1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông: Lập luận sắc bén của Philippines (bài 2)

(Dân trí) - Vụ kiện của Philippines thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi đây là lần đầu tiên một nước đơn phương yêu cầu xem xét vận dụng cơ chế Phụ lục VII của Tòa Trọng tài Luật Biển quốc tế. Manila đã đưa ra những lập luận sắc bén để “đập” lại các quan điểm của Trung Quốc.

 

Cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông: Lập luận sắc bén của Philippines (bài 2) - 1

Philippines yêu cầu PCA làm rõ việc Trung Quốc diễn giải và áp dụng UNCLOS ở Biển Đông (Ảnh: Global Nation)

Do Trung Quốc kiên quyết bảo lưu Điều 298 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), theo đó quy định các tranh chấp về chủ quyền không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa Trọng tài Luật Biển quốc tế, nên bước đầu Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) chỉ có thể ra phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý đơn kiện của Philippines.

Đây được coi là nút thắt quyết định mở ra khả năng xem xét cụ thể đơn kiện 13 điểm nội dung của Philippines nhằm yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ những căn cứ trong việc diễn giải và áp dụng UNCLOS.

Tại phiên điều trần, Manila đã đưa ra 5 điểm lập luận để chứng minh PCA có đủ thẩm quyền và khả năng thụ lý đơn kiện, chứ không phải như các lập luận bác bỏ trước đó của Bắc Kinh. Theo lập luận của phía Philippines:

Thứ nhất, Trung Quốc không có quyền thực hiện cái mà nước này gọi là “quyền lịch sử” đối với các vùng biển, đáy biển và vùng đất dưới đáy biển ngoài giới hạn mà Trung Quốc được hưởng theo Công ước UNCLOS.

Thứ hai, cái gọi là “đường chín đoạn” không hề có căn cứ pháp lý nào theo luật quốc tế khi ý nghĩa của nó là nhằm vạch ra giới hạn yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc.

Thứ ba, những cấu trúc trên biển mà Trung Quốc dựa vào để làm căn cứ nhằm khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông không phải là các đảo có khả năng tạo ra quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Đây chỉ là các “đảo đá”, hay cấu trúc “lúc chìm, lúc nổi”, một số cấu trúc không tạo ra bất kỳ quyền nào theo quy định trong Công ước. Những hoạt động cải tạo quy mô lớn gần đây của Trung Quốc không thể thay đổi một cách hợp pháp bản chất và đặc điểm nguyên thủy của những cấu trúc này.

Thứ tư, Trung Quốc đã vi phạm Công ước bằng việc can thiệp vào quyền thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines; và

Thứ năm, Trung Quốc đã vi phạm Công nước bằng việc gây ra thiệt hại không thể phục hồi đối với môi trường biển trong khu vực khi cho phá hủy các bãi san hô ở Biển Đông, bao gồm các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc cũng đánh bắt cá mang tính phá hủy và nguy hại, đánh bắt các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Những lập luận của Philippines được đưa ra trên cơ sở những nghiên cứu kỹ càng về Công ước, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á năm 197, cũng như tham khảo các án lệ và đối chiếu với các hoạt động thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đây cũng là những lý lẽ sắc bén “đập” lại “Tài liệu lập trường của Trung Quốc về vấn đề thẩm quyền trong vụ kiện ở Biển Đông”. Trong tài liệu này, Trung Quốc chia làm 6 phần với 93 điều, trong đó nêu lên 4 điểm chính:

Một là, nội dung trọng tâm của vụ kiện về chủ quyền lãnh thổ đối với một số cấu trúc trên biển ở Biển Đông, do vậy nó nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước và không liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước.

Hai là, Trung Quốc và Philippines đã thỏa thuận sẽ giải quyết tranh chấp qua đàm phán. Việc Philippines đơn phương khởi động vụ kiện là hành động vi phạm nghĩa vụ theo luật quốc tế.

Ba là, nội dung vụ kiện liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công nước. Đây là một phần không thể tách rời của công tác phân định trên biển giữa hai nước, trong khi đó Công ước lại loại trừ xử lý mọi tranh chấp liên quan đến phân định biển khỏi thẩm quyền bắt buộc của trọng tài và các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc khác.

Bốn là, PCA không có thẩm quyền đối với vụ kiện. Việc Trung Quốc bác bỏ và không tham gia vụ việc trọng tài là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, khi đưa ra các điểm trên, Trung Quốc đã cố ý lờ đi một thực tế là trong nhiều năm qua, Philippines đã theo đuổi mục tiêu giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc đã được xác lập của luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, DOC và một số văn kiện song phương khác, nhưng không đạt kết quả.

Và thực tế cho thấy, bất chấp các nỗ lực của Philippines, các nước trong khu vực cũng như sự phản đối của dư luận quốc tế, Trung Quốc không những không ngừng hành động gây hấn, mà còn ngang ngược thúc đẩy một cuộc chiến thực tế hòng tạo sự đã rồi ở Biển Đông.

Điển hình là năm 2009, Trung Quốc đã cho lưu chiểu bản đồ “đường chín đoạn” phi lý tại LHQ. Trung Quốc cũng ngăn cản Philippines và các nước trong khu vực thực hiện các dự án dầu khí trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của các nước này. Các tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi ngư trường truyền thống ở Scaborough/Hoàng Nham và chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ năm 2012. Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 vào vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam; và từ cuối năm ngoái đến nay, Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo ở Biển Đông, tàn phá môi trường biển, đánh bắt các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Các hành động này của Trung Quốc làm “giọt nước tràn ly”, buộc Philippines phải khởi kiện, cho dù biết trước Bắc Kinh sẽ cương quyết không tham gia vụ tranh tụng.

(Còn tiếp)

Đức Vũ