Đại sứ Mỹ Peter Peterson - Từ “thợ hàn” tới chàng rể Việt (1)
“Ông Pi - tơ” là câu mà các chủ quán phở Hà Nội thường gọi khi ngài Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh đến xì xụp ăn như những khách hàng bình thường.
Nay Peter Peterson đã là cựu Đại sứ được 5 năm rồi, nhưng thật lạ, ông vẫn là một trong những người Mỹ nổi tiếng nhất tại Việt Nam.
Nước mắt và nụ cười
Luôn cởi mở và thân thiện, nhưng phía sau nụ cười là câu chuyện cuộc đời từng có nhiều mất mát. Từ một chiến binh trên chiến trường Việt Nam, về Mỹ trở thành thương gia, chính trị gia, nhà ngoại giao, hiện là Chủ tịch Ban Giám đốc Hội đồng Thương mại Mỹ – Việt, đồng sáng lập và là Chủ tịch tổ chức cứu trợ trẻ em TASC…
Trở về Mỹ năm 1973 sau những năm lái máy bay ném bom và rồi bị bắt giam ở Việt Nam, Peter đã mất nhiều thời gian để lấy lại cân bằng và cố quên đi hình ảnh chiến tranh.
Năm 1981, Peter về hưu với cấp hàm đại tá sau 26 năm phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ. Ở tuổi 44, Peter bắt đầu thử sức trong lĩnh vực kinh doanh với việc thành lập Cty xây dựng ở Tampa (Florida).
Không còn chiến tranh, không ở trong quân đội, Peter tưởng như đã thoát khỏi những ám ảnh quá khứ mà không ngờ rằng quãng đời đau khổ nhất đang chờ mình ở phía trước.
Peter tâm sự, cuộc sống như tối sầm lại khi con trai ông, Dougie, qua đời trong một vụ tai nạn ô tô năm 1984. Chưa hết, bà Carlotta, vợ ông lại mắc bệnh ung thư vú. Vừa phải chịu đựng nỗi đau mất con, vừa cùng vợ vật lộn chống lại bệnh tật, Peter không còn tâm trí nào cho việc kinh doanh.
Năm 1990, Peter quyết định tranh cử vào Hạ viện Mỹ, đánh bại chính Nghị sĩ đương nhiệm và phục vụ tại Hạ viện Mỹ trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1990 – 1996.
Lần đầu tiên Peter trở lại Việt Nam vào năm 1991 với tư cách là thành viên của Quốc hội Mỹ tới khảo sát chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Ngay lần trở lại này, mảnh đất và con người Việt Nam dường như đã trở thành cơ duyên đối với Peter. Ông nhớ mãi hình ảnh những đường phố vắng bóng ô tô, xe máy, nhưng tràn ngập xe đạp và chỉ có một ít cửa hàng bán thức ăn, ấn tượng nhất là món phở.
Hình ảnh lam lũ của người bán hàng rong đẩy xe kẽo kẹt trên đường phố, khuôn mặt ngây thơ của trẻ đánh giày và sự cực nhọc của những bác thợ sửa xe trong góc phố… có sức hút kỳ lạ với cựu binh Peter.
Ấn tượng đầu tiên của ông trong lần trở lại này là sự nghèo nàn và lạc hậu. Chính Peter cũng không giải thích được vì sao nhưng có lẽ chính điều này đã đưa ông tiếp tục trở lại, thôi thúc ông phải làm gì đó cho mảnh đất mà mình từng giội bom.
Năm 1993, Peter trở lại Việt Nam và không thể ngờ trước những thay đổi nhanh chóng nhờ vào công cuộc đổi mới. Xe máy đang thay thế xe đạp trên đường phố, lao động xuất khẩu mang ngoại tệ về cho Việt Nam và đầu tư nước ngoài gia tăng. Chính bà Carlotta, vợ ông, cũng muốn mở 1 ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam…
Một xứ sở, hai cuộc đời
Chiến tranh Việt Nam khởi đầu cho những bi kịch trong cuộc đời Peter, nhưng cũng chính mảnh đất này trong thời bình đã xoa dịu vết thương lòng, mang tới hạnh phúc trong phần đời còn lại của ông. Hơn thế nữa, ông đã trở thành chàng rể Việt Nam với câu chuyện tình lãng mạn. |
Với nỗi đau nặng trĩu trong lòng, Peter đã nghĩ tới chuyện giã từ tất cả và việc đầu tiên là ông tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ 4 trong Quốc hội Mỹ.
Cuối năm 1994, một số đồng nghiệp tại Quốc hội Mỹ đã bắt đầu đề nghị Peter ghi tên vào danh sách ứng cử viên cho vị trí Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh.
Phản ứng đầu tiên của Peter đối với yêu cầu của các nghị sĩ là ông thấy mình không thích hợp với vị trí quan trọng đó vì những gì đã diễn ra trong quá khứ.
Ông tâm sự: “Quả thực tôi hơi lo ngại rằng giới lãnh đạo và người dân Việt Nam sẽ xem tôi là cựu binh nhiều hơn là một Đại sứ. Điều này có thể tạo ra nhiều sự hiểu lầm đáng tiếc và làm giảm hiệu quả công việc của tôi”.
Các nghị sĩ và quan chức cấp cao Nhà Trắng tiếp tục thuyết phục Peter rằng cần nhìn mọi việc theo hướng tích cực và nên chấp nhận vị trí quan trọng này.
Peter hồi tưởng: “Đó là một quyết định khó khăn, nhưng cuối cùng tôi đã xác định sẽ trở lại Việt Nam với tư cách là Đại sứ. Đây cũng sẽ là một cơ hội lớn trong cuộc đời tôi để nỗ lực hết mình cho việc hàn gắn những vết thương chiến tranh giữa hai nước”.
Một ngày vào tháng 12/1995, ngay sau khi thông báo không tái tranh cử vào Quốc hội, Peter nhận được điện thoại từ Văn phòng Tổng thống Bill Clinton thông báo ông đã được lựa chọn làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Tháng 3/1996, Peter được Tổng thống Bill Clinton chính thức đề cử, nhưng lại gặp trở ngại tại Quốc hội. Một số nghị sĩ phản đối, nhưng không phải nhằm vào Peter mà là việc liệu đã đến lúc thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam hay chưa.
Phải 1 năm sau, vào tháng 4/1997, thế bế tắc này mới được khai thông khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua để Peter trở thành Đại sứ tại Việt Nam.
Còn tiếp
Theo Trí Đường
Tiền phong