1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại sứ Nga tiết lộ nguồn gốc chất độc nghi mưu sát cựu điệp viên ở Anh

(Dân trí) - Đại sứ Nga tại Hà Lan Alexander Shulgin đã tiết lộ nguồn gốc chất độc thần kinh nghi được sử dụng để đầu độc cựu điệp viên hai mang Nga tại Anh hôm 4/3.

Ông Sergei Skripal mua đồ tại một cửa hàng ở Salisbury vài ngày trước khi bị tấn công (Ảnh: AFP)
Ông Sergei Skripal mua đồ tại một cửa hàng ở Salisbury vài ngày trước khi bị tấn công (Ảnh: AFP)

Alexander Shulgin, Đại sứ Nga tại Hà Lan đồng thời là đặc phái viên của Nga tại Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), cho biết Novichok, loại chất độc thần kinh mà giới chức Anh kết luận là được sử dụng trong vụ tấn công cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia ở thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3, có thể được chế tạo bên ngoài lãnh thổ Nga từ thập niên 1990.

“Theo những gì chúng tôi biết, Novichok có thể bắt nguồn từ chính những quốc gia đang tiến hành cuộc nghiên cứu quy mô lớn về loại chất độc này từ cuối thập niên 1990 cho tới tận bây giờ, chẳng hạn Anh, Slovakia, Cộng hòa Séc hay Thụy Điển”, TASS ngày 16/3 dẫn lời Đại sứ Shulgin cho biết.

“Liên bang Nga chưa tiến hành bất kỳ cuộc nghiên cứu hay dự án phát triển nào với chất độc có biệt danh Novichok. Từ đầu thập niên 1970, rất nhiều quốc gia đã theo đuổi các chương trình nhằm tạo ra những chất hóa học thần kinh mới. Một trong số đó là VX và chất này được phát triển ở cả Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, sau sắc lệnh của Tổng thống Boris Yeltsin vào năm 1992, các dự án nghiên cứu và phát triển của Liên Xô liên quan tới các chất độc thần kinh đã bị dừng lại. Tới năm 2017, Nga đã hoàn tất xóa bỏ toàn bộ kho vũ khí hóa học và điều này đã được OPCW xác nhận”, ông Shulgin nói thêm.

Theo Đại sứ Nga tại Hà Lan, “từ giữa thập niên 1990, các đặc vụ phương Tây đã tìm cách đưa nhiều chuyên gia của Nga, như V. Mirzayanov, S. Dubov và G. Kazhdan - những người từng làm việc tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Nga về Công nghệ và Hóa học hữu cơ, cùng các tài liệu liên quan tới các nước phương Tây. Cuộc nghiên cứu về chất độc hóa học sau đó được tiếp diễn ở Anh, Cộng hòa Séc, Thụy Điển và Mỹ”.

“Những kết quả mà các quốc gia trên đạt được trong quá trình tạo ra các chất độc thần kinh mới đã được nhân rộng ở phương Tây dưới cái tên Novichok. Các nước NATO từng xác nhận sự tồn tại của loại chất độc này thông qua hơn 200 nguồn tin mở”, Đại sứ Shulgin tiết lộ.

Mong muốn hợp tác

Các nhà điều tra Anh phong tỏa khu vực cha con ông Skripal bị phát hiện bất tỉnh. (Ảnh: Reuters)
Các nhà điều tra Anh phong tỏa khu vực cha con ông Skripal bị phát hiện bất tỉnh. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu trước Quốc hội ngày 12/3, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết “rất có khả năng” Nga đứng sau vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh. Nhà lãnh đạo Anh cũng xác định chất hóa học được sử dụng trong vụ cựu điệp viên Skripal là một trong nhóm chất độc thần kinh có tên Novichok. Bà May sau đó tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, đóng băng các tài sản công của Nga ở Anh và đình chỉ các hoạt động tiếp xúc phương với Nga.

Ngoài Anh, Đức, Pháp và Mỹ cũng cáo buộc Nga có liên quan tới vụ mưu sát cựu điệp viên Skripal. Trong khi đó, Moscow liên tục phủ nhận mọi cáo buộc và yêu cầu Anh cung cấp bằng chứng cho phía Nga. Đại sứ Shulgin khẳng định Nga cũng rất quan tâm tới việc tìm ra sự thật phía sau vụ tấn công này và muốn hợp tác với Anh, song London không tỏ ra thiện chí trong việc này.

“Mối quan tâm của chúng tôi trong việc tìm ra sự thật của vụ thảm kịch ở Salisbury không ít hơn, thậm chí còn nhiều hơn người Anh… Chúng tôi đã nói với họ rằng chúng tôi sẵn sàng hợp tác, nhưng phải dựa trên nền tảng thực tế, các thông tin trong cuộc điều tra mà họ đang tiến hành, cũng như tiếp cận với chất hóa học mà họ nói là được sử dụng ở Salisbury. Nếu họ không đưa ra chứng cứ, phía Nga sẽ mặc nhiên kết luận rằng Anh không có chứng cứ để công bố. Chúng tôi cũng cảnh báo Anh rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những lời nói dối của họ”, ông Shulgin cho biết.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông rất hy vọng cựu đại tá tình báo Skripal và con gái sẽ sớm hồi phục và tỉnh táo để có thể kể lại toàn bộ câu chuyện. Mặc dù cha con ông Skripal hiện đã qua cơn nguy kịch song sức khỏe của họ được cho là vẫn chưa ổn định trở lại.

Liên quan tới vụ cựu điệp viên nghi bị đầu độc, Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko cho biết Đại sứ quán Nga tại thủ đô London đã nhận được những lời đe dọa nhằm vào các nhà ngoại giao của nước này. Theo ông Yakovenko, có những người muốn “trừng phạt” các nhà ngoại giao Nga tại Anh.

“Chúng tôi làm việc với cảnh sát trong mỗi tình huống cụ thể và cố gắng hợp tác nhiều nhất với họ”, ông Yakovenko cho biết.

Theo Đại sứ Nga tại Anh, những lời đe dọa không xuất hiện thường xuyên, song Đại sứ quán vẫn coi đây là vấn đề nghiêm trọng. Ông Yakovenko nói rằng phía Moscow hài lòng với cách cảnh sát Anh phối hợp với Đại sứ quán Nga trong việc điều tra các mối đe dọa.

“Có rất nhiều người mang tâm lý không bình thường và có cả những người từng có tiền án tiền sự. Mọi chuyện đều có thể xảy ra từ phía họ”, Đại sứ Nga cảnh báo.

Cựu đại tá tình báo quân sự Nga Sergei Skripal (66 tuổi) và con gái Yulia (33 tuổi) bị phát hiện bất tỉnh trên đường phố ở thành phố Salisbury hôm 4/3. Skripal từng là phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Skripal sau đó được phóng thích và được phép tị nạn ở Anh sau cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ vào năm 2010.

Thành Đạt

Tổng hợp