1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đại sứ Mỹ Peter Peterson - Từ “thợ hàn” tới chàng rể Việt (2)

"Tôi thường gọi Peter là “người thợ hàn” trong quan hệ Việt – Mỹ và ông cũng tỏ ra thích thú với cái tên này. Khó có thể kể hết những gì Peter đã làm để hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa bỏ những rào cản trong quan hệ chính trị - ngoại giao Việt – Mỹ và đặt viên gạch đầu tiên cho những bước phát triển ấn tượng trong hợp tác kinh tế, đầu tư… "

“Người thợ hàn” và tay lái lụa

Ngày nay, dù đã kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ từ năm 2001, nhưng Peter vẫn là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, chuyên gia về công cuộc đổi mới của Việt Nam.

Đến Hà Nội ngày 9/5/1997, Đại sứ Peter sống trong căn hộ ở phố Yết Kiêu. Ông không thể quên được ngôi nhà đầu tiên này vì nó… không có cửa sổ. Tòa Đại sứ Mỹ hồi đó cũng chưa được hiện đại và khang trang như ngày nay…

Tuy nhiên, Peter nói rằng tất cả không quan trọng bằng việc người dân sống xung quanh luôn thân thiện cởi mở với ông “Pi tơ” mà chẳng ai ngờ ông đang là Đại sứ Mỹ.

Những người Việt Nam mà Peter tiếp xúc trong lúc làm việc cũng rất gần gũi. Peter tâm sự, chính những điều tưởng như đơn giản trên là động lực để ông làm tốt công việc của một “thợ hàn” đặc biệt.

Bốn năm ở Tòa Đại sứ Mỹ, nhiều người dân Hà Nội đã quen với hình ảnh ông “Pi tơ” đội mũ bảo hiểm đạp xe kính coong trên đường phố, sà vào quán phở hoặc hàng cà phê, trò chuyện… mỏi tay (vì bất đồng ngôn ngữ) với bất kỳ người nào mà ông gặp.

Peter cho biết, điều đầu tiên ông muốn làm khi tới Hà Nội không phải là những chuyện lớn lao như người ta vẫn nghĩ. Ông nói: “Tôi chỉ muốn đi bộ trên các đường phố để gặp gỡ, trò chuyện với những người dân mà tôi chưa có cơ hội tiếp xúc trong những lần trở lại Việt Nam trước đây”.

Thấy nhiều người Hà Nội đi xe máy, Peter cũng tậu cho mình 1 chiếc Dream II, rồi đi đăng ký lưu hành và thi giấy phép lái xe. Có xe máy, Peter rong ruổi nhiều hơn, nhưng ông khẳng định với tôi rằng chưa từng bị va quệt vì đi nhiều nên “tay lái lụa”.

Thật lạ, nỗi đau vì con trai và vợ qua đời đã dần được khỏa lấp bởi những điều rất đơn giản kể trên. Mỗi lần gặp, tôi luôn gặng hỏi về những khó khăn tại Việt Nam trong nỗ lực hàn gắn quan hệ Việt – Mỹ, nhưng Peter luôn khẳng định rằng ông không cảm thấy bất kỳ khó khăn nào.

Ngay cả việc phải thường xuyên trở lại tòa nhà Quốc hội để tranh luận với các đồng nghiệp cũ về cách đối xử chưa công bằng với Việt Nam, Peter cũng không xem đó là khó khăn. Peter tâm sự: “Những ngày làm Đại sứ tại Hà Nội là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi”.

Peter chỉ tiếc là trong 5 năm qua dù vẫn giữ liên lạc với nhau nhưng ít có cơ hội gặp lại ông bạn già tốt bụng Nguyễn Văn Chộp, người đã bắt ông làm tù binh khi máy bay bị bắn rơi trên bầu trời Việt Nam năm 1966.

Ông còn tiếc là chưa làm được nhiều hơn nữa cho đất nước này, đặc biệt là trẻ em. Có lẽ cũng vì thế ngay sau khi rời ghế Đại sứ tại Việt Nam, Peter cùng bà vợ người Việt Nam đã thành lập tổ chức TASC chuyên cứu trợ trẻ em quốc tế và ngày càng mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Chàng rể Việt và chuyện tình lãng mạn

Peter tâm sự, điều quan trọng, hạnh phúc nhất với riêng ông chính là người vợ Việt Nam. Bà Vi Le sinh năm 1956 tại Sài Gòn, nhưng chỉ 1 năm sau gia đình bà rời Việt Nam. Qua nhiều nước châu Á tới năm 1977, gia đình Vi Le định cư tại Australia.

Khi tôi hỏi ai là người quan trọng nhất trong những ngày đầu ở Hà Nội, Peter nhắc ngay đến vợ mình, bà Vi Le, lúc đó là Cao ủy Thương mại Australia tại Việt Nam. Gặp nhau trong 1 sự kiện ngoại giao sau vài ngày làm Đại sứ ở Hà Nội, họ đã sớm trở thành bạn tâm giao.

Ông thường đèo bà trên chiếc Dream II mới tậu phóng vi vu trên phố phường Hà Nội và là khách thường xuyên của các quán phở. Giáng sinh 1997, ông bà đính hôn và lễ cưới diễn ra ngày 23/5/1998.

Đến Hà Nội không phải để tìm kiếm một câu chuyện tình lãng mạn, nhưng quả thực người vợ Việt Nam xinh đẹp đang mang tới niềm hạnh phúc cho phần đời còn lại của ông sau những bất hạnh.

Hiện hai ông bà đang dồn hết tâm trí cho tổ chức TASC có trụ sở chính đóng tại Bangkok (Thái Lan) và đi lại như con thoi giữa Việt Nam, Australia, Mỹ và Thái Lan...

Không có con, nhưng ông bà lấy niềm vui từ những công việc từ thiện dành cho trẻ em và tiếp tục hướng về Việt Nam. Peter nói: “Chúng tôi thực sự không thể thiếu nhau từ lần đầu tiên gặp gỡ tại Hà Nội cách đây 9 năm”.  

 
Theo Trí Đường
Tiền phong