1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc sống trên trạm không gian

Ngày 2/11 vừa qua, Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ NASA kỷ niệm năm năm ngày những phi hành gia đầu tiên đặt chân lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Các phi hành gia đã có những nhận xét khá thú vị về cái trạm không gian ngày đêm bay vòng quanh Trái đất này.

Năm năm trước, ISS chào đón sự xuất hiện của con người khi tiếp nhận tàu vũ trụ Soyuz chở phi hành gia NASA William Shepherd cùng hai đồng nghiệp người Nga là Sergei Krikalev và Yury Gidzenko.

 

Kể từ đó, gần 100 người từ 10 quốc gia đã đến tham quan ISS và 29 người đã sống trên trạm trong thời gian dài sáu tháng.

 

15 buổi bình minh mỗi ngày

 

“Lần đầu tiên đặt chân lên ISS, tôi thấy trạm khá đẹp, sạch sẽ, sáng sủa và mọi thứ sinh hoạt đều bình thường” - phi hành gia Gidzenko hồi tưởng lại. Cuộc sống hằng ngày trên ngôi nhà không gian này có lẽ là một trải nghiệm phi thường đối với mỗi người.

 

Khái niệm ngày ở đây có lẽ là hơi trừu tượng: cứ 24 giờ các phi hành gia trên trạm đón ánh bình minh tới 15 lần khi ISS du hành xung quanh Trái đất. Mặc dù vậy, các hành khách trên trạm vẫn sinh hoạt theo nhịp sinh học quen thuộc giống như ở Trái đất.

 

Mỗi “buổi sáng” họ bị kéo ra khỏi những giấc mơ không trọng lực bởi chuông báo thức, rời khỏi giường ngủ và bắt đầu một ngày làm việc mới. Vị trí ngủ là vô cùng quan trọng: phải luôn gần với quạt thông gió, bởi nếu không, họ sẽ lâm vào tình trạng thiếu oxy trầm trọng do khí CO2 họ thở ra chỉ bay quẩn quanh chỗ ngủ.

 

Trong trạm, quạt thông gió và các thiết bị lọc khí gây ra tiếng ồn khá lớn, nên đôi khi các phi hành gia so sánh ISS như chiếc máy hút bụi chân không khổng lồ, một số phải ngủ với bông nhét tai. Hầu hết sau đó đều quen dần, cũng giống như người trên Trái đất sống ở những khu phố lớn rồi cũng quen với những tiếng ồn giao thông.

 

Sự ăn mặc, tắm rửa, vệ sinh trên trạm cũng lắm nhiêu khê. Các phi hành gia thường mặc loại quần áo sử dụng một lần, đơn giản chỉ vì không có máy giặt trong vũ trụ.

 

Tuy nhiên, trên ISS lại có vòi sen: nước phun ra ở phần trên của vòi sen và được phần dưới hút vào nhờ một quạt gió. Việc tắm rửa chỉ là năm thì mười họa bởi cần phải tiết kiệm nước và nước được tận dụng tối đa.

 

Nguồn nước trên ISS được chiết xuất từ nước tiểu và hơi thở của các phi hành gia. Ai đó có thể rùng mình khi biết được điều này, nhưng trên thực tế, nước trên trạm ISS còn tinh khiết hơn bất kỳ đâu trên Trái đất.

 

Trong môi trường không trọng lực, ăn uống không hề là chuyện dễ dàng: thức ăn không đứng im trên bàn, đồ uống thì bay lơ lửng thành những hạt nhỏ. Nếu cắn một miếng bánh thì các mảnh vụn sẽ bay khắp khoang lái.

 

Chúng có thể chui vào các thiết bị và gây rắc rối. Do đó thức uống, xúp được chứa trong túi nhựa và được “xử lý” bằng ống hút. Dù vậy, các phi hành gia của chúng ta cũng được phép sử dụng dao nĩa để ăn thức ăn cứng vì các khay thức ăn đều có nam châm, không cho phép chúng bay lung tung trong khoang tàu.

 

Chuyện vệ sinh cũng là một qui trình khá cực nhọc đối với các phi hành gia. Để đi vệ sinh, họ phải thắt chặt cơ thể vào toilet. Đáy bồn cầu là một quạt thông gió cực mạnh, hút hết chất thải ngay lập tức.

 

Để giải trí, các phi hành gia được trang bị các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Được xem nhiều nhất tại đây có cả Alien (Quái vật không gian), một bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng của điện ảnh Hollywood.

 

Cuộc sống với nhiều điều kỳ lạ như vậy nên ISS đã trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với nhiều người trên Trái đất. Tuy nhiên, cái giá cho một chuyến du lịch không gian độ mươi ngày không hề rẻ chút nào, cỡ 20 triệu USD. Cho tới nay ISS đã tiếp nhận ba du khách và du khách mới của năm 2006 sẽ là doanh nhân người Nhật 34 tuổi Daisuke Enomoto.

 

Tương lai nào cho ISS?

 

ISS được xây dựng từ năm 1998 với số tiền đầu tư dự tính lên đến 100 tỉ USD. Đến nay nó đã phình ra thành một khu phức hợp nặng 180 tấn, chứa hàng tấn dụng cụ và nguồn cung cấp cho một đội ngũ thường trực là hai phi hành gia hoạt động trong thời hạn sáu tháng.

 

Tuy nhiên, việc xây dựng ISS mới chỉ hoàn thành một nửa do dừng lại đột ngột sau tai nạn của tàu con thoi Columbia tháng 2/2003. Do phía Mỹ tạm ngừng chương trình tàu con thoi lên ISS nên trên trạm bắt đầu tràn ngập rác rưởi là đồ dùng chứa thức ăn và quần áo bẩn.

 

Mãi đến tận mùa hè năm nay, tàu Discovery của Mỹ mới lên và mang đi hàng tấn rác, phế liệu, dụng cụ hư hỏng. Theo nhà du hành người Mỹ William McArthur, đang cùng đồng nghiệp người Nga Valery Tokarev công tác trên ISS, tất cả những gì họ có hiện nay là một “đống hỗn độn có tổ chức”.

 

ISS được xây dựng với sự phối hợp của 16 quốc gia, dẫn đầu là Nga và Mỹ, với mục tiêu nghiên cứu khả năng sinh tồn của con người trong không gian nhằm chuẩn bị cho những dự án du hành vào những khu vực ở ngoài hệ mặt trời, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mới thông qua các hoạt động trong vũ trụ.

 

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người chỉ trích dự án này và cho rằng 100 tỉ USD lẽ ra có thể sử dụng cho các mục đích hữu ích hơn trên Trái đất. Hơn nữa, từ khi bắt đầu vào hoạt động đến nay, cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào đáng kể thành công trên ISS.

 

NASA dự định sẽ tái khởi động chương trình tàu con thoi vào năm 2006 để hoàn thành việc xây dựng ISS vào năm 2010. Tuy vậy, với việc Hoa Kỳ dự định cắt giảm ngân quĩ cho các chương trình không gian, tương lai của ISS vẫn còn là một dấu hỏi.         

 

Theo H.Trung

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm