1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu Tổng thống Kazakhstan tái xuất, bác bỏ tin đồn

Minh Phương

(Dân trí) - Lần đầu tiên kể từ khi bạo loạn bùng phát, cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev tái xuất và lên tiếng bác bỏ một loạt tin đồn liên quan đến nội tình đất nước.

Cựu Tổng thống Kazakhstan tái xuất, bác bỏ tin đồn - 1

Cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev (Ảnh: AFP).

Trong bài phát biểu trực tuyến ngày 18/1, cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, người từng lãnh đạo Kazakhstan suốt 3 thập niên, cho biết ông vẫn ở Kazakhstan kể cả ở giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng bạo lực hồi đầu tháng này. Ông đồng thời cũng bác bỏ có mâu thuẫn giữa giới cấp cao của Kazakhstan. Ông bác bỏ tin đồn nói rằng ông vẫn nắm quyền lực ngầm ở quốc gia giàu có nhất Trung Á này.

"Tôi đã chuyển giao quyền lực (tổng thống) cho Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev vào năm 2019 và về hưu từ đó. Hiện giờ tôi đang nghỉ hưu ở thủ đô Kazakhstan và không đi đâu. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev nắm toàn bộ quyền lực", ông Nazarbayev nói.

Ông Nazarbayev, 81 tuổi, bất ngờ vắng bóng kể từ khi làn sóng biểu tình nổ ra cách đây hai tuần và cựu lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia Karim Masimo bị bắt giữ. Nguyên nhân trực tiếp kéo theo làn sóng biểu tình được cho là do giá năng lượng tăng, trong khi một số nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân sâu xa là sự bất bình về việc ông Nazarbayev vẫn nắm thực quyền ngay cả khi đã chuyển giao quyền lực.

Để xoa dịu dư luận, Tổng thống Tokayev đã tuyên bố cách chức chủ tịch Hội đồng An ninh của ông Nazarbayev. Mặc dù vậy, ông Nazarbayev khẳng định không hề có mâu thuẫn hay xung đột nội bộ giới cấp cao của Kazakhstan như tin đồn.

Các cuộc biểu tình bạo loạn ở Kazakhstan hồi đầu tháng này khiến ít nhất 225 người thiệt mạng, bao gồm cả lực lượng an ninh và người biểu tình, trong khi đó hàng nghìn người bị thương hay bị bắt giữ. Đây là làn sóng bạo loạn nghiêm trọng nhất ở Kazakhstan trong vòng 30 năm độc lập. Giới chức Kazakhstan cáo buộc "thế lực nước ngoài" đứng sau cuộc bạo loạn này và đã nhờ đến sự hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu nhằm khôi phục trật tự.

Theo www.reuters.com