1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu sau loạt đánh bom khủng bố ở Brussels:

Cuộc chiến tranh có quá nhiều mặt trận

Thêm một lần nữa châu Âu và thế giới rúng động trước loạt đánh bom khủng bố diễn ra ngày 22-3-2016 tại sân bay quốc tế và tại trạm tàu điện ngầm của Brussels, Bỉ.

31 người chết và 80 người bị thương trong đó có nhiều người nguy kịch. Gần bốn tháng trước, thủ đô Paris cũng chịu cảnh tương tự. Vụ tấn công nhắm vào trái tim châu Âu một lần nữa cho thấy Liên minh châu Âu vẫn luôn bị động trong cuộc chiến chống khủng bố. Tại sao khủng bố chọn Bỉ để ra tay và châu Âu làm thế nào để đối mặt với những kẻ khủng bố?

Nguyên nhân nào khiến Bỉ trở thành cánh cổng mở vào châu Âu cho quân khủng bố nhân danh đạo Hồi?

Chỉ ít giờ sau khi các cuộc đánh bom kép diễn ra ở Brussels, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm và tuyên bố đó là nhằm trả thù cho việc nước Bỉ tham gia vào liên minh phương Tây chống IS ở Iraq và Syria. Chỉ khi hữu sự thì người ta mới vỡ lẽ ra là từ lâu Bỉ đã là cứ địa của quân khủng bố tại châu Âu.

Theo The Guardian, cách đây 20 năm, cuốn cẩm nang “Tiến hành thánh chiến tại châu Âu” đầu tiên đã được tìm thấy trên đất Bỉ. Năm 2001, những kẻ ám sát lãnh đạo phong trào kháng chiến Afghanistan, tướng Massoud, từng mang hộ chiếu Bỉ. Sau hai đợt khủng bố ngay giữa lòng Paris tháng 11-2015, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhìn nhận, “kế hoạch được quyết định từ Syria, được cụ thể hóa và điều khiển từ Bỉ để tấn công nước Pháp”.

Từ loạt khủng bố ở Madrid năm 2004 làm 191 người thiệt mạng đến vụ tấn công ở London tháng 7-2005, vụ thảm sát tại Bảo tàng Do Thái ở Brussels tháng 5-2014 hay gần đây hơn là hai đợt khủng bố ở Paris vào tháng 1 và 11-2015... đều ít nhiều có liên quan đến nước Bỉ. Như ghi nhận của tờ báo Tây Ban Nha El Mundo: “Từ 15 năm trở lại đây, thủ phạm các vụ khủng bố tấn công trên lãnh thổ châu Âu đều có liên hệ đến nước Bỉ”.

Molenbeek, một trong 19 khu vực kề bên thủ đô Brussels thường xuyên thu hút sự chú ý của công luận. Đây là nơi đã có tới khoảng 50 thanh niên sang Syria và Iraq tham gia thánh chiến. Theo thống kê từ bộ Nội vụ Bỉ, cho tới năm 2015 Brussels đã nhận diện được 497 chiến binh tham gia thánh chiến trong hàng ngũ tổ chức IS. 272 trong số đó đã tìm đường sang Syria hay Iraq. 75 người bị cho là đã tử vong và 134 công dân Bỉ đang tìm cách trở lại châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Bỉ Charles Michel, Chủ tịch Thượng viện Christine Defraigne dành một phút mặc niệm nạn nhân trong vụ khủng bố tại Brussels hôm 24-3-2016.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Bỉ Charles Michel, Chủ tịch Thượng viện Christine Defraigne dành một phút mặc niệm nạn nhân trong vụ khủng bố tại Brussels hôm 24-3-2016.

Có 4 nguyên nhân khiến Bỉ chỉ với diện tích hơn 30.000 km vuông và 11 triệu dân, có thể trở thành “hang ổ” của các mạng lưới khủng bố.

Thứ nhất, theo lời chuyên gia về an ninh Brice de Ruyver, ông cũng từng là cố vấn của cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, “về mặt địa lý Bỉ là một quốc gia nhỏ bé, chỉ cần hai giờ lái xe, người ta có thể xuyên qua vương quốc này. Đây là một yếu tố rất thuận lợi cho các hoạt động phạm pháp”.

Các tay anh chị dễ dàng thoát lưới cảnh sát trước khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, do có một hệ thống hành chính phức tạp, chồng chéo giữa chính quyền trung ương và địa phương, cùng với những chính quyền cấp vùng của ba khu vực khác nhau là Wallonie, Flandres và Brussels, hợp tác giữa các bộ phận an ninh rất lỏng lẻo.

Thứ hai, tại Bỉ người ta có thể dễ dàng mua vũ khí với giá phải chăng. Đó là động cơ khiến tay khủng bố Amedy Coulibaly, kẻ tấn công siêu thị của người Do Thái ở Porte de Vincennes phía đông Paris hồi tháng 1-2015 đã đến Molenbeek. Súng ống, đạn dược của hai anh em nhà Kouachi, những kẻ đã sát hại gần hết ban biên tập tờ báo trào phúng Charlie Hebdo ngày 7-1-2015 cũng được các đầu mối ở Brussels cung cấp.

Bỉ nổi tiếng là địa điểm dễ mua bán vũ khí trái phép. Ông de Ruyver giải thích: tại Brussels, không khó để mua súng ngắn, súng trường và kể cả các loại vũ khí sử dụng trong chiến tranh, nhưng đều được chứng nhận đó là các loại vũ khí mang tính cách “thể thao”. Năm 2006 khi chính quyền trung ương Bỉ bắt đầu siết lại luật mua bán vũ khí, thì đã quá trễ. Thị trường chợ đen đã bắt rễ quá sâu trên lãnh thổ này.


3 kẻ tình nghi đánh bom sân bay ở Brussels ngày 22-3.

3 kẻ tình nghi đánh bom sân bay ở Brussels ngày 22-3.

Nguyên nhân thứ ba giải thích vì sao Molenbeek trở thành điểm hẹn của những tay khủng bố từ anh em nhà Abdeslam đến Abdelhamid Abaaoud, những nhân vật then chốt trong loạt tấn công hồi tháng 11-2015 tại Paris, hay Mehdi Nemmouche, thủ phạm vụ thảm sát tại Bảo tàng Do Thái ở Brussels năm 2014.

Do từ những năm 1980, thị trấn êm ả này đã lún sâu vào khủng hoảng. 40% thanh niên không có việc làm. Cảnh nghèo và bất mãn từ thất bại trên con đường hội nhập là một trong những nguyên nhân dễ dàng đẩy nhiều thanh niên Molenbeek vào vòng tay của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Nhưng bên cạnh thất bại trong chính sách hội nhập hay cảnh bần cùng còn phải kể đến yếu tố bản sắc và tôn giáo. Đây là nguyên nhân thứ tưthứ năm khiến Bỉ trở thành cánh cổng mở vào châu Âu của quân khủng bố nhân danh đạo Hồi.

Trong trường hợp của Abdelhamid Abaaoud, người được coi là cầm đầu loạt tấn công Paris năm 2015 thuộc thành phần trung lưu. Bố của Abaaoud là chủ một hiệu quần áo khá giả. Trong số những công dân Bỉ tham gia mạng lưới thánh chiến tại Syria hay Iraq và cả những kẻ khủng bố tự sát, có những người có học thức cao, theo học các trường công giáo dành cho những thành phần khá giả ở Vương quốc Bỉ.

Tóm lại theo lời giáo sư Rik Coolsaet, Đại học Gand, khó khăn kinh tế không là yếu tố duy nhất giải thích vì sao thanh niên Molenbeek nói riêng và trên toàn Vương quốc Bỉ nói chung, đã chọn con đường thánh chiến.

Về ảnh hưởng tôn giáo, các nhà quan sát cho rằng, Arab Saudi theo khuynh hướng cực đoan có ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng Hồi giáo ở Bỉ. Từ thập niên 1960, nhà vua Baudouin vì muốn dễ dàng mua bán dầu hỏa với Ryiad đã tặng cho Quốc vương Faycal một món quà quý giá, khi cho phép Arab Saudi xây dựng một đền thờ Hồi giáo đồ sộ ngay tại Brussels.

Ryiad tận dụng cơ hội này để thành lập Trung tâm Hồi giáo và Văn hóa tại Bỉ. Đây là nơi để phổ biến tư tưởng và giáo lý khắt khe nhất trong đạo Hồi. IS chiêu dụ các chiến binh trên cơ sở của những tư tưởng đó.

Kẽ hở trong liên minh 28 thủ đô với lợi ích nhiều mâu thuẫn

“Mất bò mới lo làm chuồng”, đây dường như là trường hợp đang diễn ra tại nhiều nước, sau vụ đánh bom khủng bố tại sân bay quốc tế Brussels. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đối với những nơi đông người qua lại như nhà ga, sân bay, an toàn tuyệt đối là điều không thể có. Phản ứng sau vụ khủng bố Brussels, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã nhắc lại “chúng ta đang trong chiến tranh”. Nhưng đâu là mặt trận?

Theo các chuyên gia, châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc chiến kỳ quặc, ở đó quân đội bị lùi lại tuyến sau đảm trách việc bảo vệ và cảnh giới.

“Trong cuộc chiến tranh mà chúng ta phải đương đầu với các chiến binh trong bóng tối, không quân phục, không luật lệ, thì lực lượng cảnh sát và tình báo phải được đưa lên tuyến đầu. Đó là một cuộc chiến đầy bất trắc và diễn ra chủ yếu trong âm thầm để truy lùng những kẻ khủng bố nằm ngay trong dân” - xã luận tờ Liberation ra ngày 23-3 viết.

Tờ báo khẳng định chỉ có tăng cường hỗ trợ lực lượng cảnh sát và tình báo về mọi phương diện thì mới có thể ngăn chặn được các đe dọa khủng bố.

Về độ tương quan giữa giữa các nước châu Âu, tờ Le Figaro nhận định: thật lo ngại khi một liên minh dựa trên 28 thủ đô với lợi ích mâu thuẫn nhau, không được chuẩn bị tốt mà điển hình là Vương quốc Bỉ có một thủ đô nhưng có bốn chính phủ điều hành cùng 6 lực lượng cảnh sát khác nhau. Trên quy mô một lục địa không biên giới, mọi kẽ hở của một nước đều có tác động đến tất cả các nước khác.

Những nguyên tắc, nền dân chủ của cả châu Âu đang bị tấn công

Le Figaro nhận thấy, châu Âu trải qua 7 năm kinh tế tiều tụy, nay đang lao đao chống đỡ cuộc khủng hoảng di dân. Từ hàng tháng qua, châu Âu đã cố gắng tập trung sức mạnh tập thể, những nỗ lực đó dường như không mang lại một giải pháp hiệu quả nào rõ rệt.

Tờ báo liệt kê lại một loạt biện pháp gần đây của Liên minh châu Âu, dù đã có phối hợp với nhau nhưng để đáp trả khủng bố, châu Âu không được trang bị tốt. Tờ báo đặt câu hỏi, người ta còn chờ đợi gì để tái lập hình phạt chung thân thực sự đối với những kẻ khủng bố?

Trong luật hiện hành của châu Âu, án tù chung thân chỉ áp dụng cho những kẻ phạm tội sát hại trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi hay nhân viên công lực (cảnh sát, hiến binh). Việc mở rộng hình phạt chung thân cho tội khủng bố là hoàn toàn có lý. Nhưng có điều án chung thân ở nhiều nước châu Âu cũng chỉ giới hạn ở khoảng trên 20 năm, phạt tù chung thân vĩnh viễn trên thực tế không tồn tại. Le Figaro đòi hỏi “phải có một bộ luật bất di bất dịch chống lại những kẻ hèn hạ muốn tiêu diệt nền văn minh của chúng ta”.

Đầu tháng tháng 3-2016, các nghị sĩ đã bỏ phiếu điều chỉnh luật theo chiều hướng đó, nhưng điều quan trọng là phải thông qua chính thức và đưa luật vào áp dụng, phải thiết lập hình phạt chung thân thực sự cho những kẻ khủng bố.

Người phụ nữ bị thương sau vụ đánh bom tự sát ở sân bay Brussels.
Người phụ nữ bị thương sau vụ đánh bom tự sát ở sân bay Brussels.

Châu Âu có thể thắng trong cuộc chiến này? Qua những phát hiện đáng lo ngại của cuộc điều tra vụ tấn công ở Bỉ thì thấy, danh tính của ba kẻ khủng bố tại sân bay Zaventem và tàu điện ngầm ở trung tâm Brussels đều có mối liên hệ với những kẻ khủng bố tại Paris hôm 13-11-2015. Bốn tháng sau loạt khủng bố Paris, người ta phát hiện thấy những kẻ khủng bố Paris và Brussels đều cùng chung một nhóm.

Trong thời gian đó, những thủ phạm không chỉ thoát được lưới của cảnh sát mà chúng còn có thể chuẩn bị một cuộc tấn công mới với quy mô lớn nhắm vào giữa thủ đô của châu Âu. Vậy thì “làm sao có thể tin được những lời hứa hẹn đao to búa lớn của các nhà chính trị sau vụ khủng bố 13-11 rằng lần này mọi việc sẽ thay đổi, rằng cảnh sát và các cơ quan an ninh châu Âu sẽ hợp tác…”. Rốt cục chẳng có gì thay đổi, châu Âu vẫn không rút ra được bài học từ các cuộc tấn công khủng bố hàng loạt.

Sau các vụ khủng bố, lãnh đạo châu Âu thường nói nào là “các thủ phạm của 2 vụ khủng bố Brussels là những kẻ thù của mọi giá trị châu Âu”, hay “Những giá trị, những nguyên tắc, nền dân chủ của cả châu Âu đang bị tấn công”. Những giá trị châu Âu được ghi trong Hiệp ước Lisbon này giờ đây còn gì, khi mà châu Âu vừa ký một thỏa thuận thảm hại với Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy tất cả những con người chạy trốn chiến tranh ra khỏi cửa ngõ châu Âu. Còn đâu là giá trị tự do? Châu Âu đang trong tình trạng chới với cùng những giá trị của mình vì thiếu sự dẫn dắt của một chính sách chung, một sự đoàn kết thực sự.

Ngày 24-3, EU triệu tập cuộc họp của các vị bộ trưởng nội vụ và tư pháp để bàn thảo về kế hoạch chống khủng bố sao cho hữu hiệu hơn, đồng thời soạn thảo một đạo luật bài trừ khủng bố sẽ được áp dụng cho tất cả những nước nằm trong Liên minh châu Âu.

Một trong những vấn đề chính phủ Bỉ phải giải quyết là làm sao tìm ra và phá vỡ những tổ chức khủng bố đơn lẻ đang hiện diện ngay trên lãnh thổ Bỉ. Một lý do khác nữa cũng được các viên chức đặc trách an ninh EU nói tới là sự kiện có nhiều thanh niên nam nữ từ Bỉ bỏ sang Syria tiếp tay cho IS. Một số trong thành phần này sau đó nhận chỉ thị của IS để trở về châu Âu, chờ đợi lúc ra tay phá hoại.

Theo Mộc Thạch - Bảo Trân (tổng hợp)

An ninh thế giới