Cuộc chiến pháp lý Mỹ - Trung sau phán quyết của WTO
(Dân trí) - Giới chức Mỹ đã lên tiếng chỉ trích sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra phán quyết rằng việc Washington áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc là phạm luật.
Lý của Mỹ và lý của Trung Quốc
Hội đồng chuyên gia do Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO ngày 15/9 đã ra phán quyết rằng, việc Mỹ áp thuế đối với hơn 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 6/2018 và tháng 9/2018 "không phù hợp với các quy định thương mại toàn cầu".
Phán quyết này của WTO ủng hộ lập trường của Trung Quốc cho rằng các chính sách áp thuế đó của Mỹ vi phạm quy định thương mại toàn cầu vì thuế suất đó cao hơn so với cam kết mà Mỹ đưa ra và chỉ nhằm vào duy nhất Trung Quốc. Bắc Kinh cũng cáo buộc hành động áp thuế của Mỹ vi phạm quy định về giải quyết tranh chấp, đòi hỏi các nước thành viên phải khiếu nại lên WTO trước khi áp đặt biện pháp trả đũa nước khác.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng cho rằng, việc áp thuế này là cần thiết để đối phó với tình trạng Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump lập luận rằng việc áp thuế này được thực hiện theo luật thương mại của Mỹ vào những năm 1970. Cụ thể, các mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc được đưa ra theo mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974, vốn cho phép tổng thống áp đặt thuế và những hạn chế nhập khẩu khác bất kỳ khi nào nước ngoài có hành vi thương mại không công bằng, gây ảnh hưởng tới thương mại Mỹ. Mặc dù việc sử dụng mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ không phải chưa có tiền lệ, nhưng điều khoản này ít khi được sử dụng từ thập niên 1990 sau khi Mỹ đồng ý tuân thủ quy trình giải quyết tranh chấp của WTO trước khi có bất cứ hành động trả đũa thương mại nào.
Đáp lại phán quyết của WTO, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói: "Báo cáo của hội đồng này chứng minh điều mà chính quyền Tổng thống Trump nói suốt 4 năm qua: WTO không đủ sức để ngăn các hoạt động công nghệ có hại của Trung Quốc".
Hiện chưa rõ tác động từ phán quyết của WTO, nhưng Washington có quyền kháng cáo trong vòng 60 ngày. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ xem xét có hành động thích hợp.
Cuộc chiến pháp lý không bên nào thắng
Nếu Mỹ chọn phương án kháng cáo phán quyết của WTO, đây có thể là mở màn cho một cuộc chiến pháp lý dai dẳng khó tìm ra giải pháp trong một sớm một chiều. Ủy ban phúc thẩm của WTO, cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết các đơn khiếu nại về tranh chấp thương mại đang bị tê liệt do chính quyền Tổng thống Trump từ chối bổ nhiệm các thành viên mới cho cơ quan này. Do vậy, kể cả Washington kháng cáo lúc này thì “có cũng như không”.
“Không có ai chiến thắng trong cuộc tranh cãi này. Mỹ, Trung Quốc và đặc biệt là WTO đều thua”, Chad Bown, chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định.
Nếu Mỹ lựa chọn không kháng cáo và cũng không có bất cứ thay đổi nào về chính sách thuế với Trung Quốc sau phán quyết, Trung Quốc có thể đề nghị WTO cho phép khôi phục thiệt hại bằng cách áp thuế lên hàng hóa của Mỹ. Chuyên gia Brown nhận xét, phán quyết của WTO có thể dọn đường cho Trung Quốc đáp trả Mỹ trong khuôn khổ pháp lý, nhưng thực tế Bắc Kinh đã làm điều này khi chưa có phán quyết và cũng có thể bị coi là vi phạm quy tắc thương mại toàn cầu.
Về điều này, hội đồng chuyên gia thuộc Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO cho biết họ chỉ xem xét ở chiều Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc mà không xét đến việc Trung Quốc đáp trả vì Washington không khiếu nại lên WTO.
Về phía Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng phán quyết của WTO và có hành động thiết thực nhằm duy trì hệ thống thương mại đa phương.
Phán quyết có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng hơn nữa sau hàng loạt căng thẳng gần đây từ đại dịch đến vấn đề gián điệp. WTO cũng khó tránh khỏi những phiền phức bởi Tổng thống Trump từng dọa rút Mỹ khỏi WTO vì cho rằng tổ chức này đã "lỗi thời" và "thiên vị" Trung Quốc.