1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam qua lăng kính của người nước ngoài

(Dân trí) - Một người Anh sống tại Hà Nội 12 năm đã trải nghiệm cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam mà anh mô tả là thành công và thể hiện được sự đồng lòng của người dân vì mục đích chung.

Anh Alex Sheal đến từ Anh và đã sống ở Hà Nội trong 12 năm qua. Anh đã có bài viết trên được đăng tải trang tin South East Asia Globe nói về thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, với tư cách là người trực tiếp trải nghiệm các nỗ lực của chính phủ và người dân.

Dưới đây là bản lược dịch bài viết của anh Sheal. Tiêu đề và lời giới thiệu do báo Dân trí đặt.

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam qua lăng kính của người nước ngoài - 1

Người dân tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội, xếp hàng chờ nhận hỗ trợ gạo hồi cuối tháng 4 tại Hà Nội (Ảnh: Reuters)

Trong một khoảng thời gian, chiếc loa phóng thanh bên ngoài nhà tôi ở Hà Nội gần như im lặng. Chiếc loa đã nhuốm màu thời gian, nằm “chen lấn” cùng với nhiều loại dây trên chiếc cột điện, vốn đã được cho ngừng hoạt động.

Những chiếc loa từng là một trong những phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng sự ra đời của công nghệ hiện đại như mạng internet đã khiến chúng trở nên cũ kỹ.

Cho tới trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, chúng thực sự là như vậy.

Vào cuối tháng 1, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2, hệ thống loa phóng thanh trên khắp cả nước dường như “hồi sinh”, truyền tải hàng loạt thông tin về số ca bệnh, các hướng dẫn y tế, những bài hát cổ động rộn ràng như “Ghen Cô Vy”.

Đó chỉ là một trong những ví dụ cho việc chính phủ Việt Nam đã triển khai các biện pháp chống dịch mang hơi hướng gợi lại không khí thời chiến. Các khẩu hiệu cổ động khuyến khích người dân “Ở nhà là Yêu nước” được treo trên khắp đường phố thủ đô, trong khi Bộ Y tế cùng với một số cơ quan khác phát hành một bộ tem đặc biệt kêu gọi toàn dân chung tay phòng dịch.

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam qua lăng kính của người nước ngoài - 2

Hai nữ sinh ở thành phố Hồ Chí Minh trong ngày đầu trở lại trường học hôm 5/5 (Ảnh: Reuters)

Hình ảnh về các chiến dịch được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội và nhận được sự tham gia đồng lòng của người dân. Và chiến lược này của Việt Nam dường như đã thể hiện sự hiệu quả. Cho tới nay, Việt Nam có vài trăm ca Covid-19 và chưa có bất cứ ca tử vong nào.

Lệnh phong tỏa ban hành ngày 1/4 - với biên giới, trường học và một số doanh nghiệp đóng cửa và hoạt động đi lại bị hạn chế - đến nay đã được nới lỏng. Vào dịp kỷ niệm 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam giành thêm một "chiến thắng".

Việt Nam đã có phản ứng nhanh chóng với đại dịch như kiểm tra toàn bộ người nhập cảnh từ hồi tháng 2, phát triển bộ xét nghiệm hiệu quả vào tháng 3, cách ly bắt buộc 14 ngày với người từ nước ngoài, truy vết mầm bệnh quyết liệt, phong tỏa các khu dân cư có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Biểu tượng của cuộc chiến chống dịch

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam qua lăng kính của người nước ngoài - 3

Người Hà Nội đeo khẩu trang khi lưu thông ngoài đường phố Hà Nội hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)

Khi những diễn biến tồi tệ nhất của dịch đã có dấu hiệu biến mất ở Việt Nam, một vật sẽ vẫn được xem là biểu tượng của cuộc chiến chống Covid-19. Đó là chiếc khẩu trang.

Trong khi người dân Việt Nam đã bắt đầu bịt khẩu trang hàng loạt từ tháng 1, nhiều quốc gia phương Tây tỏ ra ngần ngại khi làm theo.

Hồi tháng 1. tôi đã di chuyển tới miền Trung cùng với gia đình gồm người vợ Việt Nam, con trai 18 tháng tuổi, cha mẹ vợ và người cha 74 tuổi của tôi. Khi đó, tin tức về dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện trên báo chí và truyền thông.

Người tài xế chở chúng tôi đi qua đèo Hải Vân tới Đà Nẵng đeo khẩu trang trên suốt hành trình. Tết Âm lịch gần như đã kết thúc và đó là ngày đầu tiên anh trở lại làm việc.

“Vợ tôi không cho tôi ra khỏi nhà nếu thiếu thứ này. Không có nhiều tác dụng với tôi - nhưng tôi phải lo cho con cái và ông bà chúng”, người tài xế vừa nói, vừa chỉ tay vào chiếc khẩu trang.

Tại Hà Nội, hầu hết mọi người lưu thông ngoài đường đều mang khẩu trang. Tại căn hộ cha tôi sống, các nhân viên tòa nhà đã dựng lên một khu vực làm sạch tay ở sảnh và thang máy cũng treo các khẩu hiệu hướng dẫn mọi người không thực hiện các hành động có nguy cơ làm lây bệnh.  

Ngày 15/2, chúng tôi đưa cha ra sân bay để trở về nhà. Nơi này trở nên vắng lặng hơn bình thường và tất cả mọi người, kể cả người nước ngoài đều mang khẩu trang. Cha tôi lúc này đã thừa nhận rằng “an toàn còn hơn bị ốm” và đã mang theo một chiếc khẩu trang.

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam qua lăng kính của người nước ngoài - 4

Người dân thành phố Hồ Chí Minh vẫn đeo khẩu trang sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng (Ảnh: Reuters)

Kể từ khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng vào cuối tháng 4, chiếc loa phóng thanh ở khu phố tôi sống lại trở nên yên ắng, trừ đôi lần phát bài "Ghen Cô Vy". Âm thanh từ đường phố bắt đầu rộn ràng. Trường học mở cửa trở lại, các khu chợ trở nên đông đúc và người Hà Nội tỏ ra thận trọng quay trở lại nhịp sống bình thường như ra tiệm café và quán phở thân thuộc.

Trong khi đó, theo các bản tin, việc phong tỏa ở Anh có thể phải kéo dài tới cuối năm và việc khuyến cáo đeo khẩu trang vẫn đang nhận được nhiều ý kiến tranh cãi. Một số nhà lãnh đạo thế giới vẫn từ chối đeo khẩu trang.

Không thể kết luận rằng khẩu trang đã làm nên sự khác biệt ở Việt Nam, nhưng việc người dân tuân thủ khuyến cáo thể hiện sự sẵn sàng và đồng lòng của họ vì một mục đích chung, to lớn.

Ngày kỷ niệm thống nhất đất nước (30/4) năm nay có vẻ yên ắng hơn so với bình thường do dịch bệnh. Tuy nhiên, mỗi ngày, mỗi tuần trôi qua, cuộc sống ở Việt Nam vẫn đang trở lại bình thường với những người dân tiếp tục đeo khẩu trang.

Đức Hoàng

(Lược dịch)