1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu nữ Thủ tướng New Zealand tranh cử Tổng thư ký Liên hợp quốc

(Dân trí) - Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark ngày 4/4 tuyên bố bà sẽ khởi động chiến dịch tranh cử ghế Tổng thư ký Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ tới. Bà Clark cam kết sẽ cải thiện tính minh bạch của tổ chức, đồng thời phát huy những kinh nghiệm lãnh đạo sẵn có để trở thành Tổng thư ký nữ đầu tiên của Liên hợp quốc.


Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark (Ảnh: DW)

Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark (Ảnh: DW)

Cũng trong ngày 4/4, New Zealand đã đệ trình một bức thư tới chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, chính thức đề xuất bà Clark, hiện đang là Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, là ứng cử viên cho ghế Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, từng là Ngoại trưởng Hàn Quốc, sẽ từ nhiệm vào cuối năm 2016 sau 2 nhiệm kỳ tại vị, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. Kể từ khi đi vào hoạt động cách đây 70 năm, những vị trí quan trọng tại Liên hợp quốc đều do nam giới nắm giữ. Do vậy, động lực để đưa một phụ nữ lên làm lãnh đạo tổ chức này đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bà Clark là thủ tướng New Zealand từ năm 1999 tới năm 2008. Trong một bài phỏng vấn của Reuters, bà chia sẻ rằng: “Tôi đang kêu gọi những lá phiếu ủng hộ dựa trên những kỹ năng mà tôi có và mong rằng trong thế kỷ 21, các ứng cử viên nữ cũng sẽ được trao cơ hội lãnh đạo ngang bằng với bất kỳ ứng cử viên nam nào”.

Ít nhất 53 quốc gia, dẫn đầu là Colombia, mong muốn người nắm giữ vị trí Tổng thư ký là nữ giới. Một số nhóm xã hội dân sự cũng đang vận động hành lang để đưa nữ giới lên nắm quyền lãnh đạo tổ chức này.

Thủ tướng New Zealand John Key nói rằng ở bà Clark có sự kết hợp tuyệt vời giữa kỹ năng và kinh nghiệm để đảm đương trọng trách to lớn này.

Bà Clark hiện đang phải cạnh tranh với 7 ứng cử viên khác, trong đó có 3 ứng cử viên nữ là bà Irina Bokova đến từ Bulgari, hiện là Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO); cựu Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic; và cựu Ngoại trưởng Moldova Natalia Gherman, .

Bốn ứng cử viên khác bao gồm: cựu Ngoại trưởng Macedonia Srgjan Kerim, Ngoại trưởng Montenegro Igor Luksic, cựu Tổng thống Slovenia Danilo Turk và cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha kiêm Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Antonio Guterres.

15 thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong đó có 5 nước có quyền bỏ phiếu phủ quyết là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh và Pháp, sẽ đề xuất một ứng cử viên để Đại hội đồng bỏ phiếu vào cuối năm nay nhằm tìm ra người thay thế ông Ban Ki-moon.

Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tổ chức các cuộc họp công khai không chính thức với từng ứng cử viên vào tuần tới.

Cũng theo bà Clark, sự minh bạch của tổ chức là điều vô cùng quan trọng. Khi được hỏi liệu bản thân có mong muốn thấy sự tự do trong chính sách thông tin của Liên hợp quốc hay không, bà Clark nói: “Tất nhiên tôi luôn mong muốn những chính sách đó vận hành hiệu quả … thông qua tổ chức này”.

Thành Đạt