1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc vượt ngục chấn động quận Cam:

Người tù chờ trục xuất về Việt Nam

Từ chối giết con tin và sợ bị Nayeri giết, Bac Tien Duong tự nộp mình với kỳ vọng được giảm án.

Trong số 3 tù phạm vượt ngục rạng sáng 22-1, Bac Tien Duong có thâm niên vào tù ra khám cao nhất và cũng là người lớn tuổi nhất (43 tuổi). Tù phạm được cho là thành phần xã hội đen có số má này đã tự nguyện quay lại nhà tù sau 7 ngày trốn chui trốn nhủi.

Còn đó chút tính người

Đối với Bac, mọi việc có vẻ suôn sẻ ngay từ đầu. Bị giam trong nhà tù an ninh nhất quận Cam từ tháng 12-2015, y được Hossein Nayeri kết bạn và tiết lộ kế hoạch vượt ngục mà hắn đã chuẩn bị 5 tháng trước. Với sự giúp đỡ của 2 người - một cô giáo gốc Iran dạy tiếng Anh trong nhà tù có tình cảm với Nayeri và một người bạn của Bac, kế hoạch vượt ngục diễn ra nhanh gọn. Thoát ra ngoài, cả ba được bạn của Bac - sau này cơ quan điều tra xác định là Loc Ba Nguyen - chở đi trốn. Cũng theo cơ quan điều tra, Loc là người tuồn dụng cụ giúp Bac vượt ngục trong một lần thăm tù.

Kế hoạch tiếp theo là ngay trong đêm 22-1, cả nhóm thuê taxi chở tới Los Angeles rồi bắt cóc tài xế làm con tin. Chính Bac Tien Duong thực hiện công đoạn này. Y chĩa súng vào bụng tài xế taxi cũng là một người gốc Việt tên Long Hoang Ma (71 tuổi). Ông Long kể: “Nó bảo “tụi cháu cần chú giúp vài bữa!”. Tôi nào có biết họ là ai và cần giúp gì. Tôi chở họ đến siêu thị Target ở ngoại ô Los Angeles mua sắm, cắt tóc cải trang rồi bị giữ làm con tin luôn”.

Bac Tien Duong tự nộp mình ngày 29-1 Nguồn: KTLA
Bac Tien Duong tự nộp mình ngày 29-1 Nguồn: KTLA

Sáng hôm sau, Bac trổ tài ăn cắp chiếc xe tải nhẹ Savana GMC bằng cách giả vờ thuê chạy thử rồi chạy luôn. Y bắt tài xế Long chở đến San Francisco. Nayeri và Jonathan Tieu đi trên chiếc taxi của ông Long chạy theo phía sau. Trong mấy ngày chạy trốn, Nayeri đòi giết tài xế Long, giấu xác để bịt đầu mối. Bac không đồng ý. Ông Long cho biết họ đã gây gổ và đánh nhau trong một khách sạn ở San Jose vì chuyện này khiến người đàn ông đã có 8 đứa cháu nội, ngoại này chỉ biết cầu trời khấn Phật cho tai qua nạn khỏi.

Ngày 28-1, thừa dịp Nayeri và Tieu lấy chiếc GMC đi dán giấy kiếng mờ, Bac kêu ông Long lái chiếc taxi chở y quay về Santa Ana, quận Cam. Tại đây, hôm sau Bac đến tiệm bán phụ tùng xe hơi của một người Việt tên Lee Tran nằm trên đại lộ North Harbor. Y có người quen làm việc tại đây là bà Theresa Nguyen, em gái của chủ tiệm. Nguồn tin tờ The Los Angeles Times cho hay vợ chồng bà Theresa biết Bac từ 10 năm trước khi sinh sống ở khu Little Saigon.

“Ông ấy nhờ vợ tôi gọi cảnh sát tới để nộp mình. Lúc đó là 11 giờ. Tôi thấy ông ấy rất lo lắng và có vẻ không được khỏe” - chồng bà Theresa kể. Còn theo một số nhân chứng khác: “Bac mặc áo thun trắng, quần jeans xanh, tóc cắt kiểu đầu đinh khác hẳn người trong ảnh truy nã của cảnh sát. Trong lúc chờ cảnh sát đến bắt, Bac hút thuốc liên tục”. 21 phút sau, cảnh sát Santa Ana trang bị súng ống đến bao vây tiệm ông Lee Tran. Cuộc đầu thú diễn ra êm ả.

Trong khi đó, Hossein Nayeri và Jonathan Tieu tiếp tục lẩn trốn với chiếc GMC ở khu vực vịnh San Francisco. Ngày 30-1, nhờ người dân báo tin, cảnh sát tóm gọn Nayeri và Jonathan Tieu gần Công viên Golden Gate nổi tiếng sau một cuộc rượt đuổi trên đường phố.

18 năm chờ trục xuất

Bac Tien Duong đến Mỹ năm 1991 một cách hợp pháp. Lạ nước lạ cái, không biết tiếng Mỹ, Bac làm những việc lặt vặt trong ngành xây dựng và buôn bán ở khu vực Little Saigon. Theo vợ chồng bà Theresa Nguyen, Bac từng có vợ nhưng đã ly dị, có 2 con trai hiện ở San Diego.

Hồ sơ của Cảnh sát quận Cam cho biết năm 1997, Bac từng ở tù về tội “nhập nha” ăn trộm. Sau khi Bac mãn hạn tù, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) ra lệnh trục xuất y về Việt Nam. Tuy nhiên, lúc đó do chưa có hiệp định chính thức giữa chính phủ Mỹ và Việt Nam liên quan đến thủ tục trục xuất tù phạm nên không thể thực hiện lệnh của ICE.

Mãi đến năm 2008 mới có hiệp định này nhưng Chính phủ Việt Nam chỉ nhận những đối tượng nhập cư vào Mỹ từ ngày 12-7-1995 trở về sau. Trường hợp của Bac không đáp ứng quy định này. Theo luật Mỹ, đa số người chờ trục xuất chỉ bị giam giữ 6 tháng, ngoại trừ trường hợp liên quan đến tội khủng bố. Những lỗ hổng pháp lý này đã giúp Bac tiếp tục ở lại quận Cam.

Truyền thông Mỹ dẫn nguồn Cảnh sát quận Cam cho biết trong thời gian kháng cáo lệnh trục xuất, Bac đã phạm nhiều tội nghiêm trọng như âm mưu giết người, tấn công có vũ trang, trộm cắp, tàng trữ chất cấm (ma túy). Lần cuối cùng Bac vướng vòng lao lý là ngày 18-11-2015 khi bắn vào ngực một người đàn ông 52 tuổi ở Santa Ana trong một vụ gây gổ. Trong lúc chờ ngày ra tòa xét xử, y vượt ngục.

(Kỳ tới: “Ơn này tôi sẽ trả!”)

Hãy đầu thú đi con!

Trong 3 tù phạm vượt ngục, Jonathan Tieu trẻ nhất và tham gia kế hoạch vượt ngục muộn nhất. Năm nay mới 20 tuổi nhưng Tiêu trở thành đối tượng bị theo dõi cách đây 5 năm. Cảnh sát tin rằng Tiêu là thành viên của Tiny Rascals, một băng đảng gốc Đông Nam Á nổi tiếng ở quận Cam và Long Beach. Năm 2013, Tieu ở tù vì tội cố sát và mưu sát trong một vụ nổ súng của băng đảng nêu trên. Do bồi thẩm đoàn không nhất trí về tội trạng của Tieu, vụ án sẽ được tái xét xử trong tháng 3.

Trong thời gian chờ đợi, Tieu đã cố gắng học và thi đậu bằng trung học phổ thông. Rồi Tieu tham gia cuộc vượt ngục khiến mẹ và chị rất thất vọng. Bà Lu Ann Nguyen, mẹ của Tieu, cho rằng con bà trở nên hư đốn vì chơi với người xấu. Khi hay tin Tieu vượt ngục, bà đã khóc lóc kêu gọi con trai ra đầu thú. Chị ruột Tieu là Tiffany cũng tin rằng em trai mình đã bị Nayeri và Bac lôi kéo.

Theo NGUYỄN CAO

Người Lao động