1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc gặp Trump – Kim Jong-un nếu có sẽ diễn ra thế nào?

Một bên là con người trẻ tuổi thuộc thế hệ thứ ba của gia đình kế tiếp nhau lãnh đạo Triều Tiên. Một bên là vị Tổng thống Mỹ thường có những phát ngôn thẳng thừng.

Hôm 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như có những lời lẽ mang tính hòa giải với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trump nói: "Không nhiều người 27 tuổi có thể bước vào và tiếp quản một chế độ. Cứ nói những gì các bạn muốn nhưng điều đó không dễ - đặc biệt là ở tuổi đó".

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: CNN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: CNN)

Đến ngày 1/5, ông Trump tuyên bố sẵn sàng gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong hoàn cảnh thích hợp để xoa dịu căng thẳng về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. "Nếu điều kiện phù hợp, tôi chắc chắn sẽ gặp, tôi vinh dự được làm điều đó", ông Trump nói khi trả lời hãng tin Bloomberg News.

Bình luận của ông Trump khiến nhiều người liên tưởng đến khả năng sẽ có một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều. Vậy nếu trở thành sự thật thì sự kiện đó sẽ diễn ra như thế nào?

Địa điểm

Theo hãng tin AP, các địa điểm có thể bao gồm Vùng Phi quân sự ở biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc. Một viễn cảnh là bàn đàm phán được thiết lập một nửa nằm trên đất Triều Tiên và một nửa nằm trên đất Hàn Quốc. Lợi thế của Vùng Phi quân sự là sự hiện diện an ninh dày đặc sẵn có.

Thụy Sĩ, một đất nước trung lập, cũng có thể là một lựa chọn. Hoặc là Nhà Trắng, trong trường hợp này Mỹ sẽ phải cấp thị thực cho ông Kim Jong-un – nhưng mọi điều đều có thể xảy ra. Năm 1989, George H.W. Bush và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã gặp nhau trên một con tàu ngoài khơi Malta để bàn về những thay đổi đang diễn ra ở Liên Xô và Đông Âu.

Bình Nhưỡng cũng là một nơi nhiều người nghĩ tới. Từng có tiền lệ - từ các phái viên Mỹ như Madeleine Albright cho tới một cựu Thủ tướng Nhật và ngôi sao bóng rổ về hưu Dennis Rodman đã tới thủ đô Triều Tiên.

Chủ đề

Nhiều người cho rằng giải giáp chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ là vấn đề đầu tiên trên bàn thảo luận. Tuy vậy, với hai nhà lãnh đạo khó đoán như Donald Trump và Kim Jong-un thì không ai có thể chắc chắn điều gì sắp sẵn trong nghị trình.

Một số chủ đề khác mà hai nhà lãnh đạo có thể đề cập là viện trợ cho Triều Tiên, mối quan hệ với Hàn Quốc và các vụ thử vũ khí, cả tên lửa và hạt nhân - điều đã khiến cho Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc khó chịu trong thời gian vừa qua.

Phản ứng

Các bên theo dõi sát sao và có phản ứng sẽ là Hàn Quốc, Nga và tất nhiên cả Trung Quốc.

Trong trường hợp Hàn Quốc, một cuộc gặp như vậy sẽ là sự kiện sống còn. Phần lớn nhất trí rằng kho vũ khí của ông Kim Jong-un có đủ độ chính xác và công lực để tàn phá Hàn Quốc. Vì vậy, một cuộc gặp giữa Mỹ, nước bảo trợ quân sự của Hàn Quốc, và Triều Tiên sẽ có liên quan chặt chẽ về an ninh với Seoul, kể cả không có gì được bàn đến.

Trung Quốc hiện đang lo ngại sự can dự của Mỹ vào tầm ảnh hưởng của nước này, chưa kể mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Washington về tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã "quyến rũ" Hàn Quốc nhiều lần, với Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Seoul năm 2014 - sự kiện này như một tín hiệu bóng gió nhằm vào Triều Tiên.

Trong bối cảnh đó, một cuộc gặp Donald Trump – Kim Jong-un chắc chắn phải có sự tham gia của Trung Quốc, và áp lực nước này có thể gây cho Triều Tiên - điều mà Nhà Trắng luôn khẳng định là cần thiết.

Tiếp đến là Nga. Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin sẽ theo dõi từ xa với nhận thức cao độ. Một cuộc gặp Trump – Kim Jong-un nếu diễn ra sẽ có thể làm thay đổi mối quan hệ của Moscow với cả Bắc Kinh và Washington, thậm chí với Bình Nhưỡng.

Và dù mang hàm ý chính trị gì thì có một điều chắc chắn: Bất kỳ cuộc gặp gỡ nào giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên, dù ở đâu và với các chủ đề gì, thì đó vẫn là một sự kiện vô cùng đặc biệt.

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet