1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại sứ Mỹ tại Libya - Nạn nhân chính sách Trung Đông của Mỹ?

(Dân trí) - Việc Đại sứ Mỹ Stevens cùng 3 nhân viên lãnh sự Mỹ tại Libya vừa bị sát hại không chỉ phơi bày sự thật đằng sau sự tuyên truyền của phương Tây về những tiến bộ tại Libya, mà còn là đòn cảnh báo trước sự can thiệp của Mỹ tại "chảo lửa" Trung Đông.

Đại sứ Mỹ tại Libya - Nạn nhân chính sách Trung Đông của Mỹ
Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens (trên cùng bên trái) thiệt mạng hôm 11/9 trong làn sóng tấn công giận dữ của những người Hồi giáo.

Cuộc tấn công đêm 11/9 nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi, trung tâm của cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi và cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Libya, đã khiến Đại sứ Christopher Stevens và các trợ lý của ông chết vì ngạt khói giữa vòng vây tấn công của những người Hồi giáo.

Cùng thời điểm xảy ra vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, Đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập cũng bị tấn công.

Vụ tấn công, theo truyền thông phương Tây, bắt nguồn từ một bộ phim có nội dung báng bổ đấng tiên tri Mohammad của người Hồi giáo, do một thành viên cộng đồng Thiên chúa giáo Ai Cập sống lưu vong tại Mỹ sản xuất và và được tung lên mạng xã hội Youtube từ nhiều tuần trước.

Tất nhiên, lý do phản đối bộ phim là có thật. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một sự thật khác không được người Hồi giáo nhắc tới, nhưng lại được phương Tây lưu ý rất nhiều: đó là cuộc tấn công được tiến hành đúng vào thời điểm tưởng niệm 11 năm ngày xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng 11/9 tại Mỹ.

Lý do mà phương Tây đưa ra là cuộc tấn công này không phải được thực hiện một cách bộc phát, đơn lẻ, mà đã được lên kế hoạch rất kỹ từ trước đó. Theo lý giải của phương Tây, chẳng qua bộ phim chỉ là cái cớ cho việc châm ngòi bạo lực nhằm duy trì chiến lược chia rẽ nền văn minh phương Tây với thế giới đầy bí ẩn của những tín đồ Hồi giáo.

Xét đi, song cũng phải tính lại. Sở dĩ quan hệ đầy phức tạp và uẩn khúc giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo luôn trong tình trạng căng thẳng và nghi kỵ lẫn nhau có nguyên nhân rất lớn bắt nguồn từ chiến lược "Đại Trung Đông" của Mỹ.

Tiếng là thúc đẩy dân chủ cho khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhưng kỳ thực các chính sách của Mỹ tại khu vực này mang lại nhiều bất ổn và bạo lực hơn là hòa bình, thịnh vượng. Bản thân giới truyền thông phương Tây cũng đã đánh giá cuộc chiến đang diễn ra tại Syria, tâm điểm khủng hoảng ở Trung Đông hiện nay,  không phải vì dân chủ, mà chỉ đơn thuần là một chiến dịch phe phái nhằm "thanh trừng" các cộng đồng thiểu số người Hồi giáo dòng Shi'ite đang bị phương Tây gán tội đàn áp những người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số.

Để biện hộ cho các chiến dịch quân sự bí mật chống lại chế độ của Tổng thống Syria  Bashar al-Assad, "Sáng kiến Chính sách Đối ngoại" - một tổ chức nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại Mỹ - mới đây đã viết: "Các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ đang gắn chặt với số phận của nhân dân Syria và cả khu vực. Quả thực, cuộc xung đột ngày càng leo thang tại Syria đang ảnh hưởng trực tiếp tới các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordani, Iraq, Israel và có thể mở ra những cơ hội mà các nhóm khủng bố như al-Qaeda có thể khai thác".

Những cơ hội đó không ở đâu xa lạ. Al-Qaeda đã lợi dụng chính những phần tử khủng bố được Mỹ và phương Tây cố công dựng lên ở Libya cách đây gần một năm để tấn công ngược trở lại các nhân viên và lợi ích của Mỹ. Vụ Đại sứ Mỹ tại Libya bị sát hại là minh chứng mới nhất và rõ nhất về tác hại của "con dao hai lưỡi" trong chính sách Đại Trung Đông, đồng thời cũng đã phơi bày một thực tế chua chát là "những tiến bộ dân chủ tại Libya" như phương Tây rêu rao lâu nay kỳ thực chỉ là ảo tưởng và lừa dối.

Chính sự che đậy sự thật đó đang tạo ra "thiên đường an toàn" cho những đối tượng khủng bố al-Qaeda âm thầm tập hợp sức mạnh và lên kế hoạch triển khai các vụ tấn công bất ngờ nhằm vào chính các lợi ích của Mỹ và phương Tây.

Việt Giang