1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đại sứ Mỹ cùng 3 Bộ trưởng Philippines thăm tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông

(Dân trí) - Đại sứ Mỹ tại Philippines hôm nay cùng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và 2 thành viên khác trong nội các khác đã ra thăm một tàu sân bay Mỹ đang tuần tra ở Biển Đông theo lời mời của Hải quân Mỹ, giới chức đại sứ quán Mỹ tại Manila tiết lộ.

Tàu sân bay Mỹ tuần tra ở Biển Đông


Các chiến đấu cơ F-18 đậu trên tàu sân bay USS Carl Vinson (Ảnh: Reuters)

Các chiến đấu cơ F-18 đậu trên tàu sân bay USS Carl Vinson (Ảnh: Reuters)

AP đưa tin, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ Molly Koscina cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez và Bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre II đã tới thăm tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, cùng 3 quan chức an ninh khác của Philippines.

Chuyến thăm cho thấy giới chức Philippines và quân đội Mỹ tiếp tục thực hiện các cam kết cấp cao, dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đe dọa giảm sự hợp tác với các lực lượng Mỹ trong khi xích lại gần Nga và Trung Quốc.

Theo người phát ngôn trên, Đại sứ Mỹ tại Manila Sung Kim, cùng các quan chức cấp cao của Philippines, đã ra thăm hàng không mẫu hạm của Mỹ, nơi họ chứng kiến các máy bay chiến đấu F-18 cất cánh và hạ cánh, đồng thời gặp gỡ các chỉ huy hải quân điều hành con tàu 95.000 tấn khi nó di chuyển trên Biển Đông.

Giới chức Hải quân Mỹ cho biết với một nhóm nhỏ nhà báo bay ra thăm tàu sân bay Carl Vinson hôm 3/3 rằng việc triển khai tàu chiến của Mỹ nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, một vùng biển huyết mạch đối với an ninh và thương mại toàn cầu.

“Chúng tôi sẽ ở đây”, Chuẩn Đô đốc James Kilby nói với báo giới. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chứng minh rằng các vùng biển quốc tế là vùng biển mà ai cũng có thể qua lại, nơi bất kỳ ai cũng có thể tiến hành hoạt động giao thông buôn bán và thương mại”.

Những bình luận của ông Kilby và sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông nhằm trấn an các đồng minh của Mỹ, vốn đã bày tỏ sự lo ngại về các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc và các đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với hầu hết vùng biển này. Tàu sân bay Carl Vinson, chở 5.500 quân nhân, là một phần của nhóm tác chiến gồm 12 tàu chiến và 9 phi đội bay.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh giờ đây có thể đặt hệ thống phòng thủ tên lửa. Những lo ngại về các hành động của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Chính phủ các nước lo ngại rằng các hành động của Trung Quốc có thể dẫn tới việc hạn chế đi lại tại vùng biển chiến lược.

“Có rất nhiều lo ngại về các ý định của Trung Quốc”, Ernest Bower, một chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington, nhận định.

“Tôi nghĩ câu hỏi mà mọi người đều muốn đặt ra là liệu Trung Quốc có âm mưu ngăn chặn việc tiếp cận Biển Đông hay không?”, ông Boyer nói tại Manila. “Người Mỹ đã tuyên bố trong bất kỳ trường hợp nào thì điều đó cũng không thể chấp nhận được đối với cộng đồng quốc tế”.

An Bình