Cuộc sống binh sĩ Nga trong trại lính ở Syria như thế nào?
Các binh sĩ Nga tác chiến ở Syria đều là những người “ưu tú”, làm theo chế độ hợp đồng. Có cả nhiều phụ nữ trẻ trong căn cứ không quân Nga.
Phóng viên trang tin RBTH của Nga, Nikolai Litovkin, đã sang căn cứ không quân của Nga ở Syria và tìm hiểu cuộc sống của binh lính Nga đóng trong đó cũng như những quân nhân từng tham gia rà phá bom mìn ở thành cổ Palmyra. Dưới đây là những cảm nhận của phóng viên này:
Rạng sáng ngày 4/5, chiếc máy bay IlyushinIl-62 của chúng tôi chở 150 nhà báo từ Moscow đến căn cứ quân sự Nga ở Khmeimim (Syria). Các phóng viên được gặp một phái đoàn gồm các tướng tá Nga đứng đầu chiến dịch không quân của Nga ở đây.
Khi chúng tôi từ máy bay bước xuống, một chiến đấu cơ Su-35S thế hệ 4++ cất cánh từ đường băng bên cạnh.
Theo Igor Konashenkov – giám đốc văn phòng báo chí của Bộ Quốc phòng Nga, chiến dịch chống các chiến binh của các tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và mặt trận Al-Nusra vẫn tiếp diễn, bất chấp việc Nga đã rút đáng kể một bộ phận oanh tạc cơ và chiến đấu cơ khỏi Syria vào giữa tháng 3/2016.
Một vị thiếu tướng nói trong buổi gặp gỡ với phóng viên: “Các máy bay tiêm kích và ném bom của chúng tôi đang được điều tới các thành phố Raqqa và Deirez-Zor để giao tranh quyết liệt và dài ngày với IS. Các phi vụ được thực hiện cả ngày lẫn đêm. Trong 4 ngày qua, không quân Nga đã thực hiện 87 chuyến bay tấn công mục tiêu”.
Cuộc sống bên trong căn cứ Khmeimim
Ngày mới của một quân nhân Nga ở Syria bắt đầu vào lúc 6h sáng, bằng tiếng chuông báo thức. Mọi người bật dậy, tập hợp thành các đại đội và hành quân khoảng 3-5km. Sau đó người lính Nga có 10 phút để rửa ráy rồi ăn sáng.
Một người lính từ Viễn Đông Nga sang phục vụ ở Syria nói: “Kiểu ở đây là thế. Ban đầu khá khó khăn, nhất là khi bạn ở sa mạc, nhưng sau đó bạn sẽ quen dần”.
Theo các sĩ quan, những quân nhân ưu tú nhất đang tham gia vào chiến dịch ở Syria. Đó là những người lính “hiệu quả như đồng hồ Thụy Sĩ”. Tất cả các binh sĩ đều phục vụ theo chế độ hợp đồng, không có lính nghĩa vụ. Cũng có nhiều phụ nữ trẻ trong căn cứ - họ sống trong doanh trại riêng và đa phần làm công tác quân y.
Bao quanh căn cứ không quân là nhiều hệ thống radar cùng các hệ thống tên lửa chống tăng Pantsir--S1 và ZRK S-400. Lực lượng bảo vệ của căn cứ bao gồm một số đơn vị đặc nhiệm, lính dù và thủy quân lục chiến.
Các binh sĩ nào không trực tiếp chiến đấu thì sẽ bảo quản các thiết bị lục quân và không quân, ban đầu là các xe thiết giáp BTR-82A và Tigr, cuối cùng là trực thăng chiến đấu Ka-52, máy bay Mi-28N, các máy bay tiêm kích và ném bom.
Ngoài màn chạy buổi sáng, các quân nhân còn có 2 buổi huấn luyện nữa. Cả binh lính và sĩ quan sẽ rèn luyện thể lực và kỹ năng chiến đấu thông qua các thiết bị mô phỏng đặt gần một khu nhà ở.
Căn cứ Khmeimim cũng có một thư viện và một rạp chiếu phim tự chế mà ở đó các quân nhân theo dõi tin tức hàng ngày và xem phim vào cuối tuần.
Căn cứ có một chuyên gia tâm lý và một thầy tu để xử lý các vấn đề về tâm lý và tâm linh.
Thầy tu Dmitry Solonin cho biết khi con người đứng ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết thì người ta thường nghĩ tới điều xảy ra sau đó.
Vị thầy tu này dẫn lời một nhà báo Mỹ và cũng là người đoạt giải Pulizer, Ernie Pyle: “Chả có người vô thần nào ở chiến hào cả. Tôi biết rõ về điều này sau 16 chuyến đi tới các điểm nóng chiến sự”.
Công binh Nga ở Palmyra
Vào ngày 2/4, các công binh Nga bắt đầu rà phá bom mìn ở thành cổ Palmyra. Hơn 100 công binh tham gia loại bỏ chất nổ khỏi thành phố này.
Tại các khu vực giáp với doanh trại của công binh Nga, đụng độ với phiến quân mặt trận al-Nusra vẫn diễn ra. Các chiến binh nằm bên trong thị trấn, cách Palmyra 48km và thường xuyên đe dọa tái chiếm thành cổ.
Trung tướng Yury Stavitsky, trưởng lực lượng công binh ở Palmyra, cho hay lực lượng công binh đã xử lý sạch 825 hecta trong thành phố, 8.500 tòa nhà và công trình, và phát hiện, vô hiệu hóa gần 18.000 thiết bị nổ.
Stavitsky nói: “Các tên khủng bố đã cài mìn một cách gọn ghẽ, sử dụng những phương pháp mới để chôn mìn”.
Theo viên sĩ quan này, trong hàng ngũ khủng bố có cả những tên “công binh” đủ năng lực tạo ra những loại bom mới.
Ngoài các đơn vị rà phá bom mìn và đơn vị chó nghiệp vụ truyền thống, phía Nga cũng huy động các hệ thống robot Uran-6 hiện đại trong việc dò tìm bom mìn do IS cài lại.
Các chuyên gia công binh Nga sau khi loại sạch các vật liệu nổ khỏi lãnh thổ Palmyra đã chuyển sang huấn luyện kỹ năng này cho công binh Syria./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN (Dịch từ RBTH.com)