Đại diện cấp cao EU nêu lý do muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam
(Dân trí) - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu Josep Borrell Fontelles khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí nhân chuyến thăm Việt Nam hôm 31/7, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell Fontelles, cho biết Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU trong khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Borrell, trong khối ASEAN, Việt Nam là quốc gia có số lượng thỏa thuận và hiệp định nhiều nhất với EU, trong đó có Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA), Thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…
Ông cho rằng, Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, nhưng điều quan trọng là cần bảo tồn thiên nhiên, tạo ra nguồn năng lượng sạch. EU đang hỗ trợ Việt Nam để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Đây là cơ chế quan trọng giúp EU hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, nhà ngoại giao EU cho biết EU có thể tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam, giúp Việt Nam tăng cường năng lực trong các lĩnh vực về hòa bình và an ninh, hợp tác an ninh mạng, an ninh hàng hải…
"Việt Nam là một đối tác quan trọng của chúng tôi, đặc biệt trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU. Chúng tôi cũng kỳ vọng vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên", ông Borrell nhấn mạnh.
Lý do EU muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về lý do EU muốn nâng cấp quan hệ với VIệt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, ông Borrell cho biết Việt Nam là quốc gia có số lượng thỏa thuận và hiệp định nhiều nhất với EU trong khối ASEAN. Một cách tự nhiên, khi hai bên có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và mạnh mẽ về kinh tế, quan hệ song phương phát triển nhanh chóng thì cần công nhận thực tế đó, cũng như cần thúc đẩy việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương.
"Chúng ta đã có thiện chí chính trị sâu sắc và bắt đầu từ ngày hôm nay, chúng ta sẽ thực hiện quá trình chuẩn bị cho việc nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Kết quả vẫn còn ở phía trước, nhưng chúng ta đã có thiện chí chính trị và chúng ta cần làm cho mối quan hệ khi được nâng cấp sẽ tương xứng với tên gọi", ông Borrell nói.
"Tôi mong muốn chuyến thăm lần này của mình sẽ bắt đầu quá trình nâng cấp mối quan hệ giữa hai bên lên một tầm cao mới. Một trong những kết quả và kỳ vọng quan trọng nhất của tôi trong chuyến thăm lần này là quyết định của cả hai bên để bắt đầu công việc chuẩn bị hướng tới việc nâng cấp quan hệ", nhà ngoại giao EU nhấn mạnh.
Cơ hội gỡ bỏ "thẻ vàng"
Liên quan tới khả năng EU gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam, ông Borrell cho biết cả EU và Việt Nam đều cần nỗ lực để bảo đảm sự bền vững của nguồn lợi thủy sản trong khu vực, bảo đảm cộng đồng ngư dân, ngư nghiệp bền vững trong tương lai.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, EU hy vọng sẽ nhận được báo cáo từ các cơ quan liên quan của Việt Nam vào mùa thu năm nay. Dựa trên kết quả của báo cáo, EU sẽ tổ chức đoàn thanh tra đến Việt Nam để đánh giá tình hình và xem xét liệu có thể dỡ bỏ "thẻ vàng" hay không.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU
Trả lời câu hỏi về việc EU đã tăng cường hiện diện ở khu vực như thế nào từ khi công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Borrell cho biết, chiến lược này thể hiện nhận thức của EU về vai trò trung tâm của khu vực, trong đó có ASEAN.
Ông nói rằng, EU đã duy trì sự hiện diện ở cả cấp độ EU và cấp độ quốc gia thành viên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với tàu của các quốc gia thành viên hiện diện ngày càng nhiều ở khu vực này. EU cũng đang hợp tác với các quốc gia trong khu vực và ký các hiệp định an ninh với Nhật Bản, Hàn Quốc, sắp tới là Australia và New Zealand.
EU duy trì việc tham gia thường xuyên các cơ chế đối thoại của ASEAN để duy trì trao đổi liên tục, đầy đủ với các quốc gia và đối tác ở khu vực này.
Đối với Việt Nam, EU đang có chương trình thúc đẩy hợp tác để hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng hải, an ninh mạng, quản lý khủng hoảng… EU cũng duy trì cơ chế tham vấn đối thoại an ninh quốc phòng thường niên với Việt Nam.
Liên quan tới sự chậm trễ trong việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), ông Borrell cho biết đang thúc giục các quốc gia thành viên còn lại tăng tốc hơn nữa quá trình xem xét phê chuẩn EVIPA, vì hiệp định này vừa có lợi cho các nước thành viên EU vừa có lợi cho Việt Nam.
"Khi Việt Nam có sự bảo đảm về môi trường, giảm thiểu rủi ro, các nhà đầu tư châu Âu sẽ muốn đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam", ông Borrell nhấn mạnh.