tiếp theo về giải quyết khủng hoảng Syria, kể cả ở Geneva, sẽ là các cuộc đàm phán giữa chính phủ với tất cả các nhóm đối lập không trừ một ai, trong đó có các nhóm dưới sự hậu thuẫn của Riyadh, Moskva và Cairo.

Tuy nhiên, hiện nay cũng đã có khá nhiều nhóm đối lập vũ trang lớn ở Syria tham gia cùng các nhà đối lập chính trị. Điều này khiến cuộc đàm phán đi vào thực chất và đúng trọng tâm, làm cho cuộc nói chuyện giữa tất cả người Syria trở nên cụ thể hơn và có triển vọng hơn - ông Lavrov tuyên bố.

Cuộc đàm phán ở Astana tập trung xây dựng lệnh ngừng bắn bền vững
Cuộc đàm phán ở Astana tập trung xây dựng lệnh ngừng bắn bền vững

Theo một nguồn tin gần gũi với cuộc đàm phán cho biết, mục tiêu chính của cuộc đàm phán liên Syria tại Astana là sẽ không đưa ra những sáng kiến mới mà chỉ tập trung củng cố thỏa thuận ngừng bắn đạt được ngày 29/12/2016 về ngừng bắn ở Syria.

Bình luận về việc này, giới phân tích cho biết, sở dĩ Nga tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề ngừng bắn là do mặc dù Quân đội Syria đang có những lợi thế nhất định trên chiến trường nhưng điều này là không bền vững, thậm chí là sau chiến thắng Aleppo, SAA đang có dấu hiệu “kiệt sức”.

Trong vài tháng qua, do Nga và Syria tập trung tiêu diệt phe đối lập ôn hòa nên đã để tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đánh chiếm lại thành phố cổ Palmyra ở tỉnh miền trung là Homs và đang vây khốn Quân đội Syria ở thành phố Deir Ezzor, thuộc tỉnh cùng tên.

Các chuyên gia nhận định, nếu Nga và Syria không đạt được thỏa thuận ngừng bắn vững chắc ở Astana, để tách rời và cô lập khủng bố (IS và al-Nusra) với đối lập, thì Quân đội Syria sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải chống lại cả khủng bố lẫn các nhóm vũ trang đối lập ôn hòa.

Do đó, Moscow và Damascus sẽ có những nhượng bộ nhất định để nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Astana, khiến phe đối lập ôn hòa “án binh bất động”, để Quân đội Syria dồn lực đánh khủng bố IS, tái chiếm Palmyra và giải vây cho Deir Ezzor.

Nếu không đạt được thỏa thuận hòa bình thì quân đội Syria sẽ tiếp tục phải căng mình đánh cả khủng bố lần phiến quân đối lập, dẫn đến những thành quả ở Aleppo cũng có thể mất đi, mà không thể tái chiếm được Palmyra từ tay IS, thậm chí là mất nốt Deir Ezzor.

Theo Thiên Nam

Đất Việt