1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc chạy đua cạnh tranh ảnh hưởng khi Mỹ - Hàn hòa dịu với Triều Tiên

(Dân trí) - Mối quan hệ ngày càng ấm dần lên giữa Triều Tiên và cựu thù Mỹ cũng như sự hòa giải giữa Bình Nhưỡng với quốc gia láng giềng phía nam không chỉ là sự thay đổi mang tính cách mạng mà còn “châm ngòi” cho cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng giữa các nước trong khu vực.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay nhau trong cuộc gặp tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay nhau trong cuộc gặp tại Singapore (Ảnh: Reuters)

Mặc dù mối quan hệ Trung - Triều được cho là lạnh nhạt trong những năm gần đây liên quan tới các lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh áp đặt lên Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn thực hiện chuyến đi thứ 3 tới quốc gia láng giềng trong năm nay để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 19-20/6. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng có chuyến công du tới Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin hôm nay 22/6.

John Ross, nhà bình luận và nghiên cứu cấp cao tại Viện Chongyang thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã đưa ra nhận định về các động cơ địa chính trị và kinh tế của các bên đằng sau các cuộc tiếp xúc ngoại giao của lãnh đạo các quốc gia láng giềng với Triều Tiên. Ông Ross cho rằng về cơ bản, Nga và Trung Quốc không muốn Mỹ và Hàn Quốc tự ý giải quyết vấn đề Triều Tiên và áp đặt ảnh hưởng lên Bình Nhưỡng.

Mối quan tâm của Nga

Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Dmitry Medvedev gặp nhau tại Moscow ngày 21/6 (Ảnh: Yonhap)
Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Dmitry Medvedev gặp nhau tại Moscow ngày 21/6 (Ảnh: Yonhap)

Tổng thống Moon Jae-in đã gặp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua 21/6 và gặp Tổng thống Vladimir Putin trong ngày hôm nay. Trong khi đó, ông Putin cũng mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Moscow vào tháng 9 tới sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra thành công tại Singapore hôm 12/6.

Trước khi bắt đầu cuộc gặp với Tổng thống Putin, Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất kế hoạch đưa đường ống khí đốt của Nga chạy qua lãnh thổ Triều Tiên để tới Hàn Quốc và thậm chí cả Nhật Bản. Theo nhà nghiên cứu John Ross, Nga “có lợi ích” nhất định khi bối cảnh quan hệ ngoại giao trong khu vực có sự thay đổi.

“Trong khi đường biên giới chính với Triều Tiên là Trung Quốc, nước này cũng có đường biên giới với Nga. Thành thực mà nói, liệu ai (Nga hay Trung Quốc) có thể tin tưởng vào Mỹ nếu nước này tìm cách gây ảnh hưởng lên Triều Tiên - viễn cảnh mà một số người ở Mỹ đang muốn đạt được. Về cơ bản có thể xảy ra việc thống nhất liên Triều mà ở đó Hàn Quốc sẽ là nước gây ảnh hưởng lên Triều Tiên”, ông Ross hoài nghi về động cơ của Mỹ.

Chuyên gia Ross đã phân tích những lợi ích địa chính trị của Nga và chỉ ra những điểm tương đồng về lịch sử.

“Mỹ đã triển khai các lực lượng tới khu vực Đông Âu cùng NATO, mặc dù trước đó từng trấn an (lãnh đạo Liên Xô) Mikhail Gorbachev rằng Mỹ sẽ không làm vậy. Tôi không tin là Nga sẽ hào hứng khi Mỹ tiếp cận Triều Tiên - nước có chung đường biên giới với Nga ở phía đông”,

Liên quan tới vai trò của Hàn Quốc, chuyên gia Ross tin rằng Hàn Quốc sẽ không rời xa Mỹ vì theo ông, Washington vẫn đang cung cấp sự bảo đảm về an ninh cho Seoul dù nước này có cần hay không. Nếu Triều Tiên đi theo chính sách kinh tế cởi mở hơn và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chính Hàn Quốc cũng là nước được hưởng lợi.

Tiếng nói của Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un và phu nhân tại Bắc Kinh ngày 19/6 (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un và phu nhân tại Bắc Kinh ngày 19/6 (Ảnh: Reuters)

Đối với Trung Quốc, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn chuyển hướng tập trung sang phát triển kinh tế thay vì phát triển vũ khí hạt nhân như trước đây là viễn cảnh đôi bên cùng có lợi. Bắc Kinh đang triển khai Sáng kiến Vành đai, Con đường nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu bằng cách cho các nước khác vay tiền để phát triển các dự án hạ tầng lớn do các công ty Trung Quốc thực hiện.

“Trung Quốc và Triều Tiên có mối liên kết lịch sử rất chặt chẽ, bao gồm cả những yếu tố gây căng thẳng. Nằm ở vị trí không thuận lợi, Triều Tiên đã phải đấu tranh suốt nhiều thế kỷ, đối phó với cả Trung Quốc và Nhật Bản để giành được độc lập”, ông Ross giải thích.

Sau chiến tranh Triều Tiên, khi Hàn Quốc chuyển từ chế độ cai trị thực dân của Nhật Bản sang một chính phủ thân Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc đều lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa để phát triển đất nước.

Hệ tư tưởng chính thức của Triều Tiên là “Juche” (tự lực cánh sinh), và trên thực tế nước này đã đi theo con đường của đảng cộng sản. Điều đó đã tạo cho Triều Tiên một nền tảng chung để có thể hợp tác với Trung Quốc và mối quan hệ giữa hai nước không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa hai quốc gia thông thường.

“Sự khác biệt lớn (giữa Triều Tiên và Trung Quốc) là chính sách kinh tế. Trung Quốc có một chính sách kinh tế rất thành công, còn Triều Tiên, thẳng thừng mà nói, không thành công như vậy”, chuyên gia Ross nhận định.

Do vậy, theo ông Ross, Trung Quốc sẽ rất hài lòng nếu Triều Tiên xây dựng các chính sách kinh tế tương tự Bắc Kinh. Điều đó đồng nghĩa với việc, Triều Tiên sẽ phải gia tăng hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời mở rộng các mối quan hệ thương mại quốc tế như cách Trung Quốc từng làm trước đây.

Trong bối cảnh Mỹ - Hàn - Triều đang có nhiều động thái hàn gắn mối quan hệ sau nhiều năm căng thẳng, việc Trung Quốc cần làm bây giờ là xây dựng lại chính sách với Triều Tiên và Hàn Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục phớt lờ sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc có thể gắn kết Triều Tiên và Hàn Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với một bán đảo Triều Tiên thống nhất và liên minh với Mỹ. Đây chắc chắn sẽ là một kết quả ảnh hưởng không nhỏ tới các lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.

Thành Đạt

Theo Sputnik, Diplomat