1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cuộc sống “chạy ăn từng bữa” của người Venezuela giữa thời khủng hoảng

(Dân trí) - Người dân Venezuela phải xoay xở mọi cách, thậm chí trông cậy vào hàng viện trợ, để duy trì cuộc sống qua ngày trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng.

Cuộc sống “chạy ăn từng bữa” của người Venezuela giữa thời khủng hoảng - 1

Francibel Contreras và 3 đứa con tại nơi phát đồ ăn miễn phí tại khu ổ chuột Petare ở thủ đô Caracas ngày 14/2. (Ảnh: AP)

Francibel Contreras dẫn theo 3 đứa con tới nơi phát đồ ăn miễn phí tại khu ổ chuột Petare nằm ven đồi ở thủ đô Caracas. Những đứa trẻ đói ăn xúc những thìa cơm với trứng trộn và đây có thể là bữa ăn duy nhất của chúng trong ngày.

Đây là cảnh tượng thường ngày diễn ra bên trong khu vực phát đồ ăn miễn phí tại một trong những khu ổ chuột lớn nhất Mỹ Latinh. Nơi đây đã cưu mang hàng chục trẻ em và những bà mẹ thất nghiệp, những người không có đủ tiền để nuôi con của họ.

Một số người Venezuela vẫn đủ khả năng xoay xở trong “cơn bão” khủng hoảng của nền kinh tế bằng cách bám trụ những công việc được trả lương cao dù số lượng này ngày càng ít đi. Một số khác sống nhờ khoản tiền vài trăm triệu USD do bạn bè và người thân ở nước ngoài gửi về. Số lượng này tăng lên trong những năm gần đây khi hàng triệu người Venezuela rời bỏ đất nước để tới miền đất mới.

Tuy vậy, ngày càng nhiều người dân trên khắp đất nước Venezuela, đặc biệt tại những khu ổ chuột như Petare, vẫn đang phải vật lộn hàng ngày để mưu sinh.

Jorge Flores, chồng của Contreras, từng có một quầy hàng nhỏ tại khu chợ địa phương để bán những mặt hàng như chuối, trứng hay thịt hộp. Flores phải cố gắng kiếm sống tại một nơi mà tình trạng siêu lạm phát khiến chi phí buôn bán của anh tăng gấp đôi qua từng ngày.

Cuộc sống “chạy ăn từng bữa” của người Venezuela giữa thời khủng hoảng - 2

Người dân đi lại trong bóng tối do mất điện ở thủ đô Caracas. (Ảnh: AFP)

Sau khi bị một băng nhóm địa phương cướp, Flores bỏ bán hàng ở chợ và tìm công việc khác. Gia đình Flores biến phòng khách thành tiệm cắt tóc, trang trí bằng những ngôi sao được gấp từ những tờ tiền bolivar sặc sỡ nhưng ngày càng mất giá của Venezuela.

“Tiền của chúng tôi vô dụng rồi. Những ngày này, tôi muốn đổi một lần làm móng hoặc cắt tóc bằng một túi bột mì”, AP dẫn lời Contreras nói.

Tình trạng khan hiếm sữa, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác đã làm suy giảm lòng tin của người dân dành cho chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Tổng thống Maduro chỉ trích âm mưu của phe đối lập nhằm lật đổ ông, đồng thời đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như sự phá hoại của phe đối lập khiến nền kinh tế Venezuela bị sa sút.

Nhiều người nghèo Venezuela phải trông cậy vào hàng viện trợ của chính phủ. Đó là những hộp đựng dầu, bột, gạo, mì, cá ngừ đóng hộp và một số vật dụng khác, được phân phát vài lần một năm.

Gia đình Contreras cũng được nhận những hộp viện trợ này, song chúng không giúp họ cầm cự được lâu dài. Trong suốt nhiều tháng, họ phải trông cậy vào nơi phát đồ ăn miễn phí do các chính trị gia đối lập lập ra để cung cấp protein cho trẻ con.

Khó khăn chồng chất

Cuộc sống “chạy ăn từng bữa” của người Venezuela giữa thời khủng hoảng - 3

Khu ổ chuột Petare tại Caracas. (Ảnh: Wikipedia)

Venezuela vừa trải qua 4 ngày mất điện trên diện rộng khiến phần lớn hoạt động trên cả nước bị đình trệ. Tình trạng này càng khiến cho cuộc sống của gia đình Flores thêm bế tắc. Flores thậm chí không thể sử dụng tông đơ điện để cắt tóc như khách hàng yêu cầu.

“Việc mất điện ảnh hưởng rất lớn đến chúng tôi. Chúng tôi rất cần tông đơ”, Flores cho biết.

Vợ chồng Flores ước tính việc mất điện đã khiến gia đình anh thiệt hại khoảng 11 USD vì bỏ lỡ những lần cắt tóc. Tại một đất nước như Venezuela - nơi mức lương tối thiểu chỉ khoảng 6 USD/tháng, thiệt hại của gia đình Flores thực sự là số tiền đáng kể.

Contreras và Flores được trả 2.500 bolivar, tương đương 70 cent Mỹ, cho một lần cắt tóc. Một kg bột mì được nhà nước trợ giá tại Venezuela có giá cao gấp gần 3 lần so với số tiền trên.

Contreras cho biết những đoàn người đứng xếp hàng chờ nhận hàng hóa phân phát có thể kéo dài bất tận. Đôi khi cô trở về nhà mà không nhận được gì. Contreras cũng cảm thấy không an toàn khi đứng xếp hàng vì từng có nhiều người bị các nhóm cướp sát hại hoặc bị xô đẩy tới chết khi những người mua hàng biến thành đám đông hôi của hỗn loạn.

Cuộc sống “chạy ăn từng bữa” của người Venezuela giữa thời khủng hoảng - 4

Người dân Venezuela buộc phải lấy nước từ đường ống thoát nước để đảm bảo sinh hoạt trong những ngày thiếu điện. (Ảnh: Reuters)

Dugleidi Salcedo, hàng xóm của gia đình Contreras, đã phải gửi con gái 4 tuổi tới sống cùng một người cô tại thành phố Maracay vì không đủ khả năng nuôi con.

“Những đứa con trai của tôi khóc lóc. Nhưng chúng còn nhịn được tốt hơn đứa con gái khi tôi nói với chúng rằng không còn đồ ăn”, Salcedo, bà mẹ đơn thân nuôi 4 đứa trẻ, cho biết.

Khi Salcedo mở nắp một thùng nhựa với túi bột mì cuối cùng còn sót lại, một con gián bò ra ngoài khiến cô nhảy giật lùi.

“Mọi thứ quá khó khăn. Tôi không có việc làm. Tôi không còn tiền”, Salcedo nói.

Trước đây Salcedo, 28 tuổi, thường bán đồ nướng và hoa quả cho hàng xóm từ cửa sổ nhà bếp. Tuy nhiên sau đó tủ lạnh bị hỏng và cô không có tiền để sửa nó.

Những ngày này, bà mẹ 4 con buộc phải trông cậy vào lòng tốt của hàng xóm hoặc một người bạn có cửa hàng đồ ăn nhỏ trong lúc chờ tiền vay từ người thân.

“Đất nước này chưa bao giờ khó khăn đến thế. Chỉ mua một ít gạo hay bột mì thôi cũng khó khăn, quá đắt đỏ, và thường họ cũng không có để bán”, Salcedo than phiền.

Mới đây, những tên trộm đã đột nhập vào nơi phát đồ ăn miễn phí và lấy cắp đồ ăn. Sau đó, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu ổ chuột, thiêu rụi 17 ngôi nhà. Nguyên nhân của vụ cháy là do những ngọn nến được sử dụng để thắp sáng trong những ngày mất điện.

Nghị sĩ đối lập Manuela Bolivar, chủ dự án mở khu vực phát đồ ăn miễn phí, cho biết khi lính cứu hỏa tới khu ổ chuột, họ không có đủ nước mà phải sử dụng đất để dập lửa.

“Đây là cơn địa chấn xã hội. Họ mất nhà cửa. Họ sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Nơi phát đồ ăn bị cướp. Có quá nhiều nghịch cảnh: Đó là sự nhiễm trùng, thiếu nước, thiếu đồ ăn”, nghị sĩ Bolivar nói.

Tại một khu chợ ngoài trời cách không xa khu ổ chuột Petare là quận Los Dos Caminos, nơi sinh sống của tầng lớp trung lưu. Carmen Gimenez đi chợ mua cà rốt và một ít rau cho món hầm.

Khi con gái Camila hỏi rằng liệu có thể mua thêm một số mặt hàng khác không, Gimenez nói rằng họ chỉ chi tiêu cho những thứ thiết yếu. Mặc dù Gimenez làm việc tại một ngân hàng, nhưng cô vẫn phải sống thắt lưng buộc bụng.

“Không quan trọng là bạn sống ở đâu. Nhu cầu vẫn như nhau. Người nghèo, người giàu hay người trung lưu, tất cả chúng tôi đều phải xoay xở. Bằng cách nào để chính phủ có thể chiếm được lòng tin của chúng tôi? Thông qua dạ dày”, Gimenez nói.

Thành Đạt

Tổng hợp