1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc vượt ngục chấn động quận Cam: “Ơn này tôi sẽ trả!”

Tài xế taxi Long Hoang Ma không thể ngờ kẻ bắt cóc mình lại là người cứu mạng mình. Vì thế, ông quyết định sẽ làm hết sức mình để trả ơn “con trai” Bac Tien Duong mặc dù hoàn cảnh của ông khá éo le

Kể từ ngày bị 3 tên tù phạm vượt ngục bắt cóc và thoát chết, tài xế taxi Long Hoang Ma bỗng trở thành người nổi tiếng ở khu Little Saigon và thành phố Garden Grove, phía Bắc quận Cam. Cuộc phiêu lưu “bất đắc dĩ” kéo dài một tuần của ông được truyền thông Mỹ tường thuật từ A đến Z với những tình tiết hồi hộp, nghẹt thở như phim trinh thám Hollywood.

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt

Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều đồng hương người Việt đến nhà ông Long thăm hỏi. Một số người mang bánh trái đến vấn an, chúc Tết và xin chụp hình chung kiểu “tự sướng”. Nhưng nổi tiếng chỉ nhất thời, cuộc sống thường nhật của ông không hề thay đổi. Mỗi ngày ông vẫn phải cầm lái chiếc Honda Civic màu xám tro vất vả tìm khách.

Ông Long đã đến thăm Bac Tien Duong tại nhà tù trung tâm dành cho nam giới ở Santa Ana nhiều lần và lần nào cũng đầy cảm xúc. Lần đầu tiên đến thăm “con trai” (Bac gọi ông là “Bố Long” và xin coi y như là con trai) vào đầu tháng 2, người tài xế già không cầm được nước mắt.

Ông nhớ như in cuộc hội ngộ ấy. Ông đi giày thể thao, mặc áo khoác dày vì buổi sáng trời lạnh và ông đã thuộc hạng tuổi “cổ lai hy”. Ông suy nghĩ mình nên nói gì khi gặp mặt ân nhân và liên tục rít thuốc để tự trấn an.

Cuộc vượt ngục chấn động quận Cam: “Ơn này tôi sẽ trả!” - 1
Ông Long Hoang Ma trên chiếc taxi của mình (ảnh trên) và Bac Tien Duong (ảnh dưới). Ảnh: LAT - OSCD
Ông Long Hoang Ma trên chiếc taxi của mình (ảnh trên) và Bac Tien Duong (ảnh dưới). Ảnh: LAT - OSCD

Bac Tien Duong mặc bộ quần áo tù dính liền màu cam, tay trái bị còng vào ghế. Thoáng thấy người tài xế già mà mình từng bắt cóc, Bac đứng dậy cúi đầu chào. Tấm vách ngăn bằng kính giữa người thăm tù và tù phạm khá dày.

Cầm điện thoại lên, nước mắt lưng tròng, Bac thưa khẽ: “Con chào bố!”. Ông Long cũng nghẹn ngào: “Con yên tâm. Chừng nào bố còn ở đây, bố sẽ làm hết cách để giúp con như con đã cứu bố”. Hai “bố con” nói chuyện với nhau khá lâu. Cuối buổi trùng phùng, Bac nhờ bố Long đến tiệm sách người Việt ở Little Saigon mua giùm mấy quyển kinh Phật.

Nói xong, Bac dặn ông nhớ giữ gìn sức khỏe rồi gác máy. Bac đứng lên đưa cánh tay không bị còng ra phía cửa như chủ nhà trân trọng tiễn khách. Ông Long cũng gác máy, chầm chậm đứng dậy nhìn gương mặt giàn giụa nước mắt của Bac đằng sau tấm vách kính, lòng bồi hồi bước ra về.

Ngày hôm sau, người tài xế già quay trở lại với hai túi xách đựng đầy kinh Phật được mua với giá 97 USD. Đối với ông, đó là món tiền không nhỏ nhưng để giúp Bac “buông đao thành Phật”, ông không hề tiếc rẻ. Trước khi ra về, ông còn gửi lại cho Bac 100 USD. Ông chia sẻ: “Tôi không có nhiều tiền nhưng với những gì tôi có, tôi sẽ làm hết mình để hỗ trợ Bac. Tôi không thể nhận anh ấy là con nuôi rồi bỏ mặc!”

Chờ ngày về Việt Nam

Ông Long Hoang Ma sống một mình trong căn phòng trọ nhỏ ở Garden Grove. Tiền thuê phòng mất 400 USD/tháng. Ông cho biết có đông anh chị em, đến 10 người là nha sĩ, kỹ sư, dược sĩ... Ông bộc bạch nỗi lòng trên tờ The Los Angeles Times: “Tất cả đều thành đạt, trừ tôi!”.

Ông từng có gia đình riêng, một vợ 4 con nhưng nửa đường gãy gánh. Ông ly dị vợ và nhiều năm qua không liên hệ với con cái vì “không muốn trở thành gánh nặng cho chúng nó”. Ông cũng chẳng biết con cái có hay biết chuyện ông bị bắt cóc suýt chết hay không.

Ngoài công việc chạy taxi kiếm sống qua ngày, ông Long thích làm vườn. Ông xin chủ nhà cho trồng táo, bưởi và hoa tulip. Ông không bao giờ ăn ngoài, nhất là vào nhà hàng, để tiết kiệm. Ông tự nấu mì và thịt kho ăn với cơm. “Tôi ăn uống đơn giản, rẻ tiền. Tôi không cần ăn sung mặc sướng vì không thể. Tôi chỉ muốn sống yên ổn”.

Tháng 3 này, ông sẽ về Việt Nam, nơi ông có một người bạn gái mà ông nói sẽ cưới làm vợ. Ông đã kể lại chuyện này với “con trai” họ Duong. Ông cho biết thêm: “Bà ấy cảm ơn anh Bac rất nhiều vì đã cứu mạng tôi. Bà ấy cũng hy vọng sẽ có ngày gặp Bac để đích thân nói lời tri ân”.

Tôi không muốn làm điều ác nữa!

Chuyện Bac Tien Duong từ một kẻ bắt cóc trở thành người cứu mạng tài xế Long Hoang Ma giống như tiểu thuyết. Ông Long kể lại ngay từ đầu Bac có cảm tình với ông, điều mà ông rất bất ngờ và không hiểu tại sao. “Chú ấy lúc đầu gọi tôi bằng chú, mua thức ăn và thuốc lá cho tôi”. Khi Nayeri bàn với Bac thủ tiêu tài xế để trừ hậu hoạn, Bac phản đối. Cả hai sau đó đã đấu khẩu, thậm chí đánh nhau trong khách sạn.

Giải thích hành động có vẻ khó hiểu này, Bac nói: “Tôi kính nể ông ấy vì trong mấy ngày bị bắt làm con tin, ông Long bình tĩnh một cách lạ kỳ. Tôi không muốn làm điều ác nữa. Đó là lý do tôi muốn cứu ông ấy”.

Trên đường quay trở lại quận Cam để đầu thú, Bac tâm sự với ông Long rằng “con biết làm chuyện này là bậy bạ. Con muốn quay lại con đường chính đạo”. Trước khi Bac đến tiệm bán phụ tùng xe hơi gặp người quen nhờ gọi số 911 để đầu thú hôm 29-1, Bac và ông Long đã đến một văn phòng luật sư ở Westminter bàn chuyện làm thủ tục đầu thú nhưng không thành.

Ngày 4-3 này, bộ ba Bac Tien Duong, Hossein Nayeri và Jonathan Tieu sẽ hầu tòa sau vụ vượt ngục làm chấn động cả quận Cam.

Theo NGUYỄN CAO

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm