1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc đời “chìm nổi” của điệp viên Triều Tiên

(Dân trí) - Từng bị tuyên án tử 2 lần vì tội gián điệp và trải qua 30 năm ở trong nhà tù Hàn Quốc với phần lớn thời gian là biệt giam, điều khiến cựu điệp viên 90 tuổi Seo Ok-ryol đau đáu nhất bây giờ là được trở về quê nhà Triều Tiên và gặp lại vợ con trước khi ông qua đời.


Cựu điệp viên Triều Tiên Seo Ok-ryol (Ảnh: AFP)

Cựu điệp viên Triều Tiên Seo Ok-ryol (Ảnh: AFP)

Người Hàn Quốc chiến đấu cho Triều Tiên

Ông Seo Ok-ryol, 90 tuổi, sinh ra trên một hòn đảo tại Hàn Quốc. Ông bắt đầu đi theo chủ nghĩa cộng sản khi còn là sinh viên tại Đại học Hàn Quốc danh tiếng ở thủ đô Seoul và gia nhập lực lượng quân đội Triều Tiên trong cuộc chiến tranh liên Triều cách đây hơn 60 năm.

Ông Seo gia nhập đảng Lao động Triều Tiên và trở thành giáo viên tại thủ đô Bình Nhưỡng trước khi được cử đi học tại một trường đào tạo điệp viên vào năm 1961. Lúc này, vợ con ông cũng đang ở Triều Tiên.

“Tôi phải rời đi mà không được nói lời chào tạm biệt với vợ của mình”, ông Seo nhớ lại.

Sau khi hoàn tất quá trình đào tạo điệp viên, ông Seo được giao nhiệm vụ tới Hàn Quốc để chiêu mộ một quan chức chính phủ cấp cao tại Seoul có anh trai từng đào tẩu sang Triều Tiên. Ông Seo sẽ phải tìm cách để đưa một bức thư của người anh trai cho vị quan chức Hàn Quốc, từ đó lôi kéo vị này về phía Triều Tiên.

Để sang được Hàn Quốc, ông Seo phải vượt biên bằng cách bơi qua sông Yeomhwa. Tuy nhiên, khi tiếp cận được vị quan chức Hàn Quốc cần gặp, ông Seo liền bị từ chối hợp tác.

“Đối với anh trai tôi, ông ấy sống hay chết không quan trọng. Tôi đã báo tin với các nhà chức trách (Hàn Quốc) rằng anh trai tôi đã chết trong chiến tranh”, quan chức Hàn Quốc nói với ông Seo và từ chối kế hoạch chiêu mộ của điệp viên Triều Tiên.

Mặc dù vậy, vị quan chức này đã không tố giác ông Seo với chính quyền Hàn Quốc, mặc dù vào thời điểm đó, các cuộc tiếp xúc ngoài lề giữa người Triều Tiên và người Hàn Quốc có thể bị phạt tù rất nặng.

Bỏ lỡ cơ hội về nước

Các bức ảnh bên trong ngôi nhà của ông Seo tại Gwangju, Hàn Quốc (Ảnh: AFP)
Các bức ảnh bên trong ngôi nhà của ông Seo tại Gwangju, Hàn Quốc (Ảnh: AFP)

Không hoàn thành nhiệm vụ được giao, ông Seo ở lại Hàn Quốc trong 1 tháng để chờ được đưa về Triều Tiên. Trong khoảng thời gian này, ông liên tục phải nghĩ cách để giấu cuốn sách mật mã, trong đó có các mã số đặc biệt dành cho các điệp viên Triều Tiên. Một thời gian sau, đài phát thanh Triều Tiên mới phát đi một thông điệp gồm các con số bí mật. Ghép với các con số trong cuốn sách mật mã, nội dung của thông điệp này là yêu cầu ông Seo về nước.

Tuy nhiên, ông Seo đã đến điểm đón muộn và bỏ lỡ thuyền cứu hộ được chuẩn bị sẵn để đưa ông về Triều Tiên. Ông Seo sau đó đã tìm cách bơi qua sông để trở về Triều Tiên nhưng thất bại. Sóng đã đánh dạt ông vào bờ trước khi ông kiệt sức và bị lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc bắt giữ.

“Là một điệp viên, bạn được huấn luyện phải tự sát, hoặc bằng cách uống thuốc độc, hoặc sử dụng vũ khí. Tuy nhiên, tôi thậm chí còn không kịp có thời gian để tự sát”, ông Seo kể lại.

Cựu điệp viên Triều Tiên cho biết ông đã bị thẩm vấn trong vòng nhiều tháng, bị đánh đập, không được ăn uống hay ngủ nghỉ. Sau đó, một tòa án quân sự kết án tử hình ông vì tội gián điệp. Ông Seo phải ở trong phòng biệt giam, chỉ được cho ăn những bữa cơm thiếu thốn và nhìn những điệp viên Triều Tiên khác bị hành hình.

Giữ vững lập trường

Ông Seo ngồi tại nhà riêng ở Hàn Quốc (Ảnh: AFP)
Ông Seo ngồi tại nhà riêng ở Hàn Quốc (Ảnh: AFP)

Năm 1963, ông Seo được giảm án tử hình sau khi phía Hàn Quốc xét đến việc ông vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ do Triều Tiên giao phó. Tuy nhiên, 10 năm sau đó, ông tiếp tục bị tuyên án tử một lần nữa vì tìm cách chiêu mộ một tù nhân khác đứng về phía Triều Tiên.

Cha mẹ của ông Seo tại Hàn Quốc đã phải bán nhà để chi trả cho các khoản tiền pháp lý nhằm cứu con trai khỏi án tử hình. Tuy nhiên, họ đã ra đi khi con trai vẫn chưa được ra tù.

Vào những năm 1970, quân đội Hàn Quốc thường tìm cách cải tạo các tù nhân Triều Tiên bằng các biện pháp mạnh tay nhằm thay đổi lập trường tư tưởng của những người này. Tuy nhiên, ông Seo vẫn không chịu từ bỏ lòng trung thành với Triều Tiên ngay cả khi mắt trái của ông bị thương và sau này bị mù lòa.

“Họ yêu cầu tôi thay đổi tư tưởng, hứa hẹn rằng sẽ cho tôi điều trị ở một bệnh viện. Nhưng tôi từ chối. Dù cho có bị mất một bên mắt, tôi cũng vẫn trung thành với niềm tin của tôi. Tư tưởng chính trị còn đáng quý hơn mạng sống của tôi”, ông Seo nói.

Giấc mơ dang dở

Cựu điệp viên vẫn mong chờ một ngày được gặp lại vợ con trước khi mất (Ảnh: AFP)
Cựu điệp viên vẫn mong chờ một ngày được gặp lại vợ con trước khi mất (Ảnh: AFP)

Sau 30 năm ở tù, ông Seo đã chấp nhận thỏa hiệp vào năm 1991 và hứa sẽ tuân thủ luật pháp của Hàn Quốc. Sau khi ra tù, ông chuyển tới thành phố Gwangju ở phía nam Hàn Quốc, gần quê hương của ông và nơi ở của các anh chị em trong gia đình. Tuy nhiên, ông vẫn đau đáu giấc mơ được trở về Triều Tiên để gặp lại vợ và các con trai.

Ông Seo vẫn giữ nguyên lập trường trung thành với Triều Tiên, ca ngợi đây là một xã hội bình đẳng - nơi ông có thể tốt nghiệp từ trường Đại học Kim Nhật Thành hàng đầu bằng sự trợ cấp của chính phủ.

Ông cũng bênh vực chính sách hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cho rằng đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ Triều Tiên trước Mỹ. Ông gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là “gã khùng”.

Vài năm sau khi được thả, một phụ nữ Hàn Quốc sống ở Đức từng tới thăm Bình Nhưỡng nói với ông Seo rằng vợ con ông vẫn còn sống. Tuy nhiên, người này khuyên ông Seo không nên liên lạc với vợ con vì sợ rằng sự xuất hiện của ông sẽ ảnh hưởng tới cơ hội sự nghiệp của các con.

Từ khi sang Hàn Quốc tới nay, ông Seo vẫn chưa tái hôn. Hiện 25 nhóm hoạt động xã hội đã đệ đơn kiến nghị các nhà chức trách tạo điều kiện cho ông Seo được tới Triều Tiên đoàn tụ với gia đình.

Khi được hỏi về điều ông sẽ nói với vợ nếu có cơ hội gặp lại bà, ông Seo cho biết: “Tôi muốn nói cảm ơn vì bà ấy vẫn sống. Tôi vẫn luôn nhớ bà ấy. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có thể rời xa bà ấy lâu như vậy”.

Thành Đạt

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm