1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc chiến Đức - Hy Lạp đe dọa phá sự toàn vẹn của EU

Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đã liên tục có những bước đi khiến các đối tác châu Âu “đứng ngồi không yên”.

Kể từ khi chính phủ của Thủ tướng theo đường lối cánh tả Alexis Tsipras lên nắm quyền tại Hy Lạp, mối quan hệ vốn đã không mấy êm ả giữa Hy Lạp và Đức lại dậy sóng. Trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với quá nhiều khủng hoảng và tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay, thì đây không còn là vấn đề của Hy Lạp hay Đức nữa, mà đang đặt sự gắn kết của Liên minh châu Âu trước những thử thách.
 
(Ảnh: investmentwatchblog)
(Ảnh: investmentwatchblog)

Kể từ khi lên nắm quyền tại Hy Lạp hồi đầu năm nay, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đã liên tục có những bước đi khiến các đối tác châu Âu “đứng ngồi không yên”, mà trước tiên là tuyên bố chấm dứt các chương trình thắt lưng buộc bụng hà khắc mà người Đức tâm huyết để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế. Tiếp sau đó là thái độ ôn hòa “bất ngờ” với Tổng thống Nga Vladimir Putin giữa lúc Nga và châu Âu đang trong cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Mới đây nhất là cảnh báo thu giữ các tài sản của Đức tại Hy Lạp, coi đây như khoản đền bù chiến tranh mà đáng nhẽ người Đức phải trả sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Như một giọt nước làm tràn ly, tạp chí Syriza, đảng của Thủ tướng Alexis Tsipras còn đăng hình biếm họa Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble mặc đồng phục Đức Quốc xã, một vấn đề lịch sử vốn được xem là khá nhạy cảm đối với Đức. Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cũng thách thức người Đức khi tuyên bố Hy Lạp có thể tuyên bố phá sản như người Argentina từng làm.

Ông Varoufakis nói: “Những gì Hy Lạp đã làm đó là liên tiếp 3 chính phủ đã phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc, gây bất bình trong nhân dân. Đề xuất của tôi là Hy Lạp nên tuyên bố phá sản, giống như những gì người Argentina đã làm và nói rằng, “Tốt thôi, giờ bạn có thể tự mình giải quyết mọi vấn đề.”        

Trong khi đó người Đức vẫn kiên định lập trường không giảm nợ cho Hy Lạp và  điều này càng đẩy quan hệ giữa hai nước tới chỗ không thể cứu vãn. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố mới đây, có tới 52% số người Đức được hỏi muốn Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung, tăng  hơn 11% so với 3 tuần trước đây và tới 80% người Đức không còn muốn giúp Hy Lạp nữa.

Còn nhớ trong một phát biểu hồi năm 1994, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfang Schauble đã kêu gọi thành lập “một nhóm các nước châu Âu nòng cốt” bao gồm những nước muốn hội nhập và hợp tác, trong đó có Pháp. Theo các nhà phân tích, Bộ trưởng Tài chính Đức dường như đã dự báo trước một thời điểm mà Hy Lạp không còn đáp ứng được các điều kiện nữa.
 
Giữa tuần trước, ông Schauble cũng không loại trừ khả năng về một sự ra đi của Hy Lạp khỏi khu vực đồng euro và xem đây như một sự cố cho chính phủ Hy Lạp và hiện nay kịch bản về một sự ra đi của Hy Lạp "do sự cố" ngày càng không còn là một điều cấm kỵ nữa. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng việc loại bỏ một mắt xích yếu sẽ sẽ tốt cho cả châu Âu và Hy Lạp, giảm thiểu  những rủi ro về kinh tế và địa chính trị, từ mối nguy cơ về sự tan rã của Liên minh châu Âu, vốn đã trở nên lung lay do những căng thẳng với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine đến nguy cơ một sự tấn công của các thị trường hay làn sóng người tị nạn.

Hồi đầu tuần, Thủ tướng Merkel đã mời Thủ tướng Hy Lạp tới Berlin vào tuần tới. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Tsipras tới Đức kể từ khi ông này lên nắm quyền tại Hy Lạp hồi đầu năm. Theo các nhà phân tích, thông báo về chuyến thăm này có thể xem là một tín hiệu phát đi cho thấy quyết tâm làm dịu căng thẳng từ cả hai nhà lãnh đạo Đức và Hy Lạp, song cũng được xem là nỗ lực cuối cùng của Đức nhằm giữ chân Hy Lạp. Bời dù tuyên bố muốn giữ chân Hy Lạp, song chính phủ Đức cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta không thể tự trói tay mình" với hàm ý nếu Hy Lạp muốn ra khỏi khu vực đồng euro, hãy để cho họ làm điều đó.”

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Tôi đã nhiều lần nói rằng mục tiêu chính trị của chúng tôi là giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro. Chúng tôi vẫn đang làm việc vì điều này từ nhiều năm nay. Song vấn đề nào cũng có hai mặt, một mặt là sự đoàn kết của các đối tác châu Âu và mặt kia là sự tôn trọng các cải cách và cam kết. Vì thế rõ ràng, con đường phía trước là rất khó khăn.”

Dẫu vậy, một thực tế không thể phủ nhận là dù Hy Lạp là quốc gia duy nhất còn sót lại của Khu vực đồng tiền chung vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng bất chấp việc đã nhận được các gói cứu trợ bổ sung, song sự ra đi của nước này sẽ buộc Liên minh châu Âu phải xem xét lại toàn bộ các chính sách của mình và thậm chí còn đặt khối này trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng về thể chế./.
Theo Thu Hoài/VOV-Trung tâm Tin

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm