Cuộc chiến giành những đứa trẻ mồ côi Beslan
Borik Rubayev đã sống cùng với dì được 5 năm trước khi cha mẹ cậu qua đời trong thảm kịch Beslan. Hôm thứ sáu, tòa án thay mặt ông bà của cậu đến mang cậu đi.
"Mẹ! Mẹ! Con không muốn đi đâu, con không muốn đi với họ đâu", cậu bé 8 tuổi gào thét gọi dì trong nước mắt.
Các nhân viên của tòa không lôi được cậu bé đi hôm thứ sáu, nhưng người dì Valentina Khosonova biết chắc họ sẽ trở lại. "Họ sẽ tìm cách mang thằng bé đi. Tôi chẳng làm gì được cả", Khosonova nói, nước mắt tràn xuống má.
Ông của Borik là Bekmurza Rubayev từ chối giải thích tại sao ông để trận chiến giành quyền giám hộ cậu bé mồ côi này diễn ra. Borik đã trải qua 3 ngày dưới địa ngục khi bị bắt làm con tin trong trường học số 1 ở Beslan hồi tháng 9 năm ngoái.
Nhưng các thành viên trong gia đình Borik thì không có gì nghi ngờ.
"Tiền từ khắp nơi trên thế giới đổ về cho những đứa trẻ mồ côi này, và nếu Borik ở đây thì ông bà nó chẳng được gì, và đó chính là lý do", Aslan Khosonov, người anh họ 20 tuổi của Borik vừa nhăn mặt vừa nói. Aslan ở cùng phòng với Borik nhiều năm nay.
Beslan nhận được những khoản tiền cứu trợ khổng lồ kể từ sau vụ khủng hoảng con tin. Người dân thành phố này biết ơn những tấm lòng hảo tâm đối với gia đình của 331 nạn nhân, nhưng các quan chức nói rằng số tiền 1,45 tỷ ruble (51 triệu USD) đã gây chia rẽ rất nhiều gia đình trong thành phố chỉ 30.000 dân này.
Một số người đã chỉ trích họ hàng và phàn nàn rằng họ không được ăn chia thỏa đáng. Số khác cáo buộc giới chức bỏ túi tiền của các nạn nhân.
"Đây là danh sách các trường hợp mà người ta không đồng ý với khoản trợ giúp được nhân. Ở đây có 45 trường hợp", Irina Dzhibilova, thành viên Hội đồng phân phát đồ viện trợ đồng thời là người mất 2 đứa cháu trong vụ bắt cóc, cho hay. Có cả trường hợp vợ chồng đã ly dị trước khi khủng hoảng con tin xảy ra, thế rồi anh chồng đòi chia phần, bà cho hay.
Trong trường hợp của Borik, tòa án quyết định cậu bé ở cùng với ông bà mặc dù trước sự kiện 1/9/2004, cậu đã sống với dì kể từ khi cha mẹ ly dị.
Nhiều người dân Beslan tin rằng những vụ tranh chấp đòi quyền giám hộ tương tự đang gây tổn thương tâm lý cho bọn trẻ bởi chúng phải chứng kiến cảnh các nhân viên tòa án mặc đồng phục đến lôi chúng đi. Hình ảnh đó gợi lũ trẻ nhớ lại vụ bắt cóc con tin.
"Tôi là người lớn, vậy mà giờ đây những bộ đồng phục vẫn còn khiến tôi sợ hãi. Và những gì đang diễn ra với thằng bé chính là cảnh tượng đã diễn ra cách đây đúng một năm", Fatima Bitiyeva, người từng bị bắt làm con tin và biết Borik từ bé, nhận xét.
Theo Ngọc Sơn
Vnexpress/Reuters