1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Đặc vụ” thắp lại lửa yêu ở Nhật

(Dân trí) - Chia tay người yêu quả là điều vô cùng khó khăn và càng khó khăn hơn nhiều nếu muốn giành lại trái tim của một “tình yêu” đã mất. Song những người thất tình ở Nhật giờ có thể thuê “đặc vụ” riêng giúp họ tái hợp với người cũ.

“Hãy cho chúng tôi ba tháng hoặc hơn, chúng tôi có thể giải quyết được chuyện đó”, Yoshiko Okawa, chủ tịch Dịch vụ đặc biệt các quý bà, một hãng thám tử tư ở Tokyo, cho biết.

 

Một thập kỷ trước, một phụ nữ nội trợ khoảng 30 tuổi vì muốn chồng mình chấm dứt mối quan hệ với cô bồ nên đã thuê Dịch vụ đặc biệt các quý bà. Các thám tử sau khi cung cấp bằng chứng về mối quan hệ vụng trộm của ông chồng, cứ đinh ninh việc làm của họ là để người vợ có một bản ly hôn có lợi. Tuy nhiên, khách hàng của họ lại "cao tay" hơn.

 

“Cô ấy nói với chúng tôi, mặc dù công việc của chúng tôi đã kết thúc, nhưng cuộc chiến của cô ấy mới chỉ bắt đầu”, Okawa cho biết. “Cô ấy cho biết, mong muốn của cô ấy không nhất thiết phải chia tay chồng, cha của đứa con cô. Cô ấy muốn sống hạnh phúc với người chồng – như người Nhật vẫn nói là đến đầu bạc răng long”.

 

Chính nhờ sự việc đó mà Okawa nảy ra ý tưởng cho công việc mới: tái hợp các cặp vợ chồng.

 

Nhiều khách hàng của Okawa là phụ nữ ở độ tuổi 20, 30 hoặc 40. “Một số người thấy rất khó có thể đi tiếp sau một cuộc chia tay đau đớn. Họ sẽ làm bất cứ điều gì để có thêm một cơ hội cùng với con người đặc biệt ấy”, Okawa nói. “Đôi khi bạn không thể nhận ra ai đó quan trọng đến mức nào cho đến khi họ ra khỏi cuộc đời bạn”.

 

Lên kịch bản tái hợp

 

Khi có người tìm đến công ty để giành lại trái tim của "tình yêu" đã mất, công ty sẽ chọn các “đặc vụ” từ hơn 200 người và lên kế hoạch đưa khách hàng của họ và bạn đời cũ, ở đây được gọi là “mục tiêu”, trở lại bên nhau.

 

Mỗi một kịch bản tái hợp đều được dàn dựng cẩn thận để phù hợp với từng khách hàng. “Không kịch bản nào giống kịch bản nào cả”, Okawa cho biết. “Chúng tôi mất rất nhiều thời gian, có khi tới một tháng, để nghiên cứu khách hàng và “mục tiêu” của họ. Sau đó chúng tôi cố gắng tạo ra một bối cảnh tự nhiên cho cuộc tái hợp”.

 

Các “đặc vụ” được huấn luyện thường tiếp cận với “mục tiêu” và trở thành bạn của họ. Khi “mục tiêu” và “đặc vụ” đã quen nhau, “đặc vụ” sẽ bắt đầu dở chiêu “ảo thuật”, rót từng lời từng lời nói tốt về khách hàng hoặc tạo ra một “sự tình cờ” để khách hàng và “mục tiêu” gặp nhau.

 

“Mục tiêu” không hề biết “đặc vụ”, hay người bạn mới, thực ra là được người cũ thuê. Các “đặc vụ” sẽ nhấn mạnh vào những điểm tốt của khách hàng để cho “mục tiêu” phải thấy hối tiếc vì đã chia tay.

 

Các “đặc vụ” sẽ được trả tiền toàn bộ quá trình thực hiện “dự án”, và có thể kéo dài vài tháng. Phí tổn thất cho mỗi tháng là khoảng 7.000 USD.

 

“Một lần chúng tôi có một phụ nữ đã chi hơn 20.000USD”, Okawa cho biết. “Đó là số tiền cô ấy tiết kiệm cho đám cưới. Tôi không biết cô ấy có đám cưới như mong muốn hay không, nhưng cô ấy cuối cùng đã có được chàng trai và họ đã kết hôn”.

 

Yêu cầu ở các "đặc vụ" 

 

Theo Okawa, các “đặc vụ” và nguồn gốc của họ khác nhau. “Chúng tôi đào tạo họ trong khoảng một tháng. Về cơ bản chúng tôi muốn họ là những người dễ chịu”.

 

Ngoài ra, một đặc điểm nổi bật khác một “đặc vụ” cần có là sự điềm tĩnh. “Chúng tôi thường đưa các nhân viên tới một siêu thị đông đúc với một bức tượng con sư tử lớn. Chúng tôi nói với họ dính tay vào miệng con sư tử và đứng đó trong vài tiếng”, Okawa cho biết.

 

Mục đích của bài tập luyện này? “Chúng tôi muốn các “đặc vụ” có thể giữ được sự điềm tĩnh trong bất kỳ trường hợp nào”, Okawa nói. “Chúng tôi có thể gặp những tình huống nguy hiểm, như “mục tiêu” nghi ngờ các “điệp viên”. Trong trường hợp đó họ không thể sợ hãi, nếu không mọi chuyện sẽ hỏng hết”. Theo Okawa, cho đến nay chưa có “đặc vụ” nào bị phát hiện.

 

Masaru Nakamura, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu thông tin Nhật Bản, cũng thuê các “đặc vụ” cho một chương trình tương tự. “Giữ được bình tĩnh là điều quan trọng”, ông nói. Các “đặc vụ” của Nakamura đi khắp nước Nhật và làm nhiều dự án khác nhau. “Thông thường một đặc vụ chỉ làm một dự án trong một thời điểm. Tuy nhiên có những “đặc vụ” có thể làm một vài dự án” cùng một lúc.

 

Cả Okawa và Nakamura đều từ chối tiết lộ trả cho “đặc vụ” của họ bao nhiêu. Nhưng cả hai đều khẳng định họ kiếm nhiều hơn một nhân viên văn phòng bình thường.

 

Trong khi khách hàng biết được động cơ của họ, nhưng các “mục tiêu” lại không hề biết tí gì, và có lẽ họ không bao giờ biết vì sao họ lại tái hợp được với người cũ. “Đó là lừa dối ư?”, Nakamura nói. “Nhưng chúng tôi không bao giờ vi phạm luật, và chúng tôi chưa nhận được lời phàn nàn nào của các “mục tiêu” cả””.

 

Tỉ lệ thành công cao

 

Cả Okawa và Nakamura đều tự hào về tỉ lệ thành công cao của các “đặc vụ”. Hơn 70% khách hàng của họ đều thành công trong việc làm mới lại mối quan hệ. Năm 2006, công ty của Okawa đã nhận được 814 lời đề nghị nối lại mối quan hệ cũ, và 147 người trong số đó đã kết hôn với “mục tiêu”.

 

“Chúng tôi không dõi theo các khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi thường là một phần trong cuộc sống của khách hàng mà khách hàng không thực sự muốn nhớ. Họ muốn tiến lên và chúng tôi để họ tiếp tục” với cuộc sống của họ. Trên thực tế, không khách hàng nào sẵn sàng nói về dịch vụ như thế này.

 

Chính vì vậy một số người sẽ đặt câu hỏi về độ bền vững của mối quan hệ phải cần đến những “cú huých” này. “Những ai đã cố gắng giành lại trái tim của người khách theo cách này có thể là những người coi đối tượng của họ như là biểu tượng của một nhu cầu sâu đậm nào đó”, Toshiki Nishizawa, một nhà tâm lý tại Tokyo cho biết. “Việc đó không cần thiết phải dẫn đến hạnh phúc”.

 

Nishizawa là người tư vấn cho các cặp đôi về đủ các vấn đề. Theo Nishizawa, người mà khách hàng nghĩ đến chính là nguồn hạnh phúc. Người đó có thể chỉ là biểu tượng cho một điều gì đó nằm sâu trong trái tim họ. “Đó có thể là tình cảm mà họ không thể có khi còn là một đứa trẻ, hoặc họ sợ cảm giác bị bỏ rơi”, Nishizawa nói.

 

Không ai biết tương lai của khách hàng sẽ ra sao. Song Okawa và Nakamura cho biết trong thời gian thuê người giúp đỡ như vậy, khách hàng cũng có cơ hội để tự nhìn nhận lại chính họ. “Chúng tôi hỏi khách hàng là vì sao họ lại nghĩ họ không tiếp tục chia tay nữa”, Okawa nói. “Chúng tôi yêu cầu mỗi khách hàng tự nhìn lại cách cư xử và tính cách của họ. Nếu có điều họ cần phải thay đổi hoặc sửa chữa vì mối quan hệ đó, chúng tôi sẽ yêu cầu họ. Điều kỳ diệu sẽ không xảy ra trong khi bạn chờ đợi. Bạn phải là một phần làm nên sự thay đổi đó”.

 

Theo Okawa, công ty của cô ngày càng có nhiều nam khách hàng. “Nhiều phụ nữ bây giờ thành công trong sự nghiệp và sống tự lập. Họ không cần phải dựa dẫm vào đàn ông để sống, khiến họ cảm thấy mạnh mẽ hơn. Ngược lại, tôi đang băng khoăn không biết có phải đàn ông đang trở nên yếu đuối về tình cảm hơn hay không.”

 

Còn Nishizawa cho rằng ngành kinh doanh này sẽ tiếp tục phát đạt ở Nhật. “Nhiều người Nhật đã quen với việc tuân theo sách vở để giải quyết mọi việc. Nhưng trong cuộc sống thực, bạn không thể dựa vào sách vở cho tất cả mọi chuyện. Nhiều người cũng quen với việc học hỏi người khách giải quyết các vấn đề, như hỏi kinh nghiệm làm thế nào để thi đỗ. Họ cũng có thể nghĩ đến việc chuyển sang một dịch vụ cung cấp cho họ phương tiện để can thiệp vào một mối quan hệ. Con người chúng ta phức tạp hơn một kỳ thi vào trường học rất nhiều”.

 

Nguyên Hạ

Theo AP