Dải Gaza, vùng đất của những vòng luẩn quẩn?
(Dân trí) - Với diện tích gấp đôi Washington DC, nhưng “lai lịch” phức tạp gấp nhiều lần của Dải Gaza khiến không ai dám chắc khi nào bình yên sẽ đến với mảnh đất này. Gaza lại là mối quan tâm khi thế giới lên án Israel tấn công tàu cứu trợ trên đường đến đây.
Vùng đất kỳ lạ nhất thế giới
Dải Gaza là một dải đất hẹp ở ven biển dọc theo Địa Trung Hải, có biên giới trên bộ với Ai Cập ở phía tây nam và Israel ở phía bắc và phía đông, và về mặt pháp lý không được quốc tế công nhận là một phần của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Tên của nó được đặt theo tên thành phố chính Gaza. Đây là vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên trái đất, với khoảng 1,5 triệu người sống trên khu vực diện tích 360 km².
Gaza đã có người sinh sống từ hàng nghìn năm nay. Sau cuộc chiến tranh Arập-Israel năm 1967, Israel đã chiếm được Dải Gaza cũng như khu Bờ Tây, Cao nguyên Goloan, Sinai và bắt đầu thiết lập các khu định cư ở đây từ đầu những năm 1970. Cũng trong thời gian này, dân số ở Gaza đã tăng gấp ba khi hàng nghìn người tị nạn Palestine chạy đến những khu vực này. Năm 1993, sau những thỏa thuận hòa bình giữa Palestine-Israel, được gọi là Thỏa thuận Oslo, đa phần Dải Gaza được chuyển nằm dưới quyền kiểm soát giới hạn của Chính quyền Palestine. Tháng 8/2005 chính phủ Israel biểu quyết áp dụng kế hoạch của Thủ tướng Ariel Sharon đơn phương rút khỏi Gaza, theo đó dỡ bỏ toàn bộ các khu định cư của người Israel và dời toàn bộ người định cư cùng các căn cứ quân sự khỏi Dải Gaza.
Binh sĩ Israel cầu nguyện trước Bức tường phía Tây ở Jerusalem
Vòng luẩn quẩn chiến tranh
Năm 2005, khi thủ tướng Israel thời đó Ariel Sharon cho triệt thoái quân đội khỏi giải Gaza và cho tháo gỡ các khu định cư người Do thái, ông tin tưởng là giải quyết được một gánh nặng đối với quân đội Israel, chấm dứt các chiến dịch không ngừng diễn ra tại dải đất này. Nhưng sơ sót đầu tiên của ông Sharon là đã đơn phương rút đi, mà không có thương lượng điều kiện trước với phía Palestine. Việc rút lui này đã được Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Hamas – lực lượng phản đối bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Israel, xem như một thành công của họ. Một năm sau, Hamas đắc cử và giành được quyền kiểm soát Dải Gaza sau khi đánh bại các lực lượng trung thành với Tổng thống Palestine M.Abbas.
Từ năm 2007, Hamas lên nắm toàn quyền ở Gaza và để đối phó với Hamas, Israel bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa khu vực này.
Trong thời gian đầu, Israel đã cho xây dựng một hàng rào điện xung quanh Gaza để ngăn ngừa các vụ khủng bố tự sát mà Hamas thường cho tiến hành. Sau đó, Israel đã cho phong toả Gaza trên đường bộ và đường biển, để làm suy yếu Hamas. Tuy nhiên, Hamas đã vượt được các trở ngại bằng cách đào đường hầm, nhưng vẫn tấn công được vào các chốt đóng quân của Israel. Qua các đường hầm này, họ đã chuyển lương thực cũng như vũ khí từ Ai Cập - những hoả tiễn ngày càng hiện đại, và thách thức quân đội hùng mạnh của Israel.
Như vậy, vòng xoáy bạo động khó dừng. Đối với Hamas, họ bắn hoả tiễn sang Israel là để trả đũa quốc gia Do Thái phong toả giải Gaza trong khi dân chúng tại đây sống nhờ vào trợ giúp quốc tế và nguồn tiếp liệu cho vùng đất này phải qua ngõ Israel. Tuy các vụ pháo kích của Hamas không gây thiệt hại to lớn, nhưng đối với Israel, đây là một điều không thể chấp nhận được.
Những người Palestine đi qua vùng đất bị bắn phá ở phía nam Gaza, nơi giáp giới Ai Cập năm 2007
Tấn công tàu cứu trợ, sai lầm lớn hay ý đồ của Israel?
Ngày 30/5, một đoàn gồm sáu chiếc chuyên chở khoảng 700 nhà hoạt động ủng hộ Palestine và 10.000 tấn nhiên liệu đã khởi hành từ hải phận quốc tế ngoài khơi bờ biển đảo Chypre hướng tới Dải Gaza, bất chấp những cảnh cáo của Hải quân Israel. Đoàn tàu dự kiến hoàn tất chuyến hải trình dài gần 400km vào khoảng giữa trưa 31/5. Đích thân Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã lên tiếng yêu cầu Israel bãi bỏ lệnh phong tỏa Dải Gaza và cho phép đội tàu thuộc tổ chức nhân đạo phi chính phủ Insani Yardim Vakfi của Thổ Nhĩ Kỳ vào phân phát hàng cứu trợ cho người Palestine. Người tổ chức chuyến đi này, Greta Berlin thuộc Phong Trào Gaza Tự Do, cũng tuyên bố mục đích chuyến đi là nhằm phá vỡ chiến dịch phong tỏa kéo mà Israel đã áp đặt 3 năm qua với Dải Gaza.
Các nhà hoạt động quốc tế đã bác bỏ đề nghị của Israel dỡ những phẩm vật cứu trợ nhân đạo tại một cảng ở Israel, rồi từ đó các phẩm vật cứu trợ này sẽ được chuyển tới Gaza qua các tổ chức quốc tế. Đáp lại, phát ngôn viên Chính phủ Israel tuyên bố đoàn tàu sẽ bị Hải quân Israel ngăn chặn, các nhà hoạt động sẽ bị đưa tới một trung tâm giam giữ trên bờ và được chọn lựa các giải pháp hoặc bị trục xuất hoặc phải ở tù.
Mọi việc sau đó diễn ra đúng như lời Israel cảnh báo.
Điều rõ ràng là vụ tấn công vào những nhà hoạt động xã hội quốc tế không có vũ khí đã giáng một đòn mạnh vào hình ảnh quốc tế của Israel – vốn đang bị hoen ố vì cáo buộc tội ác chiến tranh ở một vùng đất Palestine nghèo khó. Israel phải hứng chịu ngày càng nhiều áp lực yêu cầu phải giảm đáng kể hoạt động phong tỏa Gaza.
Dư luận quốc tế cho rằng vụ này có ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến quan hệ đồng minh trong hơn 60 năm qua giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, mà cả đến tình hình quốc tế. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm trong tiến trình thương lượng hòa bình Trung Đông. Mỹ thì không muốn một cuộc khủng hoảng mới xảy ra khiến Washington buộc phải lựa chọn giữa Thổ Nhĩ Kỳ hay Israel vì cả hai nước đều là đồng minh. Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên kế hoạch công du Bắc Mỹ với hy vọng sẽ hòa giải và giành được sự ủng hộ của Obama sau khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng, cũng liên quan đến vấn đề Israel tiếp tục mở rộng các khu tái định cư Do Thái trên lãnh thổ Palestine.
Nguyễn Viết